Còn nhiều vấn đề trước 'Giờ G'

Ngày 15/12 trên toàn hệ thống Petrolimex cả nước, với khoảng 2.400 cửa hàng, sẽ chỉ kinh doanh hai loại là xăng E5 và xăng RON 95 – sớm hơn kế hoạch đề ra 15 ngày.

Tuy nhiên, vẫn không ít người lo lắng, hiệu quả của việc chuyển đổi này đến đâu khi những nút thắt về giá, thói quen của người dùng, nguồn cung còn nhiều điều chưa được tháo gỡ...

Nỗi lo của các doanh nghiệp nhỏ

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 5/26 đầu mối kinh doanh xăng dầu đã có sự chuẩn bị sẵn sàng, trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã cam kết và sẵn sàng “khai tử” xăng RON 92 từ ngày mai 15/12.

Đại diện Petrolimex cho biết, với hệ thống cửa hàng xăng dầu trực thuộc, tính đến ngày 10/11/2017, đã chuyển đổi khoảng 40% cửa hàng xăng dầu và mục tiêu chậm nhất đến ngày 25/12 sẽ ngừng bán xăng RON 92. Đối với những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, do điều kiện địa lý và đặc thù riêng, việc thực hiện có thể chậm hơn các khu vực trung tâm, song lộ trình vẫn đảm bảo đúng kế hoạch đã đề ra. Đối với hệ thống phân phối trung gian, hiện Petrolimex đã có thông báo đến khách hàng về chủ trương của Chính phủ chấm dứt lưu thông xăng khoáng RON 92 và thay thế bằng xăng E5 từ ngày 1/1/2018.

Còn với PVOil, đại diện của doanh nghiệp này cũng khẳng định, đến thời điểm này PVOil đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho lộ trình kinh doanh đại trà xăng sinh học E5, bao gồm: Công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; đảm bảo nguồn, kế hoạch sản xuất chế biến, điều độ, vận chuyển xăng sinh học E5 từ nơi pha chế đến các kho trung chuyển và tới hệ thống phân phối, các cửa hàng bán lẻ của PVOil trên toàn quốc cũng như cung ứng cho thị trường.

Cả Petrolimex và PVOil đều khẳng định, hoàn toàn có thể chuyển sang kinh doanh xăng E5 ngay từ giữa hoặc cuối tháng 12 để đến ngày 1/1/2018 sẽ chuyển đổi hoàn toàn. Tuy nhiên, mới đây, một số doanh nghiệp nhỏ kinh doanh xăng dầu đã gửi đề xuất với Bộ Công Thương xin linh động lùi thời hạn thực hiện việc chuyển đổi muộn hơn ngày 1/1/2018.

Theo đại diện của Công ty TNHH Petro Bình Minh, hiện tại công ty đã triển khai kho chứa tại khu vực Quảng Ninh nhưng vẫn đang xây dựng, chưa hoàn thành. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất còn khiêm tốn. Nay công ty vẫn còn thuê kho chứa, vẫn còn hàng tồn (xăng RON 92), vì vậy việc xử lý là không hề đơn giản và chưa biết xử lý như thế nào với số lượng tồn...

Nên có chính sách đồng bộ

Về cơ bản, công tác chuyển đổi từ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 của các doanh nghiệp đầu mối lớn đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên để đạt được đúng tiến độ 1/1/2018 đạt hiệu quả cao nhất, với 100% cửa hàng xăng dầu trên cả nước bán xăng E5 thì rất cần sự đồng bộ về cơ chế chính sách.

Chỉ ra một số bất cập, tại buổi họp về xăng sinh học do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với gần 500 cửa hàng và lượng tiêu thụ xăng dầu lớn nhất cả nước, tuy nhiên, mức tiêu thụ xăng E5 trên địa bàn thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả, chỉ đạt sản lượng khoảng 5%. Một trong những nguyên nhân, theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội chính là chiết khấu từ việc bán xăng RON 92 thời điểm hiện nay đang cao hơn xăng E5. Chưa kể, để áp dụng chuyển đổi chính thức từ 1/1/2018, doanh nghiệp sẽ phải mất thêm nhiều chi phí để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như súc rửa bồn bình, phục vụ cho việc bán nguồn nhiên liệu mới...

Do vậy, đại diện Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Nhà nước cần đưa ra cơ chế chính sách để hỗ trợ cho việc chuyển đổi này cũng như đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu triển khai lộ trình thay thế xăng E5. Quý I/2018 cần có sự nghiên cứu bù đắp cho các doanh nghiệp đầu mối để không có sự chênh lệch lợi nhuận khi chuyển sang E5.

Về nguồn cung, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, nếu các đầu mối khẳng định 100% nguồn cung được đảm bảo thì từ 1/1/2018 hãy triển khai. Nếu trục trặc, dù chỉ một ngày chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh năng lượng, đảm bảo sinh hoạt người dân.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/con-nhieu-van-de-truoc-gio-g-3909780-b.html