Cơn cuồng bất động sản từ Mỹ, châu Âu tới châu Á

Giá bất động sản thế giới tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ Mỹ, châu Âu đến châu Á, người dân và nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền mua nhà.

Theo Bloomberg, từ Mỹ, Anh cho đến Trung Quốc, thị trường bất động sản toàn cầu đang bùng nổ. Khảo sát của Knight Frank cho thấy giá nhà thế giới tăng trung bình 7,3% trong 12 tháng tính đến hết tháng 3. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2006.

Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu với tốc độ tăng giá nhà lên đến 32%, thứ hai là New Zealand (22,1%). Mỹ đứng thứ năm với tốc độ tăng giá 13,2%. Tại châu Á, Singapore và Hàn Quốc chứng kiến giá tăng lần lượt 6,1% và 5,8%. Các nhà phân tích của Bloomberg Analysis cảnh báo thị trường đang cho thấy những dấu hiệu bong bóng tương tự trước thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Có nhiều nguyên nhân đẩy giá bất động sản toàn cầu tăng vọt, ba gồm lãi suất cho vay thế chấp thấp và nhu cầu ở nhà riêng trong đại dịch Covid-19 tăng cao. Ngoài ra, tâm lý “phải mua ngay trước khi không thể mua được nữa” cũng góp phần làm thị trường tăng nhiệt.

Một căn nhà xuống cấp ở Kensington (thuộc Sydney, Australia) được bán với giá 3,5 triệu USD sau cuộc đấu giá căng thẳng. Ảnh: Bloomberg.

Hàng trăm người tranh mua "chiếc hộp nhỏ" ở Canada

Chuyên viên môi giới bất động sản Kristin Cripps biết rõ thị trường đang nóng ở Barrie, thành phố nhỏ cách Toronto (Canada) khoảng 1,5 giờ chạy xe. Đặc biệt, những căn nhà lớn hoặc bất động sản gần hồ Simcoe bán rất chạy.

Cô mới rao bán căn nhà nghỉ dưỡng một phòng ngủ gần hồ Simcoe và không thể ngờ rằng chỉ trong vòng 24 giờ, đã có tới 192 người đăng ký mua. "Căn nhà này chẳng có gì đặc biệt cả, nhìn bên ngoài nó như một cái hộp nhỏ vậy", Cripps mô tả.

Trong ba ngày sau đó, hàng trăm người đến hỏi mua căn nhà này. Cripps kể cuộc đấu giá nóng đến mức có thời điểm cứ 20 phút cô nhận được 75 thư điện tử. Cô chỉ ngủ 2-3 giờ mỗi đêm để xử lý hết các yêu cầu của khách hàng.

Cuối cùng, ngôi nhà này được bán với giá 625.671 USD, gần gấp đôi giá rao 328.665 USD ban đầu. "Các bạn hãy tưởng tượng cảnh khách chen lấn, xô đẩy nhau để mua hàng trong siêu thị ngày Thứ sáu đen tối. Tình cảnh ở đây cũng giống như vậy", Cripps kể.

Nhà được rao bán tại Barrie, Canada. Ảnh: Bloomberg.

Giá tăng kỷ lục 30 năm tại Australia

Căn nhà xuống cấp ở phía nam trung tâm Sydney (Australia) không có bếp, nhà vệ sinh hay hệ thống điện, thậm chí không được lát sàn. Nhưng nó vẫn được bán với giá 3,5 triệu USD sau một cuộc đấu giá căng thẳng.

Thống kê của CoreLogic cho thấy khoảng 50% căn nhà tại Sydney được bán với giá ít nhất 746.500 USD. Trong 12 tháng tính đến hết ngày 30/6, giá nhà toàn Australia tăng 13,5%, mức cao nhất trong 30 năm qua. Trong tháng 5, giá nhà tăng khoảng 943 USD/ngày. Phân khúc bất động sản hạng sang đang bán chạy nhất tại Australia.

"Tôi làm việc trong ngành bất động sản suốt 25 năm qua và chưa từng thấy tình trạng như vậy", chuyên viên môi giới Joe Recep của hãng NG Farah Real Estate khẳng định. “Chúng tôi nhận tới 30.000 lời hỏi mua trong 4 tuần từ UAE, Mỹ, New Zealand và nhiều nước châu Á".

Chuyên viên môi giới D’Leanne Lewis thuộc đại lý bất động sản Laing+Simmons ở Double Bay bán số lượng nhà trị giá 44,7 triệu USD chỉ trong một ngày trong tháng 5, cao hơn tổng doanh số cả tháng trước của cô. Trong số 5 căn Lewis bán có một căn 8 phòng ngủ, 9 phòng tắm ở Bellevue Hill.

Hàng dài người tham gia phiên đấu giá một căn nhà ở Sydney, Australia. Ảnh: Bloomberg.

Giá bán ra là 25 triệu USD, cao hơn 40% so với giá khởi điểm và gần gấp 4 lần mức giá 7 triệu USD nó được bán 5 năm trước đây. Vấn đề là căn nhà này không có tầm nhìn ra vịnh giống như những căn nhà trong tầm giá đó ở Sydney.

"Thị trường đang điên rồ nhưng mọi thứ đều có logic riêng", Lewis nhận định. "Cách ly trong một căn nhà rộng rãi ở Sydney thoải mái hơn nhiều so với những nơi khác trên thế giới. Mọi người đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn".

Giá nhà tăng vọt tại nông thôn Mỹ

Ở vùng giàu có như Greenwich (Connecticut), nhiều khách mua phải ra giá trước khi kịp xem nhà. Không thể đến kiểm tra một căn nhà giá 1,55 triệu USD, một nhóm đầu tư đề nghị trả mức giá cao hơn ngay lập tức. Điều kiện duy nhất họ đặt ra là được vào nhà trước khi ký hợp đồng mua.

Ông Mark Pruner, môi giới tại Berkshire Hathaway HomeServices ở Greenwich, cho biết: “Họ còn chưa xem nhà, nhưng vẫn trả giá cao nhất cho chúng tôi. Có rất nhiều người đặt lịch để có thể xem nhà trong vỏn vẹn 15 phút".

Hồi tháng 4, giá nhà ở Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 30 năm, nhất là ở khu vực ngoại ô và nông thôn. Khi dịch Covid-19 đạt đỉnh ở Mỹ, dân New York đổ xô về Greenwich, thúc đẩy thị trường nhà đất tại đây sôi động hơn bao giờ hết.

Trong tháng 5, số căn nhà được bán ra tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu tiên, giá bán nhà trung bình tại Greenwich tăng 31%, lên mức 2,24 triệu USD/căn.

Thị trường bất động sản ở Boise (Idaho) đang tăng cực nóng. Ảnh: Bloomberg.

Ở một số vùng nông thôn, thị trường còn nóng bỏng hơn. Tại Boise (Idaho), hàng loạt nhà đầu tư từ California đến mua nhà. Hãng môi giới Redfin cho biết giá nhà tại đây vào đầu tháng 6 đã tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. 80% khách hàng mua nhà đều phải trải qua đấu giá.

Khách hàng sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để mua được nhà. Bà Shauna Pendleton, chuyên gia bất động sản tại Redfin, cho biết một số người bán còn được ở lại nhà với phí thuê rất thấp cho đến khi nhà mới của họ xây xong.

“Người bán biết họ có quyền lực trong thị trường này, họ biết cách đàm phán và là bên đề ra các quy tắc”, bà Pendleton nhấn mạnh.

Nhà bán đắt như tôm tươi ở Anh

Hiện tại, nhà tại Vương quốc Anh được bán cực nhanh. Theo Hamptons International, nhiều căn được mua trước khi chúng có mặt trên các trang web rao bán bất động sản.

Sự cạnh tranh gay gắt đang đẩy những người mua như bà Alyson Nash, 63 tuổi, và chồng vào cảnh không nhà. Họ bán ngôi nhà của gia đình mình vào năm ngoái và thuê nhà để có thể thoải mái thời gian săn bất động sản gần khu Guildford sầm uất.

Tám tháng sau, sau khi hỏi mua 3 căn nhà khác nhau với giá tối thiểu 2,5 triệu bảng Anh (3,5 triệu USD), họ vẫn chưa thể sở hữu nhà riêng. Bà Nash cho biết: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mua nhà khó khăn đến thế. Nguồn cung quá ít và những căn được chào bán lại có quá nhiều người săn đuổi".

Giá nhà ở các vùng khác tại Anh (đường màu vàng) tăng nhanh hơn giá nhà tại thủ đô London. Ảnh: Bloomberg.

Thị trường bùng nổ dẫn đến sự xuất hiện của hiện tượng gazumping (nếu được hỏi mua với mức giá tốt hơn, chủ nhà sẵn sàng hủy cam kết với khách hàng hiện tại). Ở Anh, mua bán bất động sản không có ràng buộc pháp lý cho đến khi hai bên ký hợp đồng chính thức.

Tại bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn hoàn thiện hợp đồng, người bán có thể chấp nhận một đề nghị khác. Bà Charlotte Howard, 46 tuổi, rơi vào tình cảnh tương tự hồi tháng 2 và mãi 4 tháng sau mới mua được một nhà riêng. "Tôi cảm thấy quá mệt mỏi, may mà mua được nhà", bà Howard thừa nhận.

Đóng thuế nhiều năm mới mua nhà được ở Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi kiểm soát đầu cơ nhà đất. Trong khi ở các nước, đại dịch đẩy xu hướng mua nhà ra các vùng ngoại ô thì tại Trung Quốc, người mua vẫn đổ dồn về các thành phố lớn, nơi có cơ hội làm việc và học tập tốt.

Giá nhà ở thành thị Trung Quốc tăng 10,8% từ đầu năm đến hết tháng 5 bất chấp nhiều biện pháp kiểm soát từ chính quyền. Theo công ty E-House Enterprise Holdings, một căn hộ tại Thâm Quyến có giá cao gấp 43,5 lần mức thu nhập trung bình của cư dân.

Tại một khu đô thị mới ở phía tây thành phố, người mua cần cọc ngay 1 triệu NDT (157.000 USD) và phải chứng minh khả năng tài chính để có thể mua nhà. Thậm chí, dù đáp ứng cả hai điều kiện trên, họ vẫn không dễ mua nhà vì nguồn cung hạn chế.

Căn hộ tại Thâm Quyến có giá cao gấp 43,5 lần mức thu nhập trung bình của cư dân. Ảnh: Bloomberg.

Dưới áp lực của chính quyền địa phương trong việc ưu tiên cư dân lâu năm, hãng bất động sản Coaster Group xếp thứ tự ưu tiên người mua theo số năm họ đóng thuế cho thành phố. Toàn bộ 2.114 đơn đăng ký mua nhà thành công đều có hồ sơ thuế trên 23 năm.

Điều này có nghĩa rất khó mua được nhà ở Thâm Quyến. Anh Jerry Huang, 29 tuổi, mới đóng thuế tại Thâm Quyến được 14 năm. Đây là lần thứ ba anh mua nhà thất bại bởi các yêu cầu khắt khe. “Có vẻ tôi phải gác lại kế hoạch mua nhà trong một thời gian dài. Có rất nhiều người cạnh tranh, tôi không chắc mình may mắn", anh nói.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-cuong-bat-dong-san-tu-my-chau-au-toi-chau-a-post1233769.html