Cổ vật vô giá triều Nguyễn: Bài 1 - Hiện vật đồng đầu tiên của triều đại

Thời nhà Nguyễn thịnh hành về đồ đồng vì thế theo các nhà nghiên cứu những cổ vật được đúc thời gian đó đều hướng tới sức mạnh và uy quyền của triều đại.

Gần 145 năm tồn tại và phát triển (1802-1945) tại đất Thuận Hóa - Phú Xuân nay là thành phố Huế, nhà Nguyễn đã để lại cho hậu thế nhiều giá trị về văn hóa cũng như vật chất tinh thần. Trong đó có các cổ vật còn sót lại được cho là những vật linh thiêng tượng trưng cho sức mạnh của vương triều phong kiến cuối cùng của Việt Nam.

Mới đây hãng đấu giá Millon Pháp đã thông báo tổ chức đấu giá kim ấn “Hoàng đế chi bảo”, được xem là “biểu tượng quyền lực” của các vua Nguyễn gây chú ý lớn với toàn thế giới.

Gia đình Việt Nam xin đăng tuyến bài về những cổ vật vô giá của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam nhằm giới thiệu đến bạn đọc về những giá trị tinh thần còn sót lại của lịch sử để biết trân trọng và bảo tồn.

Vạc đồng được coi là cổ vật đồng đầu tiên của triều đại nhà Nguyễn được đúc mỗi khi đánh thắng quân Trịnh để làm kỷ niệm. Đây được xem là hiện vật được nhà Nguyễn tiến hành đúc đầu tiên để tượng trưng cho sức mạnh và uy quyền của triều đại

Trong số những cổ vật của triều Nguyễn hiện có 7 cổ vật được Thủ tướng chính phủ được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong số đó có 3 bảo vật được làm bằng đồng hiện đặt trong khu vực hoàng thành và Đại Nội. Những bảo vật này không những có giá trị về văn hóa mà còn là biểu tượng để tượng trưng cho sức mạnh của triều đình nhà Nguyễn.

Để khẳng định sự trường tồn cho vương triều nên vào thế kỷ XVII, chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) cho đúc 10 chiếc vạc đồng, tượng trưng cho sức mạnh, sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong.

Những chiếc vạc này được làm bằng đồng chất, thống nhất về loại hình và kiểu dáng, kế thừa văn hóa cội nguồn Thăng Long đồng thời thể hiện sự sáng tạo của cư dân Đàng Trong thế kỷ XVII. Trước đó, có 1 chiếc được làm đầu tiên trước năm 1659 có hình dáng khác

Cả 10 chiếc vạc gồm loại 4 quai và 8 quai đều được trang trí những hoa văn truyền thống của Việt Nam như hoa, lá, chim muông, quai được tạo hình rồng... Tuy nhiên bên cạnh những hoa văn đặc trưng đó còn xuất hiện những hình trang trí theo phong cách mỹ thuật phương Tây như cụm tròn, chấm bi và lá sòi… Đây là lý do dẫn đến nhiều giả thiết cho rằng, có sự tham gia của người phương Tây trong việc thiết kế những chiếc vạc đồng này.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Sính - người có hàng chục năm trong nghề đúc đồng, là hậu duệ của đội “chú tượng kinh nhân” là đội ngũ chuyên đúc đồ đồng cho triều đình nhà Nguyễn đánh giá rằng, những bảo vật bằng đồng của vương triều Nguyễn là vô giá, được chế tạo với một trình độ rất cao, mặt khác các bảo vật bằng đồng được đúc trong giai đoạn nhà Nguyễn trải qua nhiều biến động về chính trị - xã hội nên đúc được cũng không phải là đơn giản.

Vào thời Gia Long, nhà Nguyễn cho thành lập đội “chú tượng kinh nhân” để triệu tập các thợ đúc đồng giỏi trong cả nước về Huế để đúc đồng. Tổ tiên của ông Sính vào đời thứ 5 và 6 là một trong những thành viên của đội này.

Theo ông Nguyễn Văn Sính, vật đầu tiên của nhà Nguyễn được đúc bằng đồng chính là 10 chiếc Vạc được đúc sau khi chúa Nguyễn Phúc Tần đánh bại được thủy quân Hà Lan tại cửa biển Thuận An.

Theo lão nghệ nhân, những chiếc vạc ra đời trong hoàn cảnh Đàng Trong và Đàng Ngoài đang đánh nhau từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Nghệ An. Những người đúc nên 10 chiếc vạc là những nghệ nhân người miền Nam.

Tại cố đô Huế hiện còn lưu giữ và trưng bày 15 chiếc vạc đồng là những tác phẩm nghệ thuật thật sự, thể hiện trình độ kỹ thuật đúc và mỹ thuật tuyệt vời. Trong số đó, 11 chiếc được đúc từ thời các chúa Nguyễn, còn 4 chiếc được đúc vào thời Minh Mạng.

Giới nghiên cứu cho rằng, số lượng vạc đồng mà chúa Nguyễn từng cho đúc có thể lớn hơn rất nhiều con số 11 nhưng đã bị thất thoát. Trong đó, một phần do quân Trịnh khi đánh chiếm Phú Xuân đầu năm 1775 đã thu gom nhiều khí cụ bằng đồng, đem nung chảy để đúc tiền.

Nói về việc bảo vệ các bảo vật, bà Huỳnh Thị Anh Vân - Giám đốc bảo tàng cổ vật cung đình Huế cho rằng, công việc này cũng có một vài khó khăn nhất định, bởi vì các bảo vật nằm ngoài trời, tiếp xúc với thời tiết. Tuy vậy bà Vân cho rằng không thể làm nhà để che cho những bảo vật này, vì xuất phát điểm của những bảo vật là ngoài trời, trường hợp làm mái che sẽ mất đi nguyên bản ban đầu của bảo vật.

“Tuy vậy cũng không có gì lo lắng bởi vì bảo vật được làm bằng đồng khá dày, nếu hư hại có chăng là tự sự tác động của con người”, bà Vân nói.

Những cổ vật bằng đồng thời Nguyễn không chỉ là những hiện vật mang tính lịch sử mà đây còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện rõ sự phát triển của nghề đúc đồng xưa kia, đồng thời là những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao.

-> Mời độc giả đón đọc Bài 2 - Cửu vị thần công thời vua Gia Long

Nguyễn Hiền

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/co-vat-vo-gia-trieu-nguyen-bai-1-hien-vat-dong-dau-tien-cua-trieu-dai-d187201.html