Có Standard-6 trong tay, Mỹ không cần đua số lượng tàu với Trung Quốc

Một loại vũ khí mới có thể giúp Hải quân Mỹ có lợi thế về hỏa lực hơn so với Trung Quốc; đó chính là tên lửa đa năng tầm xa Standard-6.

Vào đầu thập niên 1980, khi chiến tranh Lạnh đang ở thời kỳ căng thẳng nhất, Hải quân Mỹ bắt đầu lắp đặt các ống phóng tên lửa thẳng đứng trên các chiến hạm chính của họ và thiết kế các loại tên lửa khác nhau, để thích ứng với các ống phóng này.

Lấy tàu tuần dương lớp Ticonderoga làm ví dụ. Năm chiếc đầu tiên (đã được cho loại biên), được trang bị các bệ phóng tên lửa kiểu cũ, mỗi bệ phóng chỉ có thể mang một hoặc hai tên lửa. Thiết kế này đã hạn chế khả năng mang vũ khí của các tàu chiến này, khi mỗi tàu chỉ có thể mang tối đa 88 tên lửa.

22 chiếc còn lại sử dụng giếng phóng tên lửa thẳng đứng MK41 để thay thế hệ thống phóng kiểu cũ. Mỗi đơn vị MK41 có thể mang tên lửa phòng không Standa, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, tên lửa phòng thủ điểm Sea Sparrow và tên lửa chống ngầm Aslock.

Hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng rất tiết kiệm diện tích, cho phép lớp tàu này mang được nhiều tên lửa hơn. Lớp Ticonderoga được trang bị hệ thống MK41 có thể mang theo tối đa 122 tên lửa, nhiều hơn 34 tên lửa, so với 5 tàu chiến lớp này đóng đầu tiên.

Một ưu điểm nữa là mỗi đơn vị phóng MK41 có thể khai hỏa bất cứ lúc nào; đồng nghĩa với việc tàu chiến trang bị hệ thống phóng MK41 có thể phóng nhiều tên lửa hơn và thời gian phóng nhanh hơn.

Sự xuất hiện của hệ thống phóng thẳng đứng MK41 đã thay đổi cách Mỹ chế tạo và triển khai tàu chiến. Mỗi tàu chiến được trang bị nhiều tên lửa hơn, cho phép quân đội Mỹ triển khai nhiều vũ khí, nhưng chỉ với ít tàu chiến hơn. Đây là lý do tại sao trong những năm 1990 và thế kỷ 21, số lượng tàu của Mỹ giảm, nhưng số lượng tên lửa thực sự lại tăng lên.

Hiện tại, 300 tàu chiến đấu (tuần dương, khu trục, tàu ngầm) của Hải quân Mỹ, được trang bị khoảng 10.000 đơn vị phóng tên lửa. Ngược lại, mặc dù Hải quân Trung Quốc có nhiều tàu hơn, nhưng số tên lửa lại ít hơn rất nhiều, với tổng số chỉ khoảng 3.300 đơn vị.

Mặc dù hệ thống MK41 và các hệ thống phóng thẳng đứng tương tự có tính linh hoạt cao, nhưng chúng vẫn gặp phải một hạn chế, khi chỉ có thể mang một loại tên lửa chuyên dùng, để tấn công một loại một mục tiêu.

Ví dụ, tên lửa phòng không Standard-2 chỉ có hiệu quả chống lại các mục tiêu trên không và thích hợp nhất để đánh chặn tên lửa đạn đạo, phóng từ độ cao lớn. Tên lửa hành trình Tomahawk được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên bộ hoặc trên biển, v.v.

Do đó, chỉ huy hạm đội phải dự đoán được các mối đe dọa và nhiệm vụ để có thể nạp các loại tên lửa cho phù hợp. Ví dụ, ở Vịnh Ba Tư, khi chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công vào Syria, sẽ cần nhiều tên lửa Tomahawk hơn. Ở Tây Thái Bình Dương, sẽ cần thêm nhiều tên lửa đánh chặn.

Do hiện nay, phần lớn trong kho tên lửa của Hải quân Mỹ, mỗi loại có một nhiệm vụ khác nhau, không thể sử dụng tên lửa cho nhiệm vụ này vào nước khác. Ví dụ, khi hạm đội đang đối mặt với các cuộc không kích đường không của đối phương, thì tên lửa Tomahawk trên tàu là vô dụng.

Vì vậy Hải quân Mỹ cần một loại tên lửa có khả năng sử dụng chung vào nhiều nhiệm vụ, như tấn công các mục tiêu trên không, trên biển và trên mặt đất. Như vậy mọi đơn vị phóng thẳng đứng, được trang bị tên lửa loại này, đều có thể được sử dụng đồng thời trong nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau.

Standard-6 là mẫu cải tiến của tên lửa Standard, đây nguyên bản là tên lửa phòng không trên hạm của Hải quân Mỹ. Tầm bắn của tên lửa Standard-6 vẫn còn là một bí mật, nhưng nó có thể vượt quá 300 km. Ngược lại, phiên bản phòng không Standard-2 chỉ có tầm bắn 150 km.

Tên lửa Standard-6 được trang bị những thiết bị tìm kiếm tiên tiến, nên có thể đối phó với tên lửa đạn đạo, tàu và các mục tiêu mặt đất. Từ một góc độ nào đó, Standard-6 giống một tên lửa đạn đạo nhỏ, rất chính xác, có thể bắn trúng các mục tiêu khác nhau.

Lục quân Mỹ đánh giá cao tính linh hoạt của loại tên lửa này. Vào cuối năm ngoái, Lục quân Mỹ đã thông báo rằng họ sẽ mua Standard-6, phiên bản phóng từ mặt đất cho các nhiệm vụ chống hạm.

Hải quân Mỹ, vốn cần khẩn cấp triển khai thêm hỏa lực ở Tây Thái Bình Dương, cuối cùng đã chấp nhận tên lửa Standard-6. Trong một cuộc tập trận trước đó, tàu khu trục USS John Finn đã phóng tên lửa Standard-6 để tiêu diệt một tàu mục tiêu.

Hãy tưởng tượng, nếu hầu hết các tàu chiến của Mỹ đều được trang bị tên lửa Standard-6, thì cho dù mối đe dọa đến từ tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình, máy bay ném bom, tàu chiến hay tên lửa chống hạm đối đất, Standard-6 đều có thể tiêu diệt nó.

Nhưng giá thành của Standard-6 thì không hề rẻ chút nào, một tên lửa Standard-6 có giá khoảng 5 triệu USD, đắt gấp đôi Standard-2 phiên bản mới nhất. Nhưng với việc sản xuất loạt và đưa vào trang bị với số lượng lớn, giá thành Standard-6 sẽ giảm.

Kể từ khi tên lửa Standard-6 lần đầu tiên được đưa vào trang bị cách đây 8 năm, Hải quân Mỹ mới chỉ mua vài trăm tên lửa loại này. Nhưng bắt đầu từ năm 2024, mục tiêu của Hải quân Mỹ là tăng số lượng mua lên 180 tên lửa Standard-6 mỗi năm, nhằm đối phó với tình hình hết sức khó lường ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Nguồn ảnh: Pinterest.

Hải quân Mỹ diễn tập cực khủng trên biển. Nguồn: USnavy.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/co-standard-6-trong-tay-my-khong-can-dua-so-luong-tau-voi-trung-quoc-1531559.html