Chuyện về chiếc tàu chiến Mỹ đầu tiên bị Nhật Bản đánh chìm trong Thế chiến II

Hải quân Đế quốc Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng ngày 7-12-1941 đã làm thiệt hại nặng Hạm đội Thái Bình Dương, phá hủy 180 máy bay, cướp đi sinh mạng của hơn 2.400 người Mỹ. Nhưng ít người biết rằng, vụ Nhật Bản đánh chìm tàu chiến Hoa Kỳ đầu tiên lại không phải ở Hawaii mà là tại một con sông trên lãnh thổ Trung Quốc vào năm 1937.

Vào ngày 12-12-1937, pháo hạm USS Panay của Hải quân Mỹ và 3 tàu chở dầu của Công ty Standard Oil đang sơ tán các công dân Mỹ bị mắc kẹt trong trận Nam Kinh (chiến tranh Trung - Nhật) thì bị nhắm mục tiêu không kích. Vụ tấn công gây chú ý vì thực tế Mỹ và Nhật Bản thời điểm đó không có chiến tranh. Nó gây sốc đến mức nhiều người cho rằng Mỹ sẽ tuyên chiến ngay lúc đó. Nhưng ít nhiều sự kiện này đã bị lu mờ để rồi dư luận Mỹ choàng tỉnh bởi sự kiện mang tính hủy diệt xảy ra 4 năm sau. Trong thực tế, một số nhà sử học cho rằng, để hiểu đầy đủ ngày diễn ra sự kiện Trân Châu Cảng, trước tiên người ta phải hiểu chuyện gì đã xảy ra với tàu USS Panay.

Pháo hạm USS Panay hạ thủy vào năm 1927, là một phần của lực lượng tuần tra sông Dương Tử của Hải quân Mỹ

Nhiệm vụ sơ tán trong vụ thảm sát Nam Kinh

Ở châu Á, người ta thường coi Thế chiến II bắt đầu từ khi Đế quốc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc. Chiến tranh toàn diện giữa 2 quốc gia châu Á này nổ ra vào năm 1937, khoảng 6 năm sau khi Nhật Bản xâm chiếm tỉnh Mãn Châu của Trung Quốc. Sau khi quét qua Bắc Kinh và Thượng Hải, các lực lượng của Đế quốc Nhật Bản đã nhắm đến Thủ đô Nam Kinh của Trung Quốc lúc bấy giờ. Theo phán quyết sau chiến tranh của Tòa án Quân sự quốc tế vùng Viễn Đông, trong vụ thảm sát Nam Kinh vào tháng 12-1937, quân đội Nhật Bản sát hại trên 200.000 người, bao gồm cả thường dân không vũ trang. Trung Quốc đưa ra con số người thiệt mạng lên trên 300.000.

Khi Đại sứ quán Mỹ dồn dập nhận thông tin về các cuộc tấn công nhằm vào công dân Mỹ và người Trung Quốc làm việc cho các công ty Mỹ, tàu Panay đã được điều đến Nam Kinh để giúp sơ tán. Con tàu này được đóng tại Thượng Hải, hạ thủy năm 1927 và là một phần của lực lượng tuần tra sông Dương Tử của Hải quân Mỹ. Đây là một lực lượng được thành lập để bảo vệ các lợi ích của phương Tây dọc theo con sông lớn của Trung Quốc, do đó nó rõ ràng là một lựa chọn phù hợp cho nhiệm vụ. Nhưng đối với một số người, nó không phải là một điều tốt lành. Nhà sử học Bernard Cole đã chỉ ra trong Tạp chí Lịch sử Hải quân (thuộc Học viện Hải quân Hoa Kỳ) số tháng 2-2000, pháo hạm khi hạ thủy đã bị mắc kẹt trên đường trượt xuống nước. Nguyên nhân là do mỡ dùng để bôi trơn các đường trượt kém chất lượng. Ông Cole nhận định, sự kiện hạ thủy gặp trục trặc là một điềm gở.

Hành trình của 14 thường dân Mỹ và nước ngoài trên chiếc pháo hạm của Hải quân Mỹ bắt đầu từ ngày 11-12-1937 có nhiều mối lo khi họ đi ngược dòng. Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Lịch sử Hải quân năm 2012, ông Norman Alley - một nhà quay phim có mặt trên tàu Panay cho biết: “Tất cả chúng tôi đứng nhìn cảnh đốt phá, cướp bóc ở Nam Kinh cho đến khi vòng qua khúc cua, bầu trời đỏ rực và tràn ngập khói”. Ngày hôm sau, con tàu bị một nhóm lính Nhật trên bờ sông chặn lại. 5 lính Nhật lên tàu, tay lăm lăm lưỡi lê đòi lục soát để tìm binh sĩ Trung Quốc nhưng bị từ chối. Chiều hôm đó, Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã ra lệnh cho máy bay tấn công mọi con tàu trên sông Dương Tử ở thượng nguồn Nam Kinh. Tại thời điểm này, các tàu chiến của Mỹ lẽ ra phải được coi là trung lập, không phải là đối tượng bị tấn công. Chỉ huy của tàu Panay lúc đó là Thiếu tá Hải quân James Hughes đã cho sơn những lá cờ Mỹ lên pháo hạm để đề phòng tình huống bị bắn nhầm. Nhưng cuối cùng các máy bay ném bom Yokosuka B4Y của Nhật Bản đã tấn công tàu Panay và các tàu chở dầu 2 đợt, thả ít nhất 20 quả bom, trong khi 9 máy bay chiến đấu Nakajima A4N tấn công bằng súng máy. Thủy thủ đoàn của tàu Panay đã bắn trả nhưng không trúng.

Những quả bom của Nhật Bản đã rơi trúng đích. Buồng hoa tiêu và khẩu súng phía trước của tàu Panay đã bị phá hủy. Các vết rò rỉ lan khắp thân tàu, hàng chục người bị thương, trong đó có cả Thiếu tá Hughes và Trung úy Arthur Anders - sĩ quan điều hành. Do không thể nói được, Trung úy Anders đã viết mệnh lệnh “bỏ tàu” bằng bút chì trên một mảnh giấy vấy máu. Khi thủy thủ đoàn sử dụng thuyền cứu hộ đến bờ sông, họ tiếp tục bị bắn. Đằng sau họ, USS Panay nằm lại dưới sông Dương Tử. Hậu quả, 4 người chết (gồm 2 thủy thủ Mỹ, thuyền trưởng tàu chở dầu và một nhà báo Italia) trên 40 binh sĩ và thường dân bị thương. Đây là tàu hải quân đầu tiên của Mỹ bị tổn thất kể từ Thế chiến I và là tàu đầu tiên bị đánh đắm trong chiến đấu. Trung úy Anders đã trở thành sĩ quan Hải quân Mỹ đầu tiên ra lệnh nổ súng vào quân đội Đế quốc Nhật Bản.

Thủy thủ trên tàu USS Panay chống trả trận oanh kích của quân đội Đế quốc Nhật Bản trong vụ tấn công năm 1937

Bước qua bờ vực chiến tranh

Theo lời kể của ông Douglas Peifer trên Tạp chí Lịch sử Hải quân tháng 11-2018, ông Claude Swanson - Bộ trưởng Hải quân Mỹ nói rằng, chiến tranh với Đế quốc Nhật Bản là không thể tránh khỏi, vì vậy tốt nhất là nên chiến đấu trong khi Nhật Bản vẫn đang cố gắng chiếm phần lớn Trung Quốc.

Ông Henry Morgenthau Jr. - Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng đã nói với cấp dưới: “Họ đã đánh chìm 1 chiến hạm của Mỹ và giết chết 3 người… Các ông sẽ ngồi đây và đợi cho đến khi thức dậy vào buổi sáng, thấy họ đã ở Philippines, sau đó là Hawaii, và sau đó là Panama? Tới đâu mới được gọi là dừng lại?”.

Gần 3 tháng trước đó, ông Joseph Grew - Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản đã dự đoán một thảm kịch như vậy khi ông phàn nàn với Tokyo rằng, binh sĩ Nhật Bản ở Trung Quốc liều lĩnh, coi thường tính mạng và tài sản của Mỹ. Ông viết trong nhật ký của mình: “Khi ngửi thấy mùi máu, họ chỉ đơn giản là bay điên cuồng và không quan tâm đến ai hoặc thứ gì mà họ tấn công”.

Đế quốc Nhật Bản lúc đó không muốn gây chiến với Mỹ và vẫn cần nguyên liệu thô của Mỹ cho chiến tranh nên đã nhanh chóng nhận trách nhiệm. Nhật Bản khẳng định vụ tấn công là do nhầm lẫn và thông tin liên lạc kém dù một cuộc điều tra của Hải quân Mỹ đã phát hiện ra rằng, các máy bay ném bom Nhật Bản xuất hiện trong vòng 182m tính từ tàu Panay và chắc chắn phải nhìn thấy cờ Mỹ trên con tàu này. Chỉ hơn 2 tuần sau vụ tấn công, vào ngày 25-12-1937, chính quyền của Tổng thống Roosevelt đã đồng ý chấp nhận đề nghị trị giá 2,2 triệu USD của Tokyo (tương đương trị giá 47,4 triệu USD ngày nay) để dàn xếp vụ việc. Nhưng phải đến ngày 31-12-1937, các quan chức của chính quyền Mỹ mới có thể xem đoạn phim do nhà quay phim Alley ghi lại về cuộc tấn công, từ cảnh máy bay Nhật Bản lao xuống pháo hạm, thủy thủ đoàn bắn trả, đến hình ảnh quan tài của những người Mỹ thiệt mạng được chất lên chiếc thuyền cứu hộ và phủ cờ Mỹ. Những hình ảnh này đủ để khơi lại những lời kêu gọi chiến tranh của một số người trong chính quyền Tổng thống Roosevelt, nhưng cuối cùng không mấy ai ở Mỹ mong muốn xảy ra xung đột vào năm 1937. Dù vậy, các hành động của Đế quốc Nhật Bản ở Trung Quốc, trong đó có cả vụ đánh chìm tàu Panay, đã khiến chính quyền Tổng thống Roosevelt thúc đẩy Đạo luật Hải quân năm 1938, trong đó yêu cầu tăng quy mô hạm đội Mỹ lên 20%, tăng chi tiêu ước tính khoảng 1 tỷ USD (21,4 tỷ USD tiền ngày nay).

Về quan hệ Mỹ - Nhật Bản, mặc dù các sự kiện vào thời điểm đó có thể không bao giờ bị lãng quên hoàn toàn, nhưng những “mầm xanh” tha thứ đầu tiên đã xuất hiện, giúp nối lại quan hệ hữu nghị cuối cùng giữa 2 nước. Những “mầm xanh” đó chính là phản ứng của người dân Nhật Bản đối với vụ chìm tàu Panay. Đại sứ Joseph Grew cho biết, Phái bộ Mỹ tại Tokyo đón rất nhiều phái đoàn và khách, nhận nhiều thư từ và tiền đóng góp. Tất cả đều bày tỏ sự tiếc nuối, hối hận thay mặt cho Nhật Bản và quân đội nước này. Trong số những bức thư được gửi tới có một bức của bé gái 13 tuổi viết có đoạn: “Chúng tôi muốn nói với các bạn rằng, chúng tôi rất tiếc vì sai lầm mà máy bay của Nhật Bản đã mắc phải. Chúng tôi muốn được các bạn tha thứ. Tôi còn nhỏ và không hiểu lắm, nhưng tôi biết họ không có ý đó. Tôi cảm thấy rất tiếc cho những người bị thương và thiệt mạng”.

Theo CNN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-ve-chiec-tau-chien-my-dau-tien-bi-nhat-ban-danh-chim-trong-the-chien-ii-post542471.antd