Chuyện thú vị về Vua Lửa qua ghi chép của người Pháp

Với vị trí thần quyền trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Jrai, ngay khi đặt chân lên Tây Nguyên, hiện tượng Vua Lửa (Pơ tao Puih) đã được người Pháp, mà trước hết là các nhà truyền giáo để tâm nghiên cứu.

Người đầu tiên nói đến Vua Lửa có lẽ là linh mục Marini Romain trong cuốn “Ru moi”. Tiếp sau ông, các giáo sĩ như Cabaton, Borri, Guerlach, Jacques Dournes hay Henri Maitre… cũng đều nói đến hiện tượng Vua Lửa. Đặc biệt Henri Maitre trong cuốn “Les Jungles Moi” (Rừng người Thượng)-một công trình khảo sát toàn diện nhất về Tây Nguyên, đã có nhiều đoạn đề cập đến Vua Lửa với nhiều tư liệu quý.

Từ khoảng thế kỷ XV, Vua Khmer (Campuchia) đã có mối quan hệ khá mật thiết với Vua Nước (Pơ tao Ia) và Vua Lửa. Mối quan hệ này, theo Henri Maitre phỏng đoán, có thể là do sự giúp đỡ của các Pơ tao đối với Vua Khmer trước sự xâm lấn của người Chăm. Từ đó cứ 3 năm một lần, Vua Khmer lại cho người mang phẩm vật đến chào Vua Nước và Vua Lửa với lễ thức long trọng.

Trước khi đến ra mắt, viên quan được phái đi phải dùng quả bồ hòn xát lên người để thân thể được thanh khiết. Sau khi đọc lời chúc thọ bằng tiếng Jrai một cách long trọng, viên quan và đoàn tùy tùng sẽ dâng lên Vua Lửa các phẩm vật hậu hĩnh gồm: 2 con voi đực, 60 con trâu, 2 chiếc gối thêu, 2 bộ quần áo sọc, 2 nồi nấu cơm, 2 nồi đun nước, 2 chiếc lọng che, 100 chiếc bát, 500 thỏi sắt, 20 thỏi chì, 2 xe muối... cùng rất nhiều vật dụng khác như khố, áo, kim chỉ, hạt cau, thuốc lá, gối tựa, đàn, sáo, dao rựa…

Đáp lại, Vua Lửa cũng chuyển tặng vật đến Vua Khmer nhưng “khiêm tốn” hơn nhiều: một ít ngà voi, 1 sừng tê giác, 1 bộ khố áo; một bánh sáp ong to có ấn dấu ngón tay cái kèm theo 2 quả bầu, một quả chứa đầy gạo, một quả chứa đầy hạt vừng (mè). Tuy “khiêm tốn” như vậy nhưng tặng vật của Vua Lửa đối với Vua Khmer lại hết sức linh thiêng. Họ coi đây là các tặng vật chứa đựng những quyền uy siêu nhiên của vị Vua Lửa trong đó.

Bởi vậy khi những tặng vật này tới kinh đô, chúng sẽ được giao cho các vệ sĩ bảo vệ “gươm thần” của Vua Khmer canh giữ bên cạnh những bảo vật của quốc vương. Sáp chỉ được đưa ra dùng làm nến trong các ngày lễ trọng; còn hạt vừng, khi gặp những lúc tai ương như dịch bệnh, lũ lụt lớn hay chiến tranh, người ta lại rắc chúng lên mặt đất để làm hạ cơn giận dữ của các hung thần. Những khi cầu mưa giải hạn, sau khi khấn các vị thần hộ mệnh, Vua Khmer sẽ đem bộ quần áo, chiếc ngà voi và sừng tê giác do Vua Lửa gửi tặng ra và rưới “nước thánh” lên chúng để cầu sự linh thiêng…

Ông Rơ Lan Hieo-thế thân của Vua Lửa di dời gươm thần về nhà mới (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Gia An

Bất chấp mọi sự thăng trầm lịch sử của Vương quốc Khmer, mãi cho đến năm 1860 mối quan hệ qua lại này mới dứt.

Chúng ta ngày nay đã biết ít nhiều về nguyên tắc “kế vị” xưa kia của các Vua Lửa. Về thể thức này, Henri Maitre dẫn ghi chép của Giáo sĩ Guerlach như sau: “Khi có một Sadet (tức Vua Lửa) qua đời, các “chức sắc” của người quá cố sẽ họp lại. Sau nhiều phát biểu và cũng sau nhiều chầu rượu, người ta sẽ chọn ra một người theo họ hội đủ các điều kiện cần có. Người này phải là em trai hoặc cháu trai của vị Sadet vừa chết (mang họ Siu). Trưởng họ sẽ buộc vào tay người kế vị một vòng dây bằng chỉ bông vải. Ngay trong năm, ông ta phải tiến hành một cuộc “kinh lý” đến các làng cùng với các tùy tùng cũ có, mới có do mình lựa chọn. Sau đó, lịch “kinh lý” được ấn định 2 năm một lần; đến chuyến thứ 3 và thứ 4 thì 5 năm một lần và cuối cùng là không thời hạn.

Khi vị Sadet đến thăm làng nào, họ sẽ giết 1 con trâu, 1 con heo để tế lễ và làm tiệc. Ngoài ra mỗi làng còn phải dâng 1 chiếc nồi đồng, 1 con bò và heo để “vua” mang về; còn mỗi chủ nhà thì tùy điều kiện, có thể dâng 1 chiếc cuốc nhỏ bằng sắt hoặc một ít sáp ong, hạt cườm…”. Cũng có khi Vua Lửa không đích thân đi mà phái người giúp việc, trong trường hợp đó mỗi làng chỉ giết 1 con heo để hiến tế, 1 con heo sống, 1 chiếc chén tráng men để mang về; còn mỗi chủ nhà thì nộp một vật gì đó mang tính tượng trưng, trị giá chỉ khoảng 10 xu…

Một sự thú vị khác là trong các “tùy tùng” của Vua Lửa, theo Giáo sĩ Guerlach cho biết, họ cũng được chia thành những “phẩm trật” khác nhau. Tất nhiên đây chỉ là những quyền lực thô sơ, mang tính tượng trưng. Theo đó thì “phẩm trật” cao nhất là người phụ trách công việc ủ rượu, hầu rượu cho Vua Lửa; tiếp đến là người nấu cơm, tiếp sau là người quản voi, “và cuối cùng là một người thợ đánh con dao chuyên dùng để cắt các sợi chỉ ở vòng đeo tay; một người thợ đan chiếc gùi nhỏ cho “vua”, rồi người buộc vòng đeo tay bằng chỉ vào cổ tay khi “vua” mới được bầu. Sau 7 năm, nếu chiếc vòng này không bị đứt, chúng sẽ bị cắt và đem tiêu hủy…”.

Điều lý thú là 4 người phụ nữ có chức phận phục vụ Vua Lửa cũng được chia thành các “phẩm trật” khác nhau. Vẫn theo Giáo sĩ Guerlach, “quyền lực” nhất trong họ là người phụ nữ xe bông để làm những chiếc vòng tay, kế tiếp là người dệt chiếc khố trắng mà “vua” quấn trọng dịp lễ “lên ngôi”; người thứ ba chuyên việc khâu quần áo và cuối cùng là người làm ra chiếc túi nhỏ để đựng thuốc lá cho “vua”

NGỌC TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202202/chuyen-thu-vi-ve-vua-lua-qua-ghi-chep-cua-nguoi-phap-5767457/