Chuyên gia JICA nói gì về ODA của Nhật sụt giảm tỷ lệ ưu đãi?

Về vấn đề các điều khoản và điều kiện mới của các khoản vay ODA của Nhật Bản bị sụt giảm tỷ lệ ưu đãi, đại diện JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) tại Việt Nam cho rằng, mức độ ưu đãi của các điều khoản và điều kiện của ODA Nhật Bản đã thay đổi khi mức thu nhập của Việt Nam được xếp hạng vào hạng mục 'Thu nhập trung bình thấp'.

Mức lương trung bình hàng tháng 700 triệu VND cho các chuyên gia Nhật Bản là không chính xác. Ảnh: Internet.

Trong nhiều năm qua, Nhật Bản là đối tác cung cấp ODA song phương lớn nhất của Việt Nam với nhiều dự án có quy mô lớn và thời gian kéo dài. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều vướng mắc liên quan tới thẩm định khoản vay, lương chuyên gia, chậm trễ giải ngân... của các dự án ODA Nhật Bản. Vì thế, mới đây, đại diện JICA, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, cơ quan duy nhất thực hiện viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp cho báo chí những thông tin phản hồi về các vấn đề này.

Theo đó, về thông tin cho rằng, từ ngày 1/10/2017, các điều khoản và điều kiện mới của các khoản vay ODA của Nhật Bản đã được áp dụng cho các dự án tại Việt Nam với tỷ lệ ưu đãi bị sụt giảm, ông Konaka Tetsuo, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, các điều khoản và điều kiện của vốn vay ODA Nhật Bản được thiết lập dựa trên mức thu nhập của các nước tiếp nhận.

Hỗ trợ phát triển (mức hỗ trợ, trọng tâm hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ...) sẽ biến chuyển cùng với sự phát triển (mức tăng thu nhập) của nước tiếp nhận. Như vậy, mức độ ưu đãi của các điều khoản và điều kiện của ODA Nhật Bản đã thay đổi khi mức thu nhập của Việt Nam được xếp hạng vào hạng mục "Thu nhập trung bình thấp".

Mặc dù vậy, đại diện JICA cho biết, sự gia tăng của lãi suất là rất nhỏ, cụ thể là từ 1,4% lên 1,45% cho các điều khoản không ràng buộc, đồng thời yếu tố không hoàn lại trong vốn vay ODA Nhật bản theo cách tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế vẫn còn cao. Hơn nữa, mức độ ưu đãi của ODA Nhật Bản có thể được nhận thấy thông qua so sánh với các nhà tài trợ đa phương và song phương khác.

Theo ông Konaka Tetsuo, kể từ tháng 7/2017, các nhà tài trợ đa phương đã bắt đầu dừng cung cấp các khoản vay ODA cho Việt Nam.

Ngược lại, JICA, với việc thiết lập các điều khoản và điều kiện cho vay của mình dựa trên định nghĩa ODA của OECD-DAC có thể tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA cho Việt Nam đến khi Việt Nam tốt nghiệp hạng mục "Thu nhập trên trung bình" và xem xét sự tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng các khoản vay ODA của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ tới.

Về vấn đề trong quá trình thẩm định khoản vay đối tác Nhật Bản đưa ra các quy định để tăng chi phí dự án và quy mô cho vay, chẳng hạn như tiền lương của tư vấn trong nước và quốc tế, dự phòng trượt giá…, đại diện JICA cho biết, liên quan đến việc hình thành dự án, JICA ban hành 'Hướng dẫn chung về Thẩm định' vào mỗi năm tài chính.

Theo đó, các mục được nêu trong hướng dẫn chung là các quy tắc áp dụng mang tính toàn cầu và được thiếp lập cho mục đích ước tính chi phí. JICA thảo luận kỹ lưỡng với phía Việt Nam, trong đó có Bộ Tài chính, về các mục trong hướng dẫn chung trước khi tiến hành thẩm định và hoàn tất dự toán chi phí.

Để tránh xảy ra tình trạng thiếu vốn trong quá trình thực hiện dự án, bản Hướng dẫn chung đưa ra các quy định chung về tỷ giá hối đoái, các định mức chi phí, dự phòng và trượt giá nhằm thực hiện ước tính chi phí.

Dựa trên chi phí ước tính cho dự án, JICA sẽ quyết định về khối lượng vốn vay được cung cấp theo nguồn tài chính của JICA. Vì vậy, các mục được nêu trong bản Hướng dẫn chung được sử dụng để đánh giá khối lượng tài chính thích hợp tài trợ cho dự án.

“Về nguyên tắc, hoạt động mua sắm sẽ được tổ chức theo hình thức đấu thầu cạnh tranh (hoặc đấu thầu cạnh tranh hạn chế, nếu đó là khoản vay có điều kiện ràng buộc) và chi phí thực tế cho mỗi gói thầu sẽ được xác định sau khi đánh giá kết quả đấu thầu/ký kết hợp đồng giữa chủ dự án và nhà thầu, nhà tư vấn trong giai đoạn thực hiện. Giá thực tế được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh, và thường thấp hơn so với ước tính chi phí trong quá trình thẩm định.

Trong thời gian qua, dư luận quan tâm vấn đề các yêu cầu về tiền công/tiền lương của đối tác Nhật Bản khi ước tính ngân sách cho các dự án sử dụng vốn vay Nhật Bản trong năm tài chính 2018 là khoảng 30.000 USD/tháng/người (+/-10%), chưa bao gồm phụ cấp.

Mức lương này cao hơn khoảng 20-25% so với mức lương trung bình của tư vấn nước ngoài trong các dự án sử dụng vốn vay ODA khác.

Về vấn đề này, ông Konaka Tetsuo cho biết, mức tiền lương cho tư vấn trong “Hướng dẫn chung dành cho thẩm định” được xác định dựa trên trình độ chuyên môn và kinh nghiệm toàn cầu, do đó, nó không phải là một đơn giá cố định.

“Hơn nữa trong quá trình tham vấn, JICA cũng thảo luận kỹ lưỡng với phía Việt Nam về tính phù hợp của đơn giá này với các định mức chi phí của Việt Nam, do đó mức giá chúng tôi áp dụng đa phần là giống với các dự án tương tự do các nhà tài trợ khác thực hiện tại Việt Nam”, ông Konaka Tetsuo nói.

Ông Konaka Tetsuo khẳng định, thông tin mức lương trung bình hàng tháng 700 triệu VND cho các chuyên gia Nhật Bản làm việc tại các dự án là không chính xác.

Theo đó, mức lương thực tế hàng tháng sẽ được xác định dựa trên kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh. “Chúng tôi đưa ra các hướng dẫn về đơn giá nhằm ước tính chi phí, nhưng đơn giá này cũng không thể nằm ngoài phạm vi cho phép và phía Việt Nam cũng như JICA luôn xem xét cẩn thận đơn giá này trong thời gian thẩm định”, đại diện JICA nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, JICA đồng ý với ý tưởng rằng chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy sự tham gia của các chuyên gia tư vấn địa phương trong các dự án ODA ở Việt Nam.

H.Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chuyen-gia-jica-noi-gi-ve-oda-cua-nhat-sut-giam-ty-le-uu-dai.aspx