Chuyên gia chỉ ra ưu và nhược khi chọn triệt sản ở nữ

Những năm trước, trung bình mỗi tháng có khoảng 15 ca triệt sản nữ. Từ năm 2023, số ca triệt sản nữ tăng gấp đôi. Chuyên gia khuyên, không muốn sinh thêm con các cặp vợ chồng nên cân nhắc phương pháp ngừa thai theo hoàn cảnh, điều kiện và sức khỏe.

Gần đây, nhiều cặp vợ chồng đã chọn phương pháp triệt sản nữ để ngừa thai, tránh "vỡ kế hoạch".

Chị Nga chọn triệt sản ở tuổi 35, sau khi sinh mổ con thứ 2. Sau sinh con đầu lòng năm 2020, vợ chồng Nga thống nhất không sinh thêm. Cơ địa không hợp với thuốc ngừa thai hàng ngày, chị Nga buồn nôn và mệt mỏi nên chị dừng thuốc sau 10 ngày sử dụng. Cấy que tránh thai thì bị rong kinh, chị Nga phải tháo que sau 2 tháng cấy. Sau đó, cặp đôi tránh thai bằng bao cao su, canh ngày rụng trứng và thuốc ngừa thai khẩn cấp.

Chị em nên cân nhắc phương pháp ngừa thai theo hoàn cảnh, điều kiện và sức khỏe.

Tuy nhiên, đầu năm 2023 chị Nga vỡ kế hoạch dù đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp. Trước lúc lên bàn mổ lấy thai, chị Nga ký yêu cầu bác sĩ triệt sản.

Sau khi bé gái chào đời, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cắt vòi trứng. Đây được xem như biện pháp triệt sản đầu tay vì nó mang lại hiệu quả vĩnh viễn và có thể giúp phòng ngừa một số type ung thư buồng trứng bắt nguồn từ ống dẫn trứng.

BSCKI Trần Nguyễn Phương An, Trung tâm Sản Phụ khoa trực tiếp phẫu thuật hỏi chị Nga lần cuối về ý định này, chị kiên quyết đồng ý triệt sản. “Hai con là quá đủ, nếu tiếp tục mang thai, tôi không đủ sức khỏe”, chị nói.

Chị Thương, 40 tuổi, cũng cắt hai vòi trứng để triệt sản sau khi sinh con lần 2. Mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ khi mang thai, chị phải điều trị insulin liên tục. Chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, tiêm thuốc nhưng đường huyết vẫn tăng, nhiều lần phải nhập viện theo dõi. Khi được xuất viện, tiếp tục dưỡng thai tại nhà, mỗi ngày 3 lần đo đường huyết, ghi chỉ số cho bác sĩ kiểm tra khiến chị Thương mệt mỏi. Nếu tiếp tục có thai, đường huyết mất kiểm soát, có thể ảnh hưởng tính mạng mẹ và thai, nên chị chọn triệt sản.

Theo thống kê, đây là 2 trong số 8 ca triệt sản diễn ra trong tuần thứ 2 của tháng 9 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Những năm trước, trung bình mỗi tháng có khoảng 15 ca triệt sản nữ. Từ năm 2023, số ca triệt sản nữ tăng gấp đôi.

Hầu hết các trường hợp có ý định triệt sản do sức khỏe không còn đủ sức mang thai, hoặc đã sinh đủ con. Một số chị em chủ động tránh thai vĩnh viễn do không hợp với thuốc tránh thai, hoặc que cấy, trong khi không thể thuyết phục chồng triệt sản.

Bác sĩ Phương An cho biết, triệt sản nữ là cắt và thắt 2 ống dẫn trứng. Ống dẫn trứng có vai trò là cầu nối giữa tinh trùng và trứng đồng thời giúp trứng đã thụ tinh di chuyển đến tử cung làm tổ. Cắt ống dẫn trứng như phá bỏ cây cầu vận chuyển, người vợ không thể thụ thai.

Theo bác sĩ Phương An, hầu hết phụ nữ chọn triệt sản vì đã sinh đủ con, gặp vấn đề với các phương pháp tránh thai, hoặc có chỉ định không mang thai vì sức khỏe như mắc bệnh tim mạch, thần kinh, lao, thận, bệnh ác tính… Phương pháp này đạt hiệu quả ngừa thai gần như 100%.

Triệt sản nữ thường được khuyến cáo dành cho phụ nữ sinh đủ 2 con, hoặc phụ nữ có chỉ định không nên mang thai.

Thời điểm triệt sản có thể tiến hành sau khi sinh mổ. Với những phụ nữ sinh thường thì thời điểm tốt nhất là trong vòng 7 ngày đầu hoặc 6 tuần sau khi sinh, hoặc 7 ngày sau phá thai. Những người không mang thai nên tiến hành ngay sau khi sạch kinh 3-5 ngày. Ngoài ra các bác sĩ có thể kết hợp triệt sản kết hợp với các phẫu thuật vùng bụng dưới khác như bóc u xơ tử cung, u nang buồng trứng…

Kỹ thuật này khá đơn giản, bác sĩ sẽ làm tiểu phẫu mở hoặc qua ngả nội soi ổ bụng để tiếp cận và kéo hai vòi trứng, cột nó lại thành dạng cái quai dài độ 1,5 đến 2 cm, rồi buộc gốc của quai lại bằng chỉ. Cuối cùng cắt bỏ quai ngay gần sát chỗ cột.

Sau triệt sản, phụ nữ cần 3-5 ngày hồi phục cơ thể, hiệu quả tránh thai tức thì.

Theo kết quả Điều tra dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2020, tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi có gia đình đang sử dụng biện pháp triệt sản chiếm 0,9%, giảm hơn so với thời điểm 2010 là 3,8%.

Nghiên cứu Chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam năm 2017 trên 6.000 phụ nữ 15-49 tuổi (Trung tâm nghiên cứu phát triển con người của Bangladesh phối hợp với Việt Nam thực hiện), có 80,5% phụ nữ kết hôn đang sử dụng biện pháp tránh thai.

Trong đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại chiếm 64,4%. Đặt vòng tránh thai (IUD) phổ biến nhất (25,2%), thuốc tránh thai (19,3%) và bao cao su (13,3%). Tỷ lệ thất bại (tức mang thai) chung của các phương pháp này là 7,4%. Khoảng 17,4% phụ nữ trong nghiên cứu cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình, trong đó tỷ lệ ở khu vực thành thị là 19,6% và ở khu vực nông thôn là 16,5%.

Nói về ưu và nhược của phương pháp triệt sản tránh thai, bác sĩ Phương An cho biết, người đã triệt sản mà muốn có con trở lại sẽ rất khó, tỷ lệ có thai tự nhiên trở lại sau triệt sản là 1/1.000 ca, khá hiếm gặp. Nguyên nhân thường do ống dẫn trứng tự nối liền sau cắt bỏ.

Muốn mang thai phụ nữ phải phẫu thuật nối lại hay tái thông tai vòi của buồng trứng không hề đơn giản, tỷ lệ thành công thấp. Gần như chị em phải sử dụng biện pháp thụ tinh ống nghiệm, mất nhiều kinh phí.

“Đây là nhược điểm khiến phụ nữ e dè triệt sản”, bác sĩ Phương An cho biết và nói thêm, triệt sản cũng có ưu điểm như không thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, không gây tăng cân, không ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng.

Trên thế giới, phương pháp tránh thai vĩnh viễn lại rất phổ biến, từ các nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ đến những nước phát triển như Mỹ, Australia, châu u… vì an toàn, đơn giản, hiệu quả rất cao mà không ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý nam nữ.

Bác sĩ Phương An khuyên các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con nên cân nhắc phương pháp ngừa thai theo hoàn cảnh, điều kiện và sức khỏe.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/chuyen-gia-chi-ra-uu-va-nhuoc-khi-chon-triet-san-o-nu-d8627.html