Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa năm 2023 Phiên chợ nông sản: Đặc sản miền núi ở phố biển

Mỗi năm, có khá nhiều phiên chợ được tổ chức, nơi các nông sản trên toàn tỉnh và một số tỉnh bạn cùng tề tựu về phố biển để khoe hương, đua vị. Ở đó, có rất nhiều sản vật do nông dân 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đứng ra giao thương.

Khi nông dân làm thương gia

Phiên chợ nông sản Khánh Hòa do Hội Nông dân tỉnh tổ chức năm nay có hàng trăm gian hàng. Đó là những ngày rộn ràng ở khu vực Công viên Yến Phi và Công viên Thiếu nhi (TP. Nha Trang). Ông Cao Minh Tâm (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) cho biết: “Xưa nay, tôi chỉ gắn bó với sản xuất, nương rẫy. Nay mang mía tím, mít nghệ xuống phiên chợ ở thành phố, được nhiều người quan tâm hỏi mua, tôi vui lắm”.

Người dân mua hàng tại phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2023.

Ở một góc hàng khác, bà Mấu Thị Rạng (xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn) tất bật với việc lột vỏ, đóng bịch để giao mía tím cho người mua. Bà cho biết, trồng mía từ trước tới giờ, bà chỉ biết bán cho thương lái. Nay được làm người bán hàng trực tiếp, bà cảm thấy rất thú vị, nhất là biết được nhu cầu của người mua để chăm sóc mía tốt hơn.

Không khí nhộn nhịp nhất là ở các gian hàng sầu riêng của nông dân Khánh Sơn. Một người bán hàng ở gian hàng của huyện Khánh Sơn cho biết, với 10 tấn sầu riêng đưa xuống phiên chợ, chỉ sau hơn 2 ngày đã tiêu thụ hết.

Em Cao Hoàng Giang phụ mẹ bán hàng.

Phiên chợ triển lãm sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa năm 2023 do Sở Công Thương tổ chức vào tháng 7 lại là một không gian đơn sơ, mộc mạc. Các gian hàng được làm từ chòi tranh, tái hiện phiên chợ vùng cao của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Tranh thủ những ngày nghỉ hè, em Cao Hoàng Giang (huyện Khánh Vĩnh) phụ mẹ đưa hàng xuống phiên chợ với những con gà đồi, bánh xôi nếp rẫy và cơm lam, thịt heo đen nướng xiên. Nhờ hương vị đặc trưng nên gian hàng của em thu hút rất đông thực khách, chỉ một buổi khách đã mua hết 10 con gà, phải về nhà làm thêm.

Bà Cao Thị Soa ở gian hàng bên cạnh cũng hồ hởi cho biết, bà mang gạo rẫy đến phiên chợ. Loại gạo có màu đỏ tía này được canh tác theo tự nhiên, có nhiều chất dinh dưỡng, nhờ đó được nhiều người hỏi mua. Hẳn nhiên, ở Khánh Vĩnh, bưởi da xanh là loại nông sản không thể thiếu tại phiên chợ đặc biệt này.

Tác động 2 chiều

Bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, đơn vị đã tổ chức 5 phiên chợ nông sản tỉnh từ năm 2016 đến nay, mỗi dịp tháng 7, tháng 8 hàng năm, khi tỉnh có nhiều nông sản đến giai đoạn thu hoạch nhất, các phiên chợ lại được diễn ra, phản ánh đời sống sản xuất và cả suy nghĩ, tình cảm của nông dân Khánh Hòa. Trong đó, bao gồm nông sản được sản xuất ở các địa phương miền núi, vùng ĐBDTTS ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Nông dân Khánh Sơn có sầu riêng, mít nghệ, mía tím…; còn nông dân Khánh Vĩnh có bưởi da xanh, măng rừng, rau rịa, gạo rẫy… Điều quan trọng là không chỉ hàng trăm loại nông sản đặc trưng của các địa phương có dịp trưng bày, giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng, phiên chợ còn do chính người nông dân đứng ra giới thiệu, bán hàng đã giúp cho người sản xuất và người tiêu dùng xích lại gần nhau hơn. Người tiêu dùng có thể hiểu được phần nào đời sống sản xuất của nông dân, ngược lại, các nông dân nắm bắt được nhu cầu, đòi hỏi của thị trường đối với nông sản.

Nông dân Khánh Sơn thi tài tại Phiên chợ nông sản 2023.

Ông Huỳnh Tấn Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Phiên chợ triển lãm sản phẩm vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh Khánh Hòa chính là dịp để quảng bá hình ảnh, con người và đời sống sản xuất của người dân vùng ĐBDTTS và miền núi của Khánh Hòa. Ở đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm đặc trưng, độc đáo của miền núi.

Mỗi năm, ngoài phiên chợ nông sản do Hội Nông dân tổ chức, còn có phiên chợ đặc sản vùng miền, phiên chợ triển lãm vùng ĐBDTTS, phiên chợ nông sản Khánh Hòa - Đắk Lắk… do các sở, ngành tổ chức, chưa kể các hoạt động theo hình thức chợ phiên hàng tuần, hàng tháng được tổ chức ở Khánh Sơn… Đi cùng với các phiên chợ này là hoạt động hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu để người nông dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh ngồi lại với nhau nhằm tìm kiếm cơ hội kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua những hoạt động này, người nông dân, đặc biệt là ĐBDTTS nắm bắt được yêu cầu, đòi hỏi của thị trường, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm của người trồng trọt, từ đó từng bước đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững như hiện nay.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202312/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-tinh-khanh-hoa-nam-2023-phien-cho-nong-sandac-san-mien-nui-o-pho-bien-a2b20d9/