Chung trách nhiệm phục vụ

Nhờ những nỗ lực cải cách hành chính thường xuyên, liên tục, nên 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), Hà Nội luôn đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2018 và 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đều duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Hà Nội cũng rất thành công trong việc triển khai phần mềm dùng chung 3 cấp giải quyết thủ tục hành chính; là một trong những địa phương cung cấp nhiều dịch vụ công nhất trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Kết quả trên đã mang lại sự thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, kết quả cải cách hành chính thời gian qua vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển của Thủ đô. Rõ nhất là một số chỉ số thành phần trong bộ tiêu chí đánh giá Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) còn ở mức thấp. Trong đó, sự minh bạch về chính sách, trách nhiệm giải trình với người dân… còn chưa được phản ánh tốt, còn có kẽ hở cho tham nhũng vặt tồn tại.

Trước những hạn chế nêu trên, “Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2021 của thành phố Hà Nội” được UBND thành phố ban hành ngày 29-12-2020 đã đưa ra 6 nội dung cần phải thực hiện. Cụ thể là: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Các giải pháp này sẽ được thành phố thực hiện quyết liệt hơn, gắn với chủ đề công tác năm 2021 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Trong đó, thành phố ưu tiên cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở các lĩnh vực "nóng" như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, dịch vụ hành chính cấp xã, phường… Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất trong cung cấp dịch vụ công, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, nhất là ở cấp cơ sở.

Trước yêu cầu trên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hằng ngày trực tiếp làm việc với người dân, doanh nghiệp cần thường xuyên tự học hỏi, cập nhật các văn bản mới trong lĩnh vực được giao; thực hiện tốt văn hóa ứng xử khi giao tiếp với công dân.

Cùng với đó, các ngành, cơ quan, đơn vị phải chủ động cải cách hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật hành chính. Ngoài ra, cần khen thưởng kịp thời các cá nhân có sáng kiến trong cải cách hành chính, giúp công việc của cơ quan, đơn vị thuận lợi hơn.

Doanh nghiệp, người dân cũng cần tích cực hưởng ứng những cải cách của thành phố. Trong đó, thiết thực nhất là tìm hiểu và tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính, không tiếp tay và góp phần chống tham nhũng vặt.

Xây dựng nền hành chính phục vụ - đặc biệt là khi thành phố sẽ triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận, thị xã Sơn Tây từ ngày 1-7-2021 - phải là việc làm thường xuyên, liên tục, chung trách nhiệm phục vụ dân của đội ngũ cán bộ, cùng sự hợp tác của người dân. Đây cũng là cách góp phần để việc đẩy mạnh hoàn thiện thể chế - một trong 3 mũi nhọn đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội - đạt hiệu quả ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ 2020-2025.

Thế Đan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/988112/chung-trach-nhiem-phuc-vu