Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng những vết thương 'không chảy máu' vẫn dai dẳng, âm ỉ, đó là nỗi đau da cam. Chỉ có đất nước nào trải qua chiến tranh mới thấu hiểu sự mất mát và cũng chỉ những gia đình nào có vợ chồng, con cháu, người thân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam mới thấm thía nỗi đau khổ và sự thiệt thòi to lớn đó. Bằng tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Không thể lãng quên

Theo báo cáo đặc biệt của Viện Hàng không vũ trụ (thuộc Đại học hàng không Mỹ), Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc hóa học xuống miền Nam nước ta, trong đó riêng tỉnh Bình Phước đã phải hứng chịu 10 triệu lít. Do ảnh hưởng của thứ vũ khí giết người tàn độc này mà đâu đó, trong các con ngõ nhỏ bình yên, có những người mẹ, người cha khô nước mắt vì con.

Ở phường Minh Long, thị xã Chơn Thành, ai cũng xót xa cho hoàn cảnh đầy éo le của vợ chồng ông Đỗ Mạc Thắng. Dù 80 tuổi nhưng hơn 50 năm qua, vợ chồng ông vẫn chăm bẵm cho cô con gái hơn 50 tuổi bị teo cơ, bại liệt và thiểu năng bẩm sinh do di chứng chất độc da cam từ chính ông. Nghẹn ngào trong nước mắt, ông Thắng tâm sự: “Từng tham gia chiến trường Quảng Trị ác liệt, phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam ngay sau khi rời quân ngũ và nỗi đau lại nhân lên khi con gái sinh ra cũng nhiễm chất độc quái ác này. Thật khó đong đếm hết nỗi đau của những người cha, người mẹ khi phải chứng kiến con cái của mình sinh ra với hình hài, trí óc không trọn vẹn. Nhưng đó là con mình, dù thế nào vợ chồng tôi cũng không bao giờ rời xa, trừ khi chúng tôi không còn nữa…”.

Suốt 50 năm qua, vợ chồng ông Đỗ Mạc Thắng ở phường Minh Long, thị xã Chơn Thành chăm sóc con mình như một đứa trẻ

Suốt 50 năm qua, vợ chồng ông Đỗ Mạc Thắng ở phường Minh Long, thị xã Chơn Thành chăm sóc con mình như một đứa trẻ

Chung nỗi đau như ông Thắng, bao nhiêu năm được làm mẹ là bấy nhiêu năm bà Trần Thị Hồng ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng phải độc thoại một mình bởi con gái độc nhất của bà là chị Lê Thị Thủy bị nhiễm chất độc da cam, thiểu năng trí tuệ. Chồng bà Hồng là ông Lê Văn Sành từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ - nơi Mỹ rải chất độc hóa học với mật độ dày đặc. Là nạn nhân trực tiếp nhiễm chất độc da cam nên sức khỏe ông Sành rất yếu, mấy năm nay bệnh trở nặng, ông phải thường xuyên nhập viện điều trị. “Người ta vẫn thường nói “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Nhận định ấy đúng nhưng chưa hoàn toàn đủ, bởi điểm tựa của những nạn nhân da cam lại là những người vợ, người mẹ... vẫn âm thầm, lặng lẽ gánh vác những nỗi đau cả về vật chất và tinh thần” - bà Hồng tâm sự.

36 năm được làm mẹ là bấy nhiêu thời gian bà Trần Thị Hồng sống trong dằn vặt khi người con gái duy nhất của bà nhiễm chất độc da cam

36 năm được làm mẹ là bấy nhiêu thời gian bà Trần Thị Hồng sống trong dằn vặt khi người con gái duy nhất của bà nhiễm chất độc da cam

Ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Trong suốt 10 năm (1961-1971), Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam có chứa dioxin. Hậu quả, hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3 và thứ 4.

Xoa dịu vết thương chiến tranh

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, màu của hòa bình đã lên xanh. Song, vẫn còn một cuộc chiến khác đã và đang âm ỉ gặm nhấm, cướp đi niềm vui sống của hàng ngàn con người. Tại Bình Phước, hiện có 7.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Trong đó có 1.026 người nhiễm chất độc da cam được hưởng chế độ của Nhà nước, gồm 640 người hoạt động kháng chiến, 386 người là con, cháu của họ.

Nạn nhân và người thân nhiễm chất độc da cam luôn được các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh quan tâm

Nạn nhân và người thân nhiễm chất độc da cam luôn được các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh quan tâm

Điều khiến những cựu chiến binh không gục ngã chính là sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. 100% huyện, thị xã, thành phố đều thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Các cấp hội thường xuyên tư vấn, giúp đỡ những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học làm hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xét giám định đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhất là đối với thế hệ thứ hai, thứ ba.

5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng được quỹ hội hơn 4,1 tỷ đồng. Vận động trao tặng trên 30.000 phần quà cho các nạn nhân dịp lễ, tết; xây mới và sửa chữa hàng chục căn nhà, nhà vệ sinh; tặng hàng trăm xe lăn, xe lắc cùng các thiết bị hỗ trợ khác; hỗ trợ bò sinh sản, tặng giếng nước, sổ tiết kiệm; thăm hỏi, động viên khi nạn nhân da cam bị ốm đau, hoạn nạn… Tăng cường phối hợp với các tổ chức hỗ trợ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, hỗ trợ về tâm lý cho nạn nhân da cam.

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn trong việc vận động hỗ trợ xây, sửa nhà cho nạn nhân, đặc biệt là những căn nhà từng được hỗ trợ xây dựng nhưng đã xuống cấp. Hiện còn không ít người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng không có đủ giấy tờ theo quy định, do vậy chưa được hưởng chính sách ưu đãi. Do khó khăn về kinh tế nên công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ở một số địa phương chưa đạt kết quả cao. Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục nỗ lực, kiện toàn để phát huy hết vai trò cùng đồng hành bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân da cam, giúp họ thấy mình không lẻ loi, đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật.

Khát vọng vươn lên

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của cả cộng đồng xã hội, cuộc sống của các nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh đang từng bước được cải thiện. Nhiều hộ nạn nhân da cam đã vượt lên nỗi đau bệnh tật, tập trung phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định.

Các tổ chức xã hội thường xuyên phối hợp, hỗ trợ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, hỗ trợ về tâm lý cho nạn nhân da cam

Các tổ chức xã hội thường xuyên phối hợp, hỗ trợ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, hỗ trợ về tâm lý cho nạn nhân da cam

Điển hình như gia đình ông Hoàng Quốc Nhỏ và bà Nguyễn Thị Chây ở xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng bị nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ 50%. Di chứng chất độc hóa học khiến 3 người con gái của ông bà đều chịu cảnh mù lòa. Không gì có thể diễn tả hết nỗi đau của những bậc làm cha mẹ sinh ra con không lành lặn. Thế nhưng, không cho phép bản thân gục ngã, ông bà luôn nỗ lực từng ngày để nuôi các con khôn lớn. Bằng nghị lực vươn lên, kinh tế gia đình dần ổn định, 3 người con gái đều được ông bà cho học chữ, sau đó học nghề để có thể tự lo cho bản thân.

Vượt qua nỗi đau khi sinh ra 3 người con mù lòa, bà Nguyễn Thị Chây, huyện Bù Đăng nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no

Vượt qua nỗi đau khi sinh ra 3 người con mù lòa, bà Nguyễn Thị Chây, huyện Bù Đăng nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no

Hay như hoàn cảnh anh Trần Hữu Doanh ở xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài, là thế hệ thứ 2 bị nhiễm chất độc da cam nên cơ thể thấp bé. Tuy nhiên với tinh thần lạc quan, anh luôn cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều người và xem đó là động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống. Bằng sự nỗ lực vươn lên, sau khi tốt nghiệp đại học, anh gắn bó với công việc sửa chữa thiết bị điện tử. Nhờ tay nghề tốt cùng sự vui vẻ, nhiệt tình anh luôn có lượng khách ổn định, tạo được nguồn thu cho bản thân và phụ giúp cha mẹ. Anh Doanh chia sẻ: “Là nạn nhân chất độc da cam nhưng mình còn may mắn hơn nhiều người khác, bản thân luôn tự nhủ phải sống lạc quan, cố gắng thật nhiều để hòa nhập, giảm bớt gánh nặng cho xã hội”.

Anh Trần Hữu Doanh, ở xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài luôn lạc quan, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Anh Trần Hữu Doanh, ở xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài luôn lạc quan, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin đang mỗi ngày nỗ lực, biến nỗi đau thành động lực vươn lên. Tuy nhiên, nỗi đau chất độc da cam không phải của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc. Vì vậy, công tác chăm sóc nạn nhân da cam và gia đình nạn nhân là trách nhiệm, lương tâm của mỗi người và của cả cộng đồng để họ có điểm tựa tinh thần tiếp tục cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Thiên Thư

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/161258/chung-tay-xoa-diu-noi-dau-da-cam