Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 209.182 hộ gia đình, trong đó, số gia đình 2 thế hệ chiếm khoảng 50%; gia đình 3 thế hệ trở lên là 55.643 hộ, còn lại là gia đình 1 thế hệ. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Loa truyền thanh, treo băng zôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi...; mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình và hòa giải cho cán bộ làm công tác gia đình. Đặc biệt là hiệu quả từ mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại các huyện, thành phố.

Tiểu phẩm của huyện Hàm Yên tại Liên hoan tiếng hát gia đình tỉnh Tuyên Quang năm 2020
về nội dung phòng, chống bạo lực gia đình.

Trước đây, xã Yên Phú (Hàm Yên) thường xuyên xảy ra những vụ cãi vã, chồng say rượu đánh vợ con, tư tưởng trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng về giới. Phụ nữ bị bạo hành thường cam chịu, không báo với chính quyền địa phương. Năm 2011, xã được huyện chọn triển khai mô hình thí điểm phòng, chống bạo lực gia đình với việc thành lập 5 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, 5 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 23 mô hình địa chỉ tin cậy tại các thôn. Mỗi câu lạc bộ có 25 thành viên tham gia, trong đó lực lượng nòng cốt là hội viên phụ nữ và nông dân.

Đồng chí Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, các CLB sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần, nội dung sinh hoạt luôn đổi mới với nhiều hình thức phong phú. Hằng năm, vào các ngày Gia đình Việt Nam, ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ... các CLB thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hóa. Các thành viên còn chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, cùng nhau phát triển kinh tế, tạo cơ sở bền vững để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhờ đó, những năm gần đây tình trạng ly hôn, mâu thuẫn, bạo lực gia đình trong xã giảm mạnh. Mỗi năm, trên 700 lượt người được tuyên truyền pháp luật, 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Công tác phòng, chống bạo lực gia đình không thể thiếu vai trò của các cấp hội phụ nữ, họ chính là những tuyên truyền viên tích cực giúp giảm thiểu tình trạng này. Hằng năm, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể lồng ghép, phổ biến nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình gắn với các phong trào thi đua của hội. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức và hành động về giới, bình đẳng giới, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Chị Nguyễn Thị Tô, thôn Phúc Linh, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) là hội viên phụ nữ, cũng là thành viên tổ hòa giải chia sẻ, khi có bạo lực xảy ra trong các gia đình, tổ hòa giải luôn kịp thời nắm bắt để giải quyết, nếu vụ việc quá nghiêm trọng mới nhờ tổ an ninh can thiệp. Như trường hợp anh Chu Duy Nần, có thời gian anh hay uống rượu, về nhà quát mắng vợ con khiến gia đình luôn to tiếng. Khi biết vụ việc, tổ hòa giải đã kịp thời can thiệp, tìm ra nguyên nhân để tháo gỡ. Với những lần phân tích, tuyên truyền, anh đã nhận ra tầm quan trọng của gia đình hạnh phúc. Anh còn chủ động xin tham gia vào nhóm phòng, chống bạo lực gia đình để học hỏi những kỹ năng ứng xử trong gia đình, phương pháp nuôi dạy con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ, tình trạng bạo lực gia đình đã giảm đáng kể (năm 2009 toàn tỉnh xảy ra 647 vụ bạo lực gia đình thì đến hết năm 2019 chỉ còn 78 vụ). Số gia đình văn hóa tăng qua các năm, đến hết năm 2019, 91,3% hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 92,1% khu dân cư văn hóa. Nhiều “Gia đình văn hóa” đạt 3 năm, 5 năm liên tục. Đến nay, toàn tỉnh có 892 địa chỉ tin cậy, 165 số máy đường dây nóng tại cộng đồng dân cư; 1.741 tổ hòa giải cơ sở về hôn nhân, gia đình với hơn 10 nghìn hòa giải viên nhằm hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Tỉnh cũng duy trì 10 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới tại 4 huyện với hơn 1.000 thành viên tham gia. 100% thôn, xóm, tổ dân phố đã bổ sung nội dung phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới vào quy ước.

Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là chỗ dựa vững chắc về tinh thần để các thành viên trong gia đình cùng nỗ lực phấn đấu. Do vậy, để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình rất cần có sự chung tay của toàn xã hội nhằm hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/chung-tay-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-140321.html