Chung tay ngăn chặn 'chợ' rùa trên mạng xã hội

Tận dụng việc giao dịch không trực tiếp, khả năng kết nối từ xa, có thể che giấu danh tính, mạng xã hội đã trở thành một kênh trao đổi, giao dịch động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã. Theo báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên (WildAct), các loài rùa cạn và rùa nước ngọt là nhóm mặt hàng bị buôn bán phổ biến thứ hai trên mạng xã hội Facebook, chỉ sau các sản phẩm từ voi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều loài rùa bản địa của Việt Nam đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

63 cá thể rùa đầu to, với tổng khối lượng 19,6kg bị phát hiện khi đang trên đường vận chuyển trái phép tại Kon Tum. Ảnh: Bích Ngọc

Nhiều loài rùa bản địa nguy cấp

Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNuture) cho biết, Việt Nam hiện là nơi cư trú của 31 loài rùa (8,68%) trong tổng số 357 loài rùa hiện còn được ghi nhận trên thế giới, chiếm 34,83% trong tổng số 89 loài rùa bản địa châu Á. Danh lục Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê 24 loài rùa cạn, rùa nước ngọt và 5 loài rùa biển của Việt Nam vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên, 1 loài sắp bị đe dọa và 1 loài chưa được đánh giá.

Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp liệt kê 4 loài rùa cạn, rùa nước ngọt và tất cả 5 loài rùa biển của Việt Nam trong Phụ lục I và 21 loài rùa cạn, rùa nước ngọt còn lại trong Phụ lục II của Công ước - bị cấm và hạn chế khai thác các quần thể hoang dã vì mục đích thương mại.

Theo ông Hoàng Văn Hà, Chương trình bảo tồn rùa châu Á, thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation, nạn săn bắt rùa diễn ra từ năm 1980 nhưng phải tới năm 1990-1991, cuộc khủng hoảng rùa ở Trung Quốc mới tác động tới Việt Nam. Một số báo cáo ước tính có tới 10.000 tấn rùa tương ứng 10.000.000 cá thể rùa bị buôn bán trái phép từ các quốc gia khác sang Trung Quốc vào năm 2000. Việt Nam được xem là nơi trung chuyển buôn lậu rùa từ các quốc gia sang Trung Quốc, qua cả đường mòn, đường biển và hàng không. Và hiện có nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam cũng đang là quốc gia tiêu thụ rùa.

Theo nhận định của PanNature, hiện các loài rùa ở Việt Nam bị đe dọa nghiêm trọng do suy giảm, mất môi trường sống, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và đặc biệt là nạn săn bắt, buôn bán trái phép và nhân nuôi thiếu kiểm soát… Dữ liệu của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho thấy, năm 2020, cơ quan chức năng đã giải cứu và tịch thu được 362 cá thể từ các vụ bắt giữ buôn bán rùa trái phép và con số này có dấu hiệu gia tăng khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 292 cá thể rùa bị tịch thu.

“Chợ” rùa hoạt động sôi động

Hiện có hai thách thức chính trong bảo vệ rùa, trong đó phải kể tới nạn buôn bán rùa trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Thống kê từ các cơ quan chức năng cũng cho thấy, trong hơn 180 loài động vật hoang dã bị các đối tượng vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt bất hợp pháp đã bị bắt giữ, tịch thu trong thời gian qua, các loài thuộc nhóm rùa chiếm gần 1/3 tổng số các cá thể động vật hoang dã bị tịch thu trong giai đoạn 2013-2017.

Đáng chú ý, các loài rùa cạn và rùa nước ngọt là nhóm mặt hàng bị buôn bán phổ biến thứ hai trên mạng xã hội Facebook, chỉ sau các sản phẩm từ voi. Bà Tô Bích Ngọc, cán bộ của PanNature cho biết, kết quả khảo sát trên hai nền tảng Facebook và YouTube năm 2021 cho thấy, thị trường rùa trên mạng xã hội tại Việt Nam diễn ra rất sôi động, trong đó, 2021 là năm tăng trưởng mạnh nhất so với các năm trước đó.

Cụ thể, năm 2021 có tới 230 kênh YouTube liên quan đến buôn bán rùa được lập. Hầu hết các tài khoản được lập để chia sẻ kinh nghiệm nuôi và buôn bán rùa. Nhóm nghiên cứu của PanNature cũng ghi nhận tổng số có 143 trang Facebook liên quan tới hoạt động nuôi và buôn bán rùa, trong đó có 96 trang còn cập nhật và 250 nhóm Facebook liên quan đến hoạt động buôn bán rùa còn hoạt động trong năm 2021. Có tất cả 17 loài rùa bản địa bị rao bán với 3.646 cá thể, đã loại trừ cá thể lặp lại.

Trong 17 loài rùa bản địa được rao bán trên Facebook, chiếm tỉ lệ cao nhất là loài rùa núi vàng đang được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ, rùa ba gờ xếp ở mức sắp nguy cấp, rùa sa nhân xếp ở mức nguy cấp và rùa cổ sọc xếp ở mức cực kỳ nguy cấp. Với YouTube, trong 44 loài xác định được xuất hiện trong các video, có 13 loài là rùa bản địa của Việt Nam với 2 loài cực kỳ nguy cấp là rùa núi vàng và rùa hộp ba vạch, 8 loài ở mức nguy cấp và 2 loài sắp nguy cấp - cần ưu tiên bảo vệ. Trong các loài ngoại lai cũng có 5 loài nguy cấp và 5 loài sắp nguy cấp.

Bất chấp nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước, việc kiểm soát buôn bán động vật hoang dã nói chung và buôn bán rùa trên mạng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bà Bùi Thị Hà, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho hay, khó nhất là xác minh đối tượng vi phạm, nhất là buôn bán trên mạng. Dù vậy, vẫn có thể có cách thức phù hợp để xử lý được. “Các nền tảng cần có trách nhiệm thanh lọc các thông tin vi phạm, tuy nhiên, để họ làm tốt thì cần hỗ trợ từ người dùng, đặc biệt là cơ quan thực thi pháp luật” - bà Hà nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Hà cho rằng, nên kêu gọi cộng đồng báo cáo vi phạm để các trang/nhóm đó bị khóa hoặc chia sẻ thông tin với ENV để xử lý các hành vi liên quan đến buôn bán động vật hoang dã, trong đó có rùa.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chung-tay-ngan-chan-cho-rua-tren-mang-xa-hoi-post455576.html