Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng nhẹ

'Thị trường tiếp tục giằng co khi các số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế vẫn đang vững vàng hơn so với kỳ vọng và lợi nhuận của các công ty niêm yết nhìn chung tốt hơn dự báo'...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (21/4) nhưng hoàn tất một tuần giảm điểm, trong bối cảnh giới đầu tư đánh giá kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết. Giá dầu cũng tăng nhẹ, nhưng có một tuần giảm khi mối lo lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục là nỗi ám ảnh.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 22,34 điểm, tương đương tăng 0,07%, đạt 33.808,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,09%, đạt 4.133,52 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,11%, đạt 12.072,46 điểm.

Cả ba chỉ số đều có một tuần giảm: Dow Jones mất 0,23%; Nasdaq giảm 0,42%; và S&P 500 trượt 0,1%.

“Thị trường tiếp tục giằng co khi các số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế vẫn đang vững vàng hơn so với kỳ vọng và lợi nhuận của các công ty niêm yết nhìn chung tốt hơn dự báo”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của Independent Advisor Alliance nhận định. Sự vững vàng này đặt ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất ở mức đỉnh trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát, đặt ra sức ép suy thoái lớn hơn đối với nền kinh tế.

Ông Zaccarelli nhấn mạnh rằng Fed đã tăng mạnh lãi suất trong năm qua và nếu tiếp tục tăng lãi suất như dự báo trong cuộc họp tháng 5, Fed có thể sẽ duy trì mức lãi suất đó trong một khoảng thời gian dài hơn, thay vì sớm chuyển sang cắt giảm lãi suất trong năm nay.

“Cả giới đầu cơ giá lên và giá xuống đều có lý lẽ của họ vào lúc này. Vì nền kinh tế vẫn đang vững vàng và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tốt, trong khi triển vọng của chính sách tiền tệ thắt chặt là còn kéo dài”, vị Giám đốc đầu tư nhận định.

Mùa báo cáo tài chính quý 1/2023 tiếp tục trong phiên ngày thứ Sáu, với một trong những báo cáo đáng chú ý nhất là kết quả kinh doanh của “đế chế” hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G). Cổ phiếu P&G chốt phiên tăng 3,5% nhờ doanh thu và lợi nhuận đều vượt dự báo.

Tính đến thời điểm này, 76% số công ty đã công bố báo cáo trong S&P 500 đạt lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) tốt hơn dự báo - theo FactSet.

Các công ty báo cáo trong tuần này nhìn chung đều đưa ra những con số tốt hơn dự báo. Tuy nhiên, điều đó không đủ để đưa thị trường tăng điểm, vì giới đầu tư lo ngại lợi nhuận sẽ tụt giảm và suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong năm nay.

Tuần tới, thị trường sẽ đón nhận báo cáo từ các công ty công nghệ vốn hóa lớn, gồm Amazon, Alphabet, Meta và Microsoft.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,68 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 81,77 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,65 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 78,02 USD/thùng.

Nỗi lo về chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài và khả năng suy thoái kinh tế khiến giá dầu Brent giảm 5,5% trong tuần này, trong khi giá dầu WTI giảm 5,7%. Mức giảm này khiến giá dầu mất hết thành quả tăng có được nhờ động thái cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+ hồi đầu tháng 4.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Phiên ngày thứ Sáu, dữ liệu từ các cuộc khảo sát kinh tế ở khu vực Eurozone và Anh đã hỗ trợ giá dầu. Trong đó, sự phục hồi kinh tế ở Eurozone bất ngờ tăng tốc trong tháng 4 với sự dẫn đầu của ngành dịch vụ, bù đắp cho tình trạng còn yếu của ngành sản xuất. Hoạt động của các doanh nghiệp ở Anh cũng tăng mạnh và lạm phát chi phí đầu vào giảm xuống mức thấp nhất 2 năm.

Ở Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu nhiều thứ ba thế giới, hoạt động chế biến dầu thô tại các nhà máy lọc dầu trong tháng 3 đạt gần kỷ lục - theo số liệu của Chính phủ nước này.

Triển vọng nguồn cung dầu thắt chặt hơn cũng đang hỗ trợ giá dầu. Giới phân tích dự báo lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sẽ giảm từ tháng 5 trở đi do OPEC giảm sản lượng và nhu cầu của Trung Quốc tăng lên. “Sự thắt chặt nguồn cung có thể nhìn thấy sẽ đẩy giá dầu lên trong trung hạn”, một báo cáo của Commerzbank nhận định.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế bấp bênh và lãi suất cao sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên giá dầu. Cả Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều được dự báo sẽ tăng lãi suất khi họp trong tuần đầu tiên của tháng 5 để chống lại sự dai dẳng của lạm phát.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-va-gia-dau-cung-tang-nhe.htm