Chứng khoán Mỹ 'rón rén' đi lên sau tín hiệu lãi suất Fed, giá dầu tăng do căng thẳng Trung Đông

Xu hướng tăng điểm trong năm nay của chứng khoán Mỹ bắt đầu bị 'nhiễu' vào tuần trước sau khi các số liệu thống kê cho thấy lạm phát giảm chậm hơn so với dự báo...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư (21/2) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất với những tín hiệu còn thận trọng về giảm lãi suất. Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục hỗ trợ giá dầu, đưa giá năng lượng này tăng khoảng 1%.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,13%, đạt 4.981,8 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 0,13%, đạt 38.612,24 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq giảm phiên thứ ba liên tiếp, với mức giảm 0,32%, còn 15.580,87 điểm.

Biên bản cuộc họp tháng 1 cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong Fed lo ngại về rủi ro của việc cắt giảm lãi suất quá sớm, và còn thiếu chắc chắn về việc lãi suất cần duy trì ở mức hiện tại trong thời gian bao lâu. Ngoài ra, các quan chức Fed cũng không muốn giảm nhanh lãi suất sau khi chu kỳ nới lỏng bắt đầu được khởi động.

Tuy nhiên, quan điểm thận trọng này của Fed dường như không phải là một điều bất ngờ đối với thị trường. Trước khi biên bản được công bố, thị trường đã không còn kỳ vọng Fed hạ lãi suất từ tháng 3, mà thay vào đó cho rằng đợt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương này sẽ diễn ra vào tháng 6. Sau khi biên bản được công bố, đặt cược này tiếp tục duy trì.

Xu hướng tăng điểm trong năm nay của chứng khoán Mỹ bắt đầu bị “nhiễu” vào tuần trước sau khi các số liệu thống kê cho thấy lạm phát giảm chậm hơn so với dự báo. Tình trạng dai dẳng của lạm phát khiến thị trường tin rằng Fed sẽ không vội giảm lãi suất. Kịch bản lãi suất cao hơn lâu hơn gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu.

Phát biểu ngày thứ Tư, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin nhấn mạnh rằng dữ liệu lạm phát tháng 1 sẽ khiến cho các quyết định lãi suất sắp tới của Fed trở nên khó khăn hơn.

Trong phiên ngày thứ Tư, thị trường còn chờ báo cáo kết quả kinh doanh từ hãng sản xuất con chip Nvidia. Báo cáo đã được công bố sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức. Với số liệu doanh thu của quý đầu tiên trong năm tài khóa đều vượt kỳ vọng nhờ sự bùng nổ của nhu cầu con chip trí tuệ nhân tạo (AI), cổ phiếu Nvidia có lúc tăng 6% trong phiên ngoài giờ.

Trước đó, cổ phiếu này giảm 2,85% trong phiên giao dịch chính thức, nối tiếp phiên giảm hơn 4% vào ngày thứ Ba, do nhà đầu tư lo ngại báo cáo tài chính của công ty không đạt kỳ vọng.

Năm nay, cổ phiếu Nvidia đã tăng gần 40%, trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất trong S&P 500, sau khi tăng 240% trong năm ngoái. Giới phân tích cảnh báo mức định giá cao ngất ngưởng của Nvidia có thể dẫn tới một đợt bán tháo cổ phiếu này ngay cả khi công ty đưa ra kết quả kinh doanh chỉ kém chút đỉnh so với dự báo.

“Thị trường đang bị chi phối bởi sự hưng phấn liên quan đến AI và cổ phiếu AI được yêu thích nhất đang là Nvdia. Nhưng thị trường cũng đang nhìn vào Nvidia với một chút lo lắng… Họ muốn nhận được một báo cáo tốt từ công ty đi đầu về AI, và công ty đó chính là Nvidia”, Giám đốc đầu tư Jason Ware của công ty Albion Financial Group nhận định với hãng tin Reuters trước khi Nvidia công bố báo cáo tài chính.

Nhờ giá dầu tăng, cổ phiếu dầu khí là nhóm tăng mạnh nhất phiên này trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500. Chốt phiên, nhóm dầu khí tăng 1,86%. Tuy nhiên, hầu hết các nhóm cổ phiếu ngành cũng đều đóng cửa trong trạng thái tăng, ngoại trừ nhóm công nghệ giảm 0,76%.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,87 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở mức 77,91 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,69 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở mức 83,03 USD/thùng.

Hiện tại, nguồn lực hỗ trợ chính cho giá dầu là xung đột vũ trang ở Trung Đông. Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào tàu chở hàng trên Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab tiếp tục diễn ra, đẩy cao mối lo ngại về nguy cơ gián đoạn dòng chảy thương mại đi qua những đoạn hàng hải huyết mạch này.

Trong khi đó, giá dầu cũng đương đầu với áp lực giảm từ khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn và triển vọng được đánh giá là ảm đạm của kinh tế Trung Quốc - khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trầy trật với khủng hoảng bất động sản và giảm phát.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-ron-ren-di-len-sau-tin-hieu-lai-suat-fed-gia-dau-tang-do-cang-thang-trung-dong.htm