Chưa có quy định về cơ quan có thẩm quyền xác định, công nhận cơ sở tín ngưỡng

Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện chưa có văn bản dưới luật quy định thủ tục, quy trình, thẩm quyền công nhận cơ sở tín ngưỡng.

Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện các hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở khác. Trong đó, hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

Một địa điểm, cơ sở diễn ra những hoạt động được xác định là hoạt động tín ngưỡng, được cơ quan có thẩm quyền công nhận thì cơ sở, địa điểm đó được gọi là cơ sở tín ngưỡng. Trình tự, thủ tục để đăng ký hoạt động tín ngưỡng, tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ đã được quy định tại Điều 12, 13 Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016.

Đáng chú ý, việc đăng ký những hoạt động tín ngưỡng chỉ được thông qua khi cơ sở diễn ra các hoạt động đó đã được công nhận là cơ sở tín ngưỡng. Và thẩm quyền công nhận lại chưa được đề cập trong Luật tín ngưỡng tôn giáo cũng như chưa có văn bản dưới Luật quy định, đề cập đến thẩm quyền công nhận cơ sở, địa điểm là cơ sở tín ngưỡng.

Ảnh minh họa

Liên quan đến nội dung trên, PV đã có buổi trao đổi với một số cán bộ Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên. Bà Nguyễn Thu Lệ, chuyên viên Ban Tôn giáo tỉnh khẳng định, hiện nay, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có khái niệm nhưng chưa quy định thủ tục, thẩm quyền công nhận cơ sở tín ngưỡng. Mặt khác, về vấn đề tín ngưỡng đang là sự phối hợp giữa Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, chưa phân định rõ cho bên nào quản lý.

Bên cạnh đó, khái niệm về thẩm quyền “công nhận”, khái niệm “xác định” cũng được đề cập tại buổi trao đổi. Cán bộ chuyên môn Ban Tôn giáo tính Thái Nguyên cho biết thêm, khái niệm “xác định” hay “công nhận” chỉ là câu từ. Để xác định một địa điểm, cơ sở có phải cơ sở tín ngưỡng hay không cần nhiều yếu tố và chỉ được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên hiện nay chưa có quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền nào xác định hay công nhận.

“Khái niệm công nhận, khái niệm xác định chỉ là câu từ. Xác định phải căn cứ trên rất nhiều thứ, ví dụ như xác định một người đủ 18 tuổi thì cần căn cứ như xương khớp… Muốn xác định cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thì phải có hồ sơ đầy đủ thì mới đủ cơ sở để xác định. Hiện chính thức chưa có quy định nào về việc xác định cơ sở tín ngưỡng”, chuyên viên Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên khẳng định.

Có cùng nhận định, ông Hoàng Ngọc Hưng, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Khái niệm xác định và khái niệm công nhận không hẳn đã giống nhau. Luật hiện nay không quy định rõ về mặt khái niệm nên việc nhận định hai khái niệm “công nhận”, “xác định” có phải là một hay không thì không trả lời được. Nhưng trong thủ tục hành chính hiện nay chưa có quy định hành chính về việc công nhận hay xác định một cơ sở, địa điểm là cơ sở tín ngưỡng”.

Đến nay, ngoài Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành, chưa có văn bản dưới luật quy định cụ thể về thẩm quyền công nhận, xác định một địa điểm, cơ sở là cơ sở tín ngưỡng. Dù vậy, trách nhiệm, thẩm quyền của Ban tôn giáo là phải giải quyết các vấn đề bất cập khi hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn quản lý xảy ra vấn đề. Chính vì thế, Ban Tôn giáo thiếu căn cứ để xử lý bởi đâu là cơ sở tín ngưỡng chưa được xác định rõ ràng.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016

Điều 12. Đăng ký hoạt động tín ngưỡng

1. Hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký, trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ.

2. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động tín ngưỡng, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật này.

Văn bản đăng ký nêu rõ tên cơ sở tín ngưỡng, các hoạt động tín ngưỡng, nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

3. Hoạt động tín ngưỡng không có trong văn bản đã được đăng ký thì người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm đăng ký bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều này chậm nhất là 20 ngày trước ngày diễn ra hoạt động tín ngưỡng.

Điều 13. Tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ

1. Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng diễn ra định kỳ chậm nhất là 20 ngày trước ngày tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức lễ hội có trách nhiệm tiếp nhận thông báo đối với lễ hội tín ngưỡng có quy mô tổ chức trong một xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã);

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức lễ hội có trách nhiệm tiếp nhận thông báo đối với lễ hội tín ngưỡng có quy mô tổ chức trong nhiều xã thuộc một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là huyện);

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức lễ hội có trách nhiệm tiếp nhận thông báo đối với lễ hội tín ngưỡng có quy mô tổ chức trong nhiều huyện thuộc một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh).

2. Văn bản thông báo nêu rõ tên lễ hội tín ngưỡng, nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức, dự kiến thành viên ban tổ chức và các điều kiện cần thiết để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trong lễ hội.

3. Việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng định kỳ tại cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm bảo đảm việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng theo nội dung thông báo.

Hoài An

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/chua-co-quy-dinh-ve-co-quan-co-tham-quyen-xac-dinh-cong-nhan-co-so-tin-nguong-60211.html