Chủ tịch UBND Khánh Hòa: Chống khai thác IUU là trách nhiệm cả cộng đồng
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh việc chống khai thác IUU không chỉ là trách nhiệm của riêng ngư dân mà là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Chiều 20-9, tại hội trường Thành ủy TP Nha Trang, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; bà Phạm Thị Xuân Trang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa; ông Nguyễn Huy Ngọc, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực ban Tuyên giáo Trung ương khu vực miền Nam; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam; ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình.
Chung tay gỡ cho được thẻ vàng
Tham dự chương trình còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Khánh Hòa; lãnh đạo đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương và đông đảo bà con ngư dân tỉnh Khánh Hòa.
Tại chương trình chiều nay, Ban Tổ chức chương trình sẽ trao tặng 200 phần quà cho các hộ ngư dân. Mỗi phần quà trị giá hơn 5 triệu đồng, gồm: bình ắc quy, bóng đèn LED, túi thuốc, cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, hộp combo pin Con Ó, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng
Ban Tổ chức cũng dành tặng 27 suất học bổng cho các em học sinh hiếu học là con em của bà con ngư dân Khánh Hòa và con cán bộ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Mở đầu chương trình, các đại biểu có mặt quyên góp, ủng hộ đồng bào phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết đầu năm 2023, báo Pháp Luật TP.HCM chính thức khởi động Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”. Đây là chương trình thiện nguyện xã hội có ý nghĩa chính trị quan trọng và các giá trị nhân văn cao quý.
“Từ đó đến nay, chương trình đã đến với bà con ngư dân ở 15 tỉnh, thành có biển trên cả nước. Lần này, chúng tôi rất vui mừng khi chương trình đến với chính quyền và bà con ngư dân tỉnh Khánh Hòa. Đây là địa phương có biển thứ 16 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này”- ông Mai Ngọc Phước thông tin.
Tổng Biên tập báo Pháp luật TP.HCM nhấn mạnh, Khánh Hòa là địa phương có vùng biển rộng, bờ biển dài 385 km, với khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa. Thủy sản là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiệm vụ phát triển mạnh kinh tế biển. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ông Mai Ngọc Phước đánh giá cao kết quả đạt được của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua, đặc biệt là chiến lược phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ; đầu tư phát triển hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ số trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biển của ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản trên các vùng biển. Trong đó, tỉnh đang thực hiện một cách có hiệu quả việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý tàu cá để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU).
“Báo Pháp Luật TP.HCM thông qua chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" kỳ vọng chung tay cùng với các cơ quan trung ương và chính quyền tỉnh Khánh Hòa thúc đẩy các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của bà con ngư dân về chống đánh bắt trái phép, sớm gỡ thẻ vàng của EC. Đồng thời, mang đến những món quà, tình cảm, sự động viên kịp thời, ý nghĩa để cùng bà con hưởng trọn niềm vui vươn khơi bám biển bình an”- ông Phước mong muốn.
Chương trình nhân văn, ý nghĩa
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng ngư dân chính là những người hùng thầm lặng, ngày đêm bám biển, bảo vệ ngư trường, góp phần vào sự giàu mạnh của quốc gia. Việc chống khai thác IUU không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên biển mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho ngư dân và cộng đồng.
Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá, Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" do báo Pháp Luật TP.HCM phát động là một sáng kiến vô cùng ý nghĩa, nhân văn. Những phần quà thiết thực hôm nay không chỉ là sự hỗ trợ vật chất mà còn là lời động viên tinh thần ấm áp đối với ngư dân chúng ta.
Người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh việc chống khai thác IUU không chỉ là trách nhiệm của riêng ngư dân mà là trách nhiệm của cả cộng đồng.
“Mỗi chúng ta, dù ở vị trí nào, đều có thể góp phần bảo vệ biển đảo quê hương, để biển đảo Việt Nam mãi xanh tươi và giàu mạnh. Biển đảo là ngôi nhà chung của chúng ta, do vậy hãy cùng nhau, cùng bà con ngư dân chung tay bảo vệ nó.
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, tôi xin trân trọng cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM và các nhà tài trợ đã tổ chức chương trình ý nghĩa này. Tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay của tất cả chúng ta, ngư dân Việt Nam sẽ sớm vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ hơn”- ông Tuân chia sẻ.
Trong khuôn khổ Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" tại Khánh Hòa, ban tổ chức chương trình đã trao tặng 200 phần quà cho các hộ ngư dân.
Mỗi phần quà trị giá hơn 5 triệu đồng, gồm bình ắc quy, bóng đèn led, túi thuốc, cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, hộp combo pin Con Ó, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng dành tặng 25 suất học bổng cho các em học sinh hiếu học là con em của bà con ngư dân.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng, PGS-TS-TTND (Thầy thuốc Nhân dân) Nguyễn Hồng Sơn - nguyên Giám đốc Bệnh viện quân y 175 - đã trực tiếp trao tặng 2 suất học bổng cho 2 cháu học sinh giỏi tiếng Anh có hoàn cảnh khó khăn và cháu học sinh con bộ đội Trường Sa học giỏi, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng.
Báo Pháp Luật TP.HCM mong muốn thông qua việc thực hiện chương trình này có thể hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023, dự kiến sẽ diễn ra tại 28 tỉnh, thành phố giáp biển trên cả nước; với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” cho ngành hải sản của Việt Nam.
Ngoài ra, chương trình cũng sẽ tuyên dương, nhân rộng những mô hình, những nhân tố tích cực biết làm giàu từ biển; tôn vinh những hành động tốt đẹp, khoa học để bảo vệ biển, nuôi dưỡng nguồn sinh của biển; tạo ra các giá trị cạnh tranh cho ngành thủy sản Việt vươn ra quốc tế.
Khánh Hòa là địa phương có biển thứ 16 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.
Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến được tổ chức tại 15 tỉnh, thành, gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thái Bình với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Qua 15 tỉnh thành trước đó, Chương trình đã trực tiếp thăm hỏi, tặng hơn 3.000 phần quà cho ngư dân (trị giá gần 15 tỉ đồng); khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn ngư dân; tổ chức các tọa đàm pháp lý liên quan đến công tác tháo gỡ thẻ vàng IUU cho hải sản Việt; tổ chức Chương trình Đáp lời cùng ngư dân để kết nối mong mỏi của bà con ngư dân với chính quyền sở tại.
Chương trình cũng đã trao tặng gần 500 suất học bổng (trị giá hơn 1 tỉ đồng) và rất nhiều phần quà giá trị khác như dụng cụ học tập, sữa, thực phẩm cho con em ngư dân vượt khó học giỏi.
Ban tổ chức chương trình mong muốn bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, chương trình sẽ góp phần hiệu quả trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của bà con ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển.
Qua đó, cùng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương, cấp bách tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam theo kế hoạch hành động mà Thủ tướng đã ban hành. Đồng thời, chương trình cũng mong là cầu nối để cộng đồng xã hội cùng chung tay hỗ trợ bà con ngư dân an tâm bám biển, khẳng định, gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy Viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Chủ tịch danh dự; ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, làm Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình; Trưởng Ban tổ chức là Phó Tổng biên tập Nguyễn Thái Bình. Đại sứ của chương trình là hoa hậu Trái đất 2018, Nguyễn Phương Khánh.
Ngoài ra, chương trình còn có sự đồng hành tham gia của đại diện: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ NN&PTNT; Hội Nghề cá Việt Nam; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và đại diện lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc các tỉnh/thành phố…