Chủ tịch nước: 'Giải quyết kiến nghị về dự án Safari trong 2 tháng'

Sau khi đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Safari Củ Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền TP.HCM cần giải quyết kiến nghị của bà con trong 2 tháng.

Giám sát việc giải quyết các dự án treo là cam kết trong chương trình hành động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 10 (huyện Củ Chi, Hóc Môn) diễn ra sáng 21/5.

Buổi tiếp xúc được trực tuyến đến 20 điểm cầu tại huyện Củ Chi. Đây là buổi tiếp xúc thứ 10 của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đơn vị này. Buổi tiếp xúc diễn ra muộn hơn dự kiến do trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi đối thoại với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đầu tư xây dựng Công viên Thảo Cầm Viên mới (dự án Safari, huyện Củ Chi, TP.HCM).

Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch nước thông tin dự án Safari đã giải tỏa 97% số hộ, chỉ còn 3% tương đương 15 hộ dân. Sáng nay, ông cùng lãnh đạo chính quyền địa phương đã lắng nghe những khúc mắc của bà con. Theo Chủ tịch nước, người dân cơ bản ủng hộ nhưng cũng đặt ra một số vấn đề.

"Cha ông ta có câu 'nói phải củ cải cũng phải nghe', cho nên các đoàn thể chính trị - xã hội, huyện, thành phố rất quan trọng trong giám sát, giải thích, giải đáp để người dân hiểu, ủng hộ chủ trương phát triển đất nước", ông Phúc chia sẻ và cho biết nếu trúng cử, ông sẽ dành nhiều thời gian hơn cho nhân dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM cần sớm giải quyết các dự án treo. Ảnh: Thu Hằng.

Chủ tịch nước chia sẻ ông đi nhiều nơi và nhận thấy TP.HCM có rất nhiều dự án treo, có dự án lên tới mấy chục năm không giải quyết cho dân. Ông nhắc nhở "không để quy hoạch treo tồn tại mãi", ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân.

"Trong 2 tháng, phải giải quyết dứt điểm kiến nghị bà con đặt ra ở dự án Thảo Cầm Viên Safari", Chủ tịch nước đề nghị và định hướng huyện Củ Chi lập phương án giải quyết, còn UBND TP.HCM duyệt lại. Ông khẳng định sẽ trực tiếp xem xét để giải quyết dứt điểm, không kéo dài.

Đồng thời, ông cho rằng các dự án quy hoạch lâu, chậm triển khai cần có các chuyên đề giải quyết để bà con cử tri an tâm. Chủ tịch nước cho biết nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, ông sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát các vấn đề này, đồng thời kêu gọi đầu tư, thúc đẩy triển khai nhanh dự án.

Trong chương trình hành động, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển Khu đô thị Tây Bắc. Song song đó, chính quyền cần tập trung chống đầu cơ đất nông nghiệp, xây dựng tự phát, trái phép và sử dụng lãng phí đất đai. Ông khẳng định đất đai là nguồn lực rất lớn của Hóc Môn, Củ Chi mà các quận nội thành không có điều kiện, do đó phải tận dụng.

Đây là buổi tiếp xúc cử tri thứ 10 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cử tri huyện Củ Chi, Hóc Môn. Ảnh: Thu Hằng.

Phát biểu về chương trình hành động, PGS. TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng cần "xoay trục y tế", tức là tăng cường loại hình chăm sóc dịch vụ y tế tuyến cơ sở, tăng cường phòng, giảm điều trị bởi “điều trị nghĩa là dự phòng đã thất bại”. Ông Hiệp phân tích nếu ngành y tế “tiêm vaccine kiến thức” để người dân tự bảo vệ sức khỏe thì y bác sĩ chỉ cần phối hợp, đồng hành.

Ứng cử viên Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM, cam kết sẽ tận dụng sự am hiểu của một cán bộ quân đội cao cấp để góp phần giúp Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là ứng viên ở đơn vị số 10 gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn. Đơn vị này còn 4 ứng viên khác gồm bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng phụ trách điều hành Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; ông Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM và ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Ngày 23/5, cử tri TP.HCM sẽ bầu ra 30 đại biểu Quốc hội khóa XV và 95 đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Dự án công viên Sài Gòn Safari nằm ở hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng của huyện Củ Chi và tồn tại từ năm 2004, ban đầu do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Đến năm 2016, UBND TP.HCM giao dự án cho Vinpearl nghiên cứu đầu tư. Đây là siêu dự án với quy mô hơn 450 ha và số vốn đầu tư ước tính lên tới 500 triệu USD.

Năm 2019, Vingroup rút lui khỏi siêu dự án này. Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã kết luận dự án công viên Sài Gòn Safari làm thất thoát hơn 104 tỷ đồng. Sau gần 20 năm triển khai, dự án Sài Gòn Safari vẫn chưa thực hiện, khiến người dân không thể xây nhà, không có đất sản xuất, dẫn đến khiếu nại kéo dài.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-tich-nuoc-giai-quyet-kien-nghi-ve-du-an-safari-trong-2-thang-post1217854.html