Chủ tịch Đắk Lắk: Quyền lợi của người dân phải đặt lên hàng đầu

Ông Phạm Ngọc Nghị khẳng định quyền lợi của người dân phải đặt lên hàng đầu, rồi mới đến doanh nghiệp, sau cùng là của nhà nước.

Ngày 17-8, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã có buổi đối thoại với năm hộ dân, đại diện cho hơn 1.000 hộ nhận khoán thuộc Công ty cổ phần cà phê Thắng Lợi (trước đây là Công ty TNHH MTV).

Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: VŨ LONG

Ngoài ra, còn có đại diện Bộ TN&MT, Bộ Công an cùng các sở ngành tỉnh Đắk Lắk, riêng hơn 1.000 hộ dân nhận khoán được dự ở ngoài sân, thông qua màn hình trình chiếu.

Kiến nghị trả hơn 616 đất liên kết về cho dân

Ông Nguyễn Trọng Ngọc (ngụ xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk,Đắk Lắk) kể sau giải phóng những dân nhận khoán, trong đó có gia đình ông từ Thái Bình, Nghệ An đã vào địa bàn huyện Krông Pắk xây dựng vùng kinh tế mới.

Người dân cùng với Nông trường quốc doanh cà phê Thắng Lợi (thời điểm đó) đã khai hoang vùng đất này, cùng với bộ đội đánh FULRO bảo vệ đất đai, dân làng, chính quyền.

Đại diện năm hộ nhận giao khoán của Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi. Ảnh: VŨ LONG

Sau này, khi thành lập Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi, nông dân được cấp một hợp đồng liên kết do công ty cấp, thời hạn trồng cây cà phê là 50 năm.

“Từ năm 2019 đến nay, sau khi cổ phần hóa, công ty yêu cầu người dân trả lại hợp đồng liên kết, chuyển sang hình thức mới là khoán trắng. Chính điều này làm người dân hoang mang, lo sợ mất đi nguồn sống duy nhất của nhiều thế hệ trong nhà” - ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Trọng Ngọc phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: VŨ LONG

Vẫn theo ông Ngọc, hiện vẫn còn hơn 616 ha đất liên kết của người dân với Công ty cổ phần cà phê Thắng Lợi (Công ty Thắng Lợi), trong đó tài sản trên đất do người dân đầu tư 100%.

“Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích này giao cho địa phương lên phương án sử dụng đất theo như chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk tại Công văn số 2536 ngày 27-5-2011” - ông Ngọc cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

Còn ông Nguyễn Ngọc Dũng cho hay (nói đi nói lại nhiều lần), đề nghị Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành vào cuộc thanh tra toàn diện tại Công ty Thắng Lợi, trong đó liên quan việc bán cổ phần có tài sản gắn liền với đất được thể hiện qua hợp đồng liên kết của người dân.

“Đất là tư liệu sản xuất duy nhất của người dân, nếu không có tư liệu này, dân sẽ sống như thế nào. Như đất của Công ty TNHH MTV cà phê Phước An cũng đã trả về cho chính quyền địa phương, rồi cấp sổ cho người dân để tiếp tục quản lý và sử dụng” - ông Dũng nói.

Đại diện người dân địa phương yêu cầu trả lại hơn 616 ha đất về cho chính quyền địa phương, giao lại cho các hộ nhận khoán. Ảnh: VŨ LONG

Quyền lợi của người dân phải đặt lên hàng đầu

Ông Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh, cho biết theo các quy định về đất đai thì hơn 616 ha đất này không đủ điều kiện trả về cho chính quyền địa phương, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân (như kiến nghị trên).

“Số diện tích này nằm trong phương án sản xuất, kinh doanh (trồng cà phê - PV), theo đề án của Công ty Thắng Lợi đã được UBND tỉnh phê duyệt” - ông Đức nói.

Ông Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

Còn ông Lê Danh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh, trong quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp không đưa giá trị tài sản của 616 ha của người dân vào giá trị doanh nghiệp.

“Giá trị tài sản trên đất của hơn 616 ha đất này vẫn thuộc các hộ dân đang nhận khoán, liên kết” - ông Thắng khẳng định.

Ông Lê Danh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

Cũng tại buổi đối thoại này, ông Nguyễn Xuân Thụ, Giám đốc Công ty Thắng Lợi, cho biết quá trình cổ phần hóa công ty đều được thực hiện đúng trình tự, quy định.

“Tổng diện tích đất hiện do công ty khai hoang phục hóa, rồi giao lại cho người dân mượn lại” - ông Thụ nói.

Tuy nhiên, khi được ông Nguyễn Tuấn Hà yêu cầu chứng minh việc khai hoang, nhưng ông Thụ nói rằng không có văn bản nào chứng minh việc này.

Ông Nguyễn Xuân Thụ, Giám đốc Công ty Thắng Lợi. Ảnh: VŨ LONG

Ông Phan Hồng Mai (đại diện Bộ TN&MT) cho biết nguồn gốc hơn 616 ha đất này chưa có sự thống nhất giữa người dân với công ty và trong buổi làm việc hôm nay chưa thể làm rõ được.

“Tôi thống nhất với quan điểm của người dân, cái gì chưa rõ thì cần thiết phải thanh kiểm tra làm rõ. Mấu chốt của vấn đề là người vẫn còn được hưởng quyền lợi chính đáng của mình tại 616 ha đất này” - ông Mai cho hay.

Ông Phan Hồng Mai phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: VŨ LONG

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết ông đã theo dõi quá trình hoạt động của công ty từ trước đây. Có giai đoạn thành tích của công ty rất nổi bật, đạt những danh hiệu của trung ương, địa phương trao tặng, điều này khẳng định có sự đóng góp của công sức cho bà con.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị. Ảnh: VŨ LONG

“Lợi ích của doanh nghiệp và người dân phải luôn hài hoài. Tuy nhiên, quan điểm của tôi cũng như của UBND tỉnh, về lợi ích thì trước hết phải ưu tiên cho người dân, sau đó là đến doanh nghiệp và của nhà nước là sau cùng.

Tuy vậy, cần phải có thời gian để chứng minh nguồn gốc hơn 616 đất này. Nếu không làm rõ được đưa nhau ra tòa thì rất tốn thời gian. Ngay trong một buổi sáng không thể giải quyết được, mà cần phải có thời gian” - ông Phạm Ngọc Nghị cho hay.

Người theo dõi buổi đối thoại qua màn hình lớn ngoài sân Công ty Thắng Lợi. Ảnh: VŨ LONG

Trước khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị giữa lãnh đạo công ty và bà con ngồi lại với nhau để tiếp tục, trao đổi, bàn bạc cụ thể.

“Kể cả sau khi rà soát lại các quy định được Nhà nước cho phép chuyển hơn 616 ha đất liên kết về cho địa phương rồi giao lại cho người dân, thì công ty cũng vui vẻ” - ông Nghị cho hay.

Sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho biết đã đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra toàn diện tại Công ty Thắng Lợi.

“Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ từ tháng 5 để làm rõ những vấn đề đúng và chưa đúng để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tới đây, tôi sẽ gặp trực tiếp và nghị Tổng Thanh tra chính phủ thanh tra toàn diện ở công ty” - ông Nghị khẳng định.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp công dân Trung ương. Ảnh: VŨ LONG

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ, thanh tra tại Công ty Thắng Lợi thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Điệp cũng thẳng thắn nói rằng, nếu buổi đối thoại này diễn ra sớm hơn, bà con sẽ không kéo nhau ra ngoài Hà Nội.

Trưởng ban tiếp công dân Trung ương nghị doanh nghiệp và người dân ngồi lại với nhau để xác định lại thương hiệu, quyền lợi, rà soát lại những kiến nghị để có báo cáo cụ thể gửi cho bà con, cũng như cơ quan trung ương trước ngày 15-9 này, để báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

VŨ LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-dak-lak-quyen-loi-cua-nguoi-dan-phai-dat-len-hang-dau-post747245.html