Chủ quán karaoke mất hàng chục tỷ đồng sau nửa năm đóng cửa

Mỗi tháng, các quán karaoke phải trả hàng tỷ đồng tiền thuê mặt bằng, phí bảo trì, lương nhân viên... Sau hàng tháng trời gửi biên bản yêu cầu nghiệm thu, họ vẫn chưa được mở lại.

“Tôi tốn 3-5 tỷ đồng sửa lại mỗi chi nhánh, 5 chi nhánh cứ thế nhân lên. Mỗi tháng tốn trung bình 1 tỷ đồng thuê mặt bằng. Tiền nhân viên và duy trì hệ thống 200-300 triệu đồng. Tổng cộng, tôi đã 'đổ sông đổ bể' ít nhất 16-17 tỷ đồng”, anh Huỳnh Văn Cường - chủ hệ thống 5 quán karaoke Star tại Gò Vấp, TP.HCM nói với Zing.

Không chỉ anh Cường, chủ 37 quán karaoke khác trên địa bàn quận Gò Vấp cũng đang “dài cổ” chờ được cấp phép hoạt động trở lại.

Ngồi trên đống lửa

Sau khi xảy ra vụ cháy karaoke An Phú (Bình Dương) từ tháng 9/2022, nhiều cơ sở kinh doanh loại hình này đã bị yêu cầu khắc phục các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Theo anh Cường, nhiều quán ở Gò Vấp đã chi tiền tỷ để cải tạo, sửa chữa bao gồm lắp đặt cầu thang thoát hiểm độc lập, hệ thống báo cháy tự động, thay toàn bộ thiết bị cách âm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Khi khắc phục xong, phía quận tổ chức kiểm tra và không có yêu cầu gì thêm.

Dù vậy, hiện tại, toàn bộ các quán karaoke ở quận này vẫn đang bị đình chỉ hoạt động kinh doanh để “chờ chỉ đạo của cấp trên”.

Toàn bộ quán karaoke ở Gò Vấp vẫn chưa được mở cửa kinh doanh trở lại. Ảnh: Diệu Thanh.

Từ đó đến nay, anh Cường liên tục tìm đến các cơ quan, ban ngành để tìm cách cứu lấy doanh nghiệp nhưng bất thành. “Sau khi nhận hồ sơ thẩm duyệt bổ sung của tôi, PC07 có văn bản trả lời chung chung và bắt bí điều kiện”, anh bức xúc.

Người này lấy ví dụ, điều 1 văn bản trả lời của PC07 cho biết do quán của anh xây dựng trên đất có mục đích sử dụng là làm nhà ở riêng lẻ nên phải liên hệ cơ quan xây dựng có thẩm quyền để có ý kiến về sự phù hợp mục đích sử dụng nhà với công năng hoạt động của công trình.

Theo anh, muốn làm được việc này, doanh nghiệp phải điều chỉnh mục đích sử dụng đất thành đất thương mại dịch vụ. Tuy vậy, đại đa số đất họ đang kinh doanh là đất đi thuê, do đó việc điều chỉnh mục đích sử dụng đất không khả thi.

Hiện, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh karaoke ở Gò Vấp đều như ngồi trên đống lửa vì không biết bao giờ mới có thể mở cửa kinh doanh trở lại.

Chi tiền tỷ sửa chữa rồi... chờ

Tương tự, ở quận 10, TP.HCM, con đường Sư Vạn Hạnh vốn có hàng chục quán karaoke nhưng nay nhiều quán đã dỡ bảng hiệu, đóng cửa, trả mặt bằng.

Hệ thống Karaoke FYou của ông Vũ Quang đã đóng cửa 2/4 chi nhánh, còn lại chuyển mô hình để hoạt động cầm chừng. Trước đó, ông đã chi 6 tỷ đồng để sửa chữa theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

"Đơn vị PCCC đã xuống kiểm tra và không yêu cầu làm thêm bất cứ hạng mục gì, tuy nhiên quán vẫn chưa được mở để chờ ý kiến của lãnh đạo TP và các ban ngành khác. Mỗi tháng, FYou phải trả tiền mặt bằng 200-300 triệu đồng cho mỗi chi nhánh nhưng vì đóng cửa, không có nguồn thu nên không biết sẽ cầm cự được đến bao giờ", ông Quang cho hay.

Thậm chí, với một chuỗi karaoke lớn nhất nhì TP như ICool, tất cả chi nhánh cũng đang đóng cửa. Chia sẻ với Zing, chị Đinh Hoàng Thùy Dương, đại diện chuỗi cho biết mỗi tháng tốn hàng chục tỷ đồng để bảo trì trang thiết bị và trang trải chi phí thuê mặt bằng.

“Các ban ngành yêu cầu doanh nghiệp sửa chữa và gửi biên bản yêu cầu nghiệm thu và sẽ xử lý trong vòng 30 ngày. Chúng tôi đã gửi biên bản này từ tháng 10 nhưng đến bây giờ vẫn phải chờ đợi và không biết bị trục trặc ở khâu nào. Nhiều lúc, tôi thấy thực sự vô vọng", chị Dương giãi bày.

Hệ thống Icool đã gửi biên bản yêu cầu nghiệm thu từ tháng 10 nhưng đến nay vẫn phải tiếp tục chờ đợi. Ảnh: Diệu Thanh.

Đại diện chuỗi Icool mong muốn có thể mở lại một số cơ sở kinh doanh nếu đã đủ điều kiện để doanh nghiệp có đồng ra đồng vào và tiếp tục sửa chữa những cơ sở chưa đủ điều kiện.

“Chúng tôi có 600 nhân sự, phần lớn là lao động phổ thông đều đang chờ chỉ thị của các ban ngành. Tình thế nửa đợi, nửa hoang mang không biết làm gì rất khổ cho doanh nghiệp và người lao động”, chị Thùy Dương nói.

Thời điểm tháng 11/2022, khi trả lời Zing về vấn đề này, đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.HCM từng khẳng định karaoke là ngành kinh doanh có điều kiện, cơ sở đủ điều kiện mới được hoạt động. Nếu quán karaoke không đảm bảo an toàn PCCC mà hoạt động thì rất nguy hiểm.

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (C07) cũng làm rõ đối với quán karaoke được đưa vào hoạt động trước ngày 20/2/2021 (khi Thông tư 147/2020/TT-BCA có hiệu lực), cơ quan công an sẽ kiểm tra an toàn PCCC theo Thông tư số 47/2015/TT-BCA.

Đối với quán hoạt động từ ngày 20/2/2021 đến nay, cơ quan công an sẽ kiểm tra an toàn PCCC theo Thông tư số 147/2020/TT-BCA (tức là phòng hát 50 m2 trở lên phải bố trí vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy).

Trường hợp cơ sở kinh doanh karaoke đã đưa vào sử dụng trước ngày 20/2/2021, đến nay có cải tạo, thay đổi thiết kế phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo quy định của Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020.

Tuy nhiên đến nay, không chỉ ở TP.HCM mà tại Hà Nội, hàng loạt quán karaoke cũng đang kêu cứu. Hà Nội có 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường nhưng hơn 1.100 địa điểm đã bị tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động vì không đảm bảo PCCC, CHCN. Nhiều cơ sở đã phá sản vì không đủ tài chính duy trì, sửa chữa.

Ngày 18/2, Phòng tham mưu Công an TP Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc thông báo ý kiến chỉ đạo của Đại tá Dương Đức Hải, Phó giám đốc Công an TP về việc triển khai biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan các cơ sở kinh doanh karaoke trong lĩnh vực PCCC. Ngay sau đó, Công an TP cũng đã có hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC với các cơ sở.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-quan-karaoke-mat-hang-chuc-ty-dong-sau-nua-nam-dong-cua-post1405675.html