Chợ xuân nơi lưng trời

Minh họa: HƯNG DŨNG

Cùng là miền núi cao của Lào Cai, nếu Sa Pa được cưng như công chúa thì Si Ma Cai lại như cô hầu gái bị bỏ quên. Vùng núi cheo leo lưng chừng trời này có nhiều bí ẩn mê dụ lòng người.

Huyện Si Ma Cai thuộc vùng Đông Bắc của Lào Cai, từ thành phố lên chừng 95km, dốc dài đèo cao ngoằn ngoèo cứ thế mà bò trong mây mù sương sa như đường lên trời. Tôi muốn vỡ tim khi ngước theo con đèo lấp ló trong mây, ẩn khuất trong sườn núi, khi mỗi góc núi lại mở ra khúc đường quanh co hun hút thăm thẳm. Nơi cùng trời cuối đất này có phiên chợ Cán Cấu nổi tiếng họp vào thứ bảy hàng tuần. Nơi chỉ có những ngọn núi đá cao vút xám xịt, thì khu chợ đông đúc nhộn nhịp với váy áo rực rỡ đủ màu sắc, nhìn từ trên đỉnh đèo trông giống như một lẵng hoa treo lưng trời.

Chợ Cán Cấu là của cả vùng Si Ma Cai nên luôn đông vui, thực sự là ngày hội của bà con người Mông Hoa và người Giáy sống ở nơi lưng trời này. Các cụ bà đi chợ bán rau củ quả, ớt khô, các loại cây thuốc nam như đương quy, sa nhân, gà đen, các loại bánh bột gạo nếp. Có một món ngon đặc sắc là bánh dầy. Thuở xưa, bánh dầy là món quý giá hiếm hoi, tết hoặc lễ hội, cưới hỏi, ma chay mới có, vì người Mông ở vùng cao khí hậu lạnh chỉ trồng được ngô, ít có lúa gạo. Bánh dầy được giã từ xôi nếp dẻo quánh, giã bánh dầy chỉ có thanh niên khỏe mạnh mới đủ sức giã xong cối bánh, sau đó đám phụ nữ sẽ nặn những chiếc bánh to như cái bát xếp vào chạn đợi khách. Ngày tết khi khách đến chơi, bánh được lấy ra cắt miếng như ngón tay, thả vào chảo mỡ rán cho nở phồng lên giòn rụm thơm ngậy dẻo quánh của bột nếp tan vào cái ấm áp của bát rượu ngô bên bếp lò đỏ rực ấm áp. Còn bây giờ người Mông Hoa không thiếu gạo nếp nữa, thì bánh dầy phiên chợ nào cũng có. Bà chủ hàng dáng người to béo má hồng rực như thiếu nữ, bệ vệ ngồi bên bếp lò, tay đảo bánh dầy trong chảo mỡ sôi xèo xèo, miệng đon đả mời chào “Bánh này ăn ngon đấy, ăn đi, ăn đi!”. Khách ăn cũng xúm xít, đủ các lứa tuổi, đông nhất là các cụ ông, thanh niên, ngón tay đỏ rực vì buốt giá cầm miếng bánh nóng hổi vừa ăn vừa thồi phù phù. Trong giá lạnh nhìn miếng bánh dầy bốc khói nghi ngút, cảm giác ấm áp như thể gặp ngày Tết Mông. Ờ, chợt nhớ thì chợ phiên cũng là một ngày như tết còn gì, người Mông sống trên núi cao này đến chợ để chơi với thật nhiều chờ mong và chắc là không thiếu những hẹn hò.

Ngồi rất lâu ở hàng của một cụ bà bán con giống đồ chơi nặn bằng bột gạo nếp, hỏi ăn được không, bà cụ gật đầu ra hiệu cho vào chảo mỡ rán như bánh dầy. Cả khu chợ rộng lớn bán đủ các loại mặt hàng, thì chỉ mỗi cụ bà này bán con giống. Tiếc là không nói chuyện được vì bà cụ không biết tiếng phổ thông nên đành ngắm và chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm. Những con giống nhuộm xanh đỏ như nhắc lại ký ức tuổi thơ đầy háo hức.

Các nam thanh niên đi chợ bán dê và chó, chúng bị trói dây buộc vào tảng đá ven đường cứ nhảy chồm chồm qua các tảng đá, còn các cậu trai cứ mặc kệ tụm năm tụm ba nói chuyện thầm thì với vẻ mặt đầy sôi nổi. Có cậu trai bán con quay đẽo bằng gỗ thì ngồi riêng ra một góc, say mê ngắm những con quay chuốt láng bóng bằng gỗ nghiến, to bằng nắm tay người lớn, được bán với giá 40.000 đồng. Một thanh niên khoảng hơn 30 đang chọn cho mình một con quay ưng ý, cậu thả thử ra bãi đất cho quay vù vù. Tôi cầm thử một con quay lên tay thấy nặng trịch.

Các cô gái bíu vai nhau thì thầm nói chuyện, hoặc chả nói gì, cứ ngả đầu vào vai nhau, đung đưa tà váy, đứng giữa đường giữa chợ, mủm mỉm cười hồn nhiên nhìn mọi người. Một đôi bạn trẻ đi thong dong từ đầu chợ đến cuối chợ, trong khoảng hai tiếng đồng hồ lượn chợ, cô gái xinh đẹp thay váy áo đến ba lần với kiểu và màu sắc khác nhau, bộ váy áo người Giáy thì lung linh sặc sỡ đính cườm phô ra khuôn mặt xinh xắn đỏ hồng như trái táo chín, bộ váy bó ngắn hiện đại thì khoe đôi chân dài nuột nà. Cậu bạn trai đi cùng kiên nhẫn dắt xe máy đi theo, đợi và chụp ảnh bạn gái bằng điện thoại thông minh. Tôi đoán chắc đây là một đôi trẻ tự đi chụp ảnh cưới cho mình. Nhìn các bạn trẻ thì thấy chợ phiên thực sự là một lễ hội cho tuổi trẻ và tình yêu.

Chợ Cán Cấu nổi tiếng và hấp dẫn du khách chính là khu chợ bán trâu bò, và là chợ bán đại gia súc lớn nhất của vùng Tây Bắc. Những con trâu, con bò đứng san sát nhau nhưng nom chúng hiền lành và có đôi mắt buồn rầu, đầu cúi như thể chúng biết số phận của mình là đến các lò mổ. Cậu trai Vàng A Trang, có tiệm sửa xe máy, ô tô sát cạnh chợ nói, trước đây trâu bò được đưa về xuôi để nuôi, nhưng hiện nay chủ yếu xuất lậu qua biên giới, họ mua về để mổ thịt ăn vì dân bên đó không ăn thịt lợn. Tôi chú ý đến một con trâu đẹp nhất khu chợ, béo mầm mẫm, căng tròn như trái sim chín, đôi sừng dài cong vút. Chủ trâu là một đôi vợ chồng người Mông, anh chồng kể chuyện, mình tên là Vàng A Páo, tên vợ là Lý Thị Chính, con trâu này nuôi đã 9 năm, nhà có 3 con trâu, nay bán đi một con, họ trả 53 triệu rồi nhưng chưa bán đâu, mình muốn 56 triệu cơ. Chị vợ thì cứ đứng đung đưa váy trên tảng đá gần con trâu, mắt nhìn chăm chú người đi chợ và không nói câu nào. Ông khách hàng béo tốt trắng trẻo đến gần ông chủ trâu nhỏ thó đen đúa và khắc khổ, nói câu gì đó, rồi lại lùi ra xa ngắm chú trâu mộng. Nếu chỗ hàng khác còn có tiếng người lao xao trò chuyện mời chào, thì chợ trâu bò bao trùm không khí im lặng với vẻ bí hiểm. Người mua người bán thi thoảng mới nhả một vài từ ra khỏi miệng, họ giao tiếp bằng tiếng Mông và tiếng Hoa.

Tháng Chạp, gió mùa đông bắc kèm mưa phùn, rét buốt khoảng 5 độ. Tôi bọc túi ni lông vào giày, bì bõm lội bùn dạo mấy vòng chợ. Thì hãy đi chơi chợ như người Mông Hoa sống trên núi cao, đến chợ là để nhìn, để ngắm, để ăn và uống rượu ngô. Có lẽ để dịp khác tôi sẽ nói về rượu ngô Si Ma Cai, giờ thì tôi nghĩ tôi đủ say chợ rồi.

PHAN MAI HƯƠNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252143/cho-xuan-noi-lung-troi.html