Chính phủ kiến tạo cho doanh nghiệp hoạt động

Với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả của bạn bè quốc tế trong thực hiện Dự án LinkSME, Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong tiến trình cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại lễ khởi động Dự án Thúc đẩy cải cách và Nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (DNNVV) do USAID tài trợ (USAID LinkSME) ngày 24/9.

Quyết liệt các giải pháp

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ngày 16/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện Dự án LinkSME. Như vậy, cũng phải sau 1 năm chuẩn bị, Dự án LinkSME đã chính thức được phê duyệt. Đây là kết của của sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan, trong đó có Văn phòng Chính phủ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cũng như của Bộ KH&ĐT.

Trong nhiều năm trở lại đây, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức hơn 20% trong 3 năm gần đây; riêng trong 8 tháng qua, đạt 48 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3%, nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt 9,4 tỷ USD, tăng 9%.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc lại, năm 2019 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm mạnh chi phí tuân TTHC để giảm gánh nặng cho người dân, DN và đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định để tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thêm 106 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm lên tới 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh kể từ năm 2018 đến nay (đạt 111,5%, vượt 11,5% so với yêu cầu của Chính phủ). Cùng với 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, 30 TTHC liên quan được đơn giản hóa đã giúp tiết kiệm chi phí xã hội là hơn 18 triệu ngày công/năm tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Tạp chí US News &World vừa xếp hạng Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, tăng 15 bậc từ vị trí xếp thứ 23 năm 2018. Đồng thời, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng xác định là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy chính phủ điện tử gắn kết với cải cách TTHC để góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của DN, người dân. Theo đó, phải đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước thông qua điện tử hóa, giảm mạnh giấy tờ, cắt giảm chế độ báo cáo và tăng các cuộc họp trực tuyến; kết nối trục liên thông văn bản quốc gia, thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, hệ thống thông tin họp Chính phủ điện tử và hệ thông thông tin tham vấn chính sách.

Việt Nam đang trong tiến trình cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Một trong những yếu tố khích lệ quyết tâm này của Việt Nam chính là sự hợp tác, chia sẻ của bạn bè quốc tế. Quá trình hội nhập quốc tế ở Việt Nam trong ba thập kỷ qua đã mang lại những thành tựu to lớn góp phần nâng cao vị thế và tăng cường sức mạnh đất nước. Việt Nam đã từng bước mở cửa nền kinh tế bằng cách thiết lập quan hệ song phương và đa phương với nhiều quốc gia, tổ chức thương mại lớn, đầu tư tài chính và tham gia vào các cơ chế đa phương...

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng các đại biểu cắt băng khởi động Dự án LinkSME. Ảnh: Khắc Kiên

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, những nỗ lực của các bên đã được ghi nhận qua việc Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện Dự án LinkSME. Như vậy có thể thấy, Chính phủ đang quyết tâm đồng hành cùng DN thông qua việc luôn nỗ lực cải cách thể chế, giúp DN cắt giảm chi phí tuân thủ quy định và từ đó có thêm nguồn lực dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh.

“Dự án LinkSME gắn kết quá trình cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể với quá trình nghiên cứu, cải cách theo ngành cũng như gắn kết những chỉ đạo cải cách từ Chính phủ với những nỗ lực thay đổi từ dưới lên, từ bản thân DN” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Dự án góp phần tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống của môi trường kinh doanh thông qua các hoạt động cải cách thể chế, đơn giản hóa quy định, TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; đồng thời tạo ra các thay đổi cơ bản về khả năng hội nhập, kết nối với khu vực và quốc tế cũng như với chuỗi giá trị toàn cầu của các DNNVV.

Việc hỗ trợ phát triển các DNNVV Việt Nam theo dự án LinkSME sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững và khả năng thoát khỏi bẫy các nước có thu nhâp trung bình của Việt Nam trong những thập niên tới.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tin tưởng rằng, với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả của bạn bè quốc tế nói chung, của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nói riêng, Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện hóa phương châm 12 chữ vàng của Chính phủ Việt Nan: “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp của hai quốc gia.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chinh-phu-kien-tao-cho-doanh-nghiep-hoat-dong-353290.html