“Chúng tôi đã hiện đại hóa Su-30SM với việc lắp động cơ AL-41F mạnh hơn”, Tổng giám đốc Nhà máy Irkutsk, Alexander Veprev, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS.
“Với những cập nhật mạnh mẽ, giờ đây chúng tôi có một tiêm kích với động cơ mạnh hơn và hệ thống vũ khí hiệu quả hơn. Tất nhiên, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về máy bay này”, ông Alexander Veprev nói thêm.
Cho đến nay, chỉ có phiên bản nâng cấp Su-30SM2 được trang bị động cơ tiên tiến này, trong khi phiên bản Su-30 SM vẫn đang sử dụng động cơ AL-31F.
Với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, có khả năng máy bay Su-30SM2 với động cơ AL-41F sẽ được bàn giao cho không quân Nga để thực chiến.
AL-31F và AL-41F là động cơ phản lực cánh quạt đều do công ty Saturn của Nga phát triển. Động cơ AL-31F ra mắt vào cuối những năm 1970, là động cơ mạnh mẽ được lắp đặt cho máy bay chiến đấu Su-27/30.
Động cơ này được ca ngợi vì lực đẩy tốt và độ tin cậy cao, được trang bị bộ đốt sau một giai đoạn đảm bảo hiệu suất vững chắc ở cả tốc độ dưới âm và siêu âm.
Tuy nhiên, hiện tại AL-31F được đánh giá là không đạt hiệu quả và tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng khi so sánh với các mẫu mới hơn.
Động cơ AL-41F là một bước tiến vượt bậc so với AL-31F. Nó cung cấp lực đẩy cho Su-30MKI, Su-35 và cả các biến thể hiện tại của Su-57.
Một tính năng nổi bật là khả năng điểu khiển vector hướng phụt giúp tăng cường khả năng cơ động cho các máy bay lắp đặt dòng động cơ này.
Sự cải tiến này dẫn đến hiệu suất vượt trội trong các tình huống chiến đấu trên không, cải thiện sự nhanh nhẹn của chiến đấu cơ trong các pha rẽ hẹp.
Động cơ AL-41F mang lại những lợi thế đáng kể so với động cơ tiền nhiệm, đáng chú ý là tăng công suất đẩy. Điều này dẫn đến khả năng tăng tốc và tốc độ leo cao tốt hơn, cho phép máy bay đạt đến giới hạn hoạt động hiệu quả hơn.
Ngoài ra, hiệu suất nhiên liệu được cải thiện của AL-41F, có nghĩa là dù động cơ có lực đẩy mạnh hơn nhưng lại ít hao tốn nhiên liệu.
Thiết kế tiên tiến của động cơ cũng làm giảm tín hiệu hồng ngoại và radar, tăng khả năng sống sót của máy bay trước phòng không đối phương.
Về bản chất, động cơ AL-41F mang lại cho chiến đấu cơ Su-30SM sự gia tăng đáng kể về hiệu suất, nâng cao tính linh hoạt của nó trong nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Việc tích hợp một động cơ tinh vi như AL-41F không chỉ nâng cao khả năng chiến đấu của máy bay mà còn củng cố vị thế của Su-30SM trong chiến tranh trên không hiện đại, khiến nó trở thành đối thủ đáng gờm với các chiến đấu cơ của phương Tây.
Tính đến năm 2024, không quân Nga tự hào có khoảng 100 máy bay chiến đấu Su-30SM trong đội bay của mình.
Hiện Nga đang có hai biến thể là Su-30SM và Su-30SM2, đây là một dòng máy bay chiến đấu cực kỳ linh hoạt được thiết kế để hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Hơn nữa, biến thể Su-30SM2 đi kèm với hệ thống điện tử hàng không và vũ khí được nâng cấp, tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu tổng thể của chiến đấu cơ này so với đối thủ.
Gia đình Su-30SM đóng vai trò then chốt trong việc hiện đại hóa phi đội máy bay của Nga, chúng đã thể hiện khả năng của mình trong các cuộc xung đột gần đây, đặc biệt là các hoạt động ở Ukraine.
Tính linh hoạt của Su-30SM cho phép nó thực hiện nhiều vai trò một cách hiệu quả, từ chiến đấu không đối không đến các cuộc tấn công mặt đất chính xác.
Các báo cáo hiện nay cho biết Ukraine đã bắn hạ thành công ít nhất 10 máy bay chiến đấu Su-30SM của Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra.
Vụ bắn hạ Su-30SM đầu tiên được xác nhận là vào cuối tháng 2/2022, ngay sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga diễn ra.
Trong nhiều tháng, các hệ thống phòng không của Ukraine đã báo cáo bắn hạ thêm một số máy bay Su-30SM, đặc biệt là khi lực lượng Nga tăng cường các cuộc tấn công trên không.
Những tổn thất này nhấn mạnh những thách thức mà không quân Nga phải đối mặt trước các nỗ lực phòng không ngày càng hiệu quả và phối hợp của Ukraine.
Việt Hùng