Chi, tổ hội nghề nghiệp giúp nông dân

Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã tập trung xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Tham gia mô hình này, nhiều hộ dân trên địa bàn đã biết liên kết làm ăn và có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình Tổ hội nghề nghiệp chế biến nước mắm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An).

Năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An xây dựng và thành lập mới 63 tổ hội, 3 chi hội nghề nghiệp với mục đích tập trung các hội viên nông dân trên cùng một lĩnh vực kinh doanh, sản xuất. Các chi, tổ hội sinh hoạt, trao đổi thông tin liên quan đến ngành nghề; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh…; bám sát ưu thế của từng địa phương, hướng đến những mô hình đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Quang Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Việc thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp tạo ra môi trường sinh hoạt giúp các thành viên cùng có chung ý tưởng. Sinh hoạt tổ hội chung đã thúc đẩy, ươm mầm tư tưởng hợp tác liên kết giữa các hộ trong quá trình sản xuất theo chủ trương của Đảng nên được các cấp ủy, chính quyền rất ủng hộ”.

Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên xây dựng mô hình và ra mắt Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi lợn và thủy sản tại xã Hưng Tiến (nay là xã Hưng Nghĩa) với 34 hội viên và nguồn vốn ban đầu 400 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Dù mới thành lập nhưng đến nay, hoạt động sản xuất của các hội viên đạt kết quả đáng ghi nhận: Chăn nuôi cá cho thu hoạch 65 tấn; 430 tấn thịt lợn hơi; 4 tấn gà trị giá 400 triệu đồng. Anh Lê Quốc Tân, hội viên chi hội chia sẻ: “Từ khi tham gia chi hội, sản phẩm chăn nuôi của gia đình tôi có thương hiệu, thu nhập tăng lên. Nhờ sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các hội viên trong chăn nuôi nên dịch bệnh giảm rõ rệt. Đặc biệt, trong đợt dịch tả lợn châu Phi, có trên 70% hội viên giữ được đàn lợn không bị dịch”. Hộ gia đình ông Hồ Văn Hưng, chị Hoàng Thị Mơ là những gương điển hình phát triển kinh tế sau khi gia nhập Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi lợn và thủy sản ở xã Hưng Nghĩa.

Mô hình Tổ hội nghề nghiệp chế biến nước mắm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trực thuộc Chi hội Nông dân khối 7, phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay vốn 550 triệu đồng để sản xuất và kinh doanh. Đến nay có 20 hộ sản xuất và chế biến nước mắm trong khối, hoạt động theo quy chế của tổ đề ra. Tại hội chợ thương mại, gian hàng nước mắm của tổ hội nghề nghiệp nước mắm được đánh giá cao, được nhiều khách mua về làm quà tặng. Bác Võ Hồng Thạch, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chế biến nước mắm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm Chi hội Nông dân khối 7, phường Nghi Thủy chia sẻ: “Các hội viên tuân thủ quy chế hoạt động, có như vậy sản phẩm nước mắm ở đây mới có thương hiệu. Từ khi tham gia tổ hội nghề nghiệp, nước mắm của gia đình chúng tôi được nhiều người biết đến. Thu nhập gia đình tôi khá hơn nên đã mở rộng quy mô sản xuất”.

Chúng tôi được biết, trong năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An sẽ giao các chỉ tiêu cụ thể để các mô hình của chi, tổ hội hoạt động có hiệu quả hơn. Vì vậy, hội nông dân các huyện cần quan tâm, tạo mọi điều kiện cho chi, tổ hội tại địa phương có hướng đi cụ thể, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế./.

Bài và ảnh: BẬT HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chi-to-hoi-nghe-nghiep-giup-nong-dan-614171