Chỉ thị 40 của Ban Bí thư giúp hơn 2 triệu hộ thoát nghèo

Chỉ thị 40 của Ban Bí thư (năm 2014) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội giúp hàng triệu hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (giữa) chỉ đạo, chủ trì Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư tại Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Chỉ thị 40 đi vào cuộc sống

Sáng 15/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với chính sách xã hội. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức.

Có thể khẳng định, chính sách tín dụng xã hội là một trụ cột quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo.

Theo tổng hợp của Ban Kinh tế Trung ương, trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 91 nghìn tỷ đồng so với năm 2014.

Bên cạnh đó, nguồn vốn được các địa phương ủy thác để cho vay tăng gần 15,7 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40.

Thông qua đó, trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn, trong đó có hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững; xây dựng trên 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 142 nghìn căn nhà tình nghĩa...

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, thông qua việc thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, đã xuất hiện nhiều mô hình cách làm hay, qua đó góp phần làm tốt công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới.

Không những thế, nguồn vốn ngân sách dành cho giảm nghèo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, xã hội, giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Ít có mô hình thành công như Việt Nam

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, nhấn mạnh: Lãi suất vay thấp, cơ chế xử lý rủi ro rõ ràng, minh bạch đã thể hiện rõ tính ưu việt tín dụng chính sách xã hội, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa góp phần giảm tín dụng đen ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, góp phần xây dựng tổ chức chính trị, cơ sở vững mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Phúc.

Từ thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, số hộ dân tộc thiểu số được vay vốn để phát triển kinh tế ngày càng tăng lên (đã có 1,4 triệu hộ dân tộc thiểu số được vay vốn chính sách xã hội). Truyền thống của người dân đồng bào các dân tộc thiểu số là “không có thì xin và vay thì trả”, nên tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội rất thấp so với các ngân hàng khác.

Ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia trưởng Thị trường Tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ: “Mô hình tính dụng dành cho phát triển, còn gọi là tín dụng chính sách xã hội với sự hỗ trợ của Chính phủ là mô hình đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên mô hình thành công và bền vững cho đến nay không nhiều. Một trong số các tổ chức đã thành công đó có Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, hiện đang là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và là một trong những ngân hàng cung cấp tài chính vi mô lớn nhất Châu Á”.

Ông Alwaleed Fareed Alatabani, Chuyên gia trưởng Thị trường Tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Cũng theo Chuyên gia trưởng Thị trường Tài chính, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, có được sự thành công này là nhờ Việt Nam đã nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và tìm ra hướng đi riêng phù hợp với văn hóa, lịch sử và cấu trúc xã hội Việt Nam.

Do đó đã thiết lập được mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền với ngân hàng và tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 trong thời gian tới. Đó là tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội; nâng cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, cùng người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, đẩy lùi tín dụng đen.

Qua đó, tích cực huy động nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn thu hồi nợ quay vòng để tập trung giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là việc cho vay để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, góp phần tích cực tạo việc làm, ổn định xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở mỗi địa phương và cả nước.

Minh Phúc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chi-thi-40-cua-ban-bi-thu-giup-hon-2-trieu-ho-thoat-ngheo-d268495.html