Chạy đua sản xuất hydrogen xanh tại châu Á

Ngày càng nhiều công ty quốc tế đổ vốn vào châu Á để xây dựng các điểm sản xuất khí hydrogen xanh để bắt kịp xu thế sử dụng loại khí này trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất thép và ô-tô.

Tàu chở khí hydrogen hóa lỏng đậu tại một bến thử nghiệm tại Kobe (Nhật Bản). Ảnh: Nikkei

Cuộc đua thiết lập các cơ sở sản xuất khí hydrogen xanh đang nóng lên tại châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều doanh nghiệp lớn trong khu vực và của phương Tây đang bắt tay triển khai những dự án lớn sản xuất hydrogen, loại khí không màu, không mùi, không vị, không hóa chất và được nhiều người nhìn nhận như một nguồn năng lượng thế hệ mới.

Hướng về châu Á

Tập đoàn đa quốc gia Orsted (Hà Lan), nhà sản xuất điện gió trên bờ lớn nhất thế giới, đang “thẳng tiến” thị trường châu Á - Thái Bình Dương, bên cạnh nhiều “ông lớn” khác là các đại gia dầu mỏ phương Tây. Nhu cầu về hydrogen xanh - loại khí hydro không làm phát thải khí carbon dioxide (CO2) trong quá trình sản xuất - đang tăng mạnh trên toàn cầu khi nhiều nơi dùng nó để sản xuất điện. Mặc dù châu Âu đang dẫn đầu trong lĩnh vực này và năng lượng tái tạo cũng phổ biến khắp châu lục này nhưng châu Á được đánh giá sẽ là thị trường bùng nổ tiếp theo của hydrogen xanh. “Chúng tôi ban đầu tập trung vào châu Âu. Song, trong tương lai gần, chúng tôi muốn chiếm được thị trường này ở châu Á”, ông Per Kristensen, người phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Orsted nói.

Năm ngoái, Orsted thỏa thuận hợp tác với nhà sản xuất thép POSCO (Hàn Quốc) về dự án điện gió trên bờ. Hai công ty cũng khởi động nghiên cứu đánh giá tính khả thi của việc sản xuất hydrogen xanh, và kế hoạch cung cấp một loại “thép hydrogen” (dùng hydrogen thay than đá trong sản xuất thép). Orsted đang vận hành một công ty tại Đan Mạch hoạt động trong lĩnh vực dùng điện gió phân tách các phân tử nước để sản xuất hydrogen xanh. Sau khi triển khai nhiều dự án, chủ yếu ở Biển Bắc, Orsted muốn vận dụng vốn liếng chuyên môn vào thị trường châu Á.

Song, Orsted cũng sẽ phải đối mặt với những đối thủ đáng gờm khác bởi nhiều “gã khổng lồ” dầu mỏ phương Tây cũng đang chăm chút cho thị trường tiềm năng này. Tập đoàn BP (Anh) trở thành cổ đông lớn nhất tại dự án khổng lồ Trung tâm năng lượng tái tạo châu Á của Úc sau khi đầu tư tới 40,5% cổ phần tại đây. Với kế hoạch sản xuất tới 1,6 triệu tấn hydrogren xanh/năm, tập đoàn đa quốc gia của Anh kỳ vọng giành được khoảng 10% thị phần này của thế giới.

Tương tự, tập đoàn đa quốc gia Chevron (Mỹ) đang hợp tác với hãng dầu lửa Pertamina (Indonesia) và Keppel Corporation (Singapore) để cùng đánh giá tiềm năng sản xuất hydrogen xanh bằng năng lượng địa nhiệt tại Đông Nam Á với kỳ vọng sản xuất 80.000 - 160.000 tấn khí/năm trong tương lai.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng khẩn trương nắm bắt cơ hội. Hãng Mitsui & Co. lên kế hoạch đầu tư 28% cổ phần tại dự án sản xuất hydrogen xanh tại Úc do một chi nhánh của tập đoàn điện lực Engie (Pháp) sở hữu, dự kiến bắt đầu hoạt động năm 2024. Công ty Mitsubishi Corporation cũng nối gót khi hợp tác với công ty Pertamina và các công ty khác để khởi động cơ sở sản xuất hydrogen tại Nhật Bản.

Để hydrogen ngày càng rẻ

Hydrogen đang được sử dụng trong ngành công nghiệp lọc, tinh chế dầu mỏ và nhiều mục đích khác. Tuy nhiên, việc sử dụng loại khí này để tạo ra năng lượng dự kiến sẽ tăng dần trong tương lai khi xu hướng phi carbon hóa ngày càng phát triển toàn cầu.

Tại châu Á, nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp sản xuất, nhu cầu sử dụng hydrogen trong các ngành công nghiệp luyện thép và ô-tô hiện cũng tăng cao. Theo báo cáo của Hội đồng Hydrogen gồm hơn 150 công ty đa quốc gia và hãng tư vấn McKinsey & Company (Mỹ), tổng nhu cầu hydrogen của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đạt 285 triệu tấn vào năm 2050, chiếm 43% tổng nhu cầu toàn cầu.

Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hydrogen lớn nhất thế giới, cũng đang nhắm tới mục tiêu trở thành nước đi đầu về sản xuất hydrogen xanh. Các dự án quy mô lớn đang được triển khai, trong đó có dự án xây dựng nhà máy sản xuất hydrogen công suất 20.000 tấn/năm do công ty dầu mỏ nhà nước Sinopec quản lý.
Giới quan sát cho rằng, việc mở rộng quy mô sản xuất hydrogen xanh tại châu Á - Thái Bình Dương về lâu dài sẽ giúp giá loại khí này giảm dần. Theo Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế, dự kiến tới năm 2050, giá 1kg hydrogen sẽ giảm xuống còn khoảng 0,70 USD. Trong khi đó, giá hydrogen hiện ở mức 2,50 USD/kg ở Nhật Bản.

Thực tế, nếu chi phí sản xuất hydrogen ở một nước cao hơn phí này ở những nước khác thì sẽ kéo theo hệ lụy là làm giảm tính cạnh tranh cho ngành công nghiệp sản xuất của nước đó. Để tránh tình huống này, các doanh nghiệp công và tư tại Đức đang hợp tác dự án chung quốc gia để sản xuất hydrogen giá rẻ và nhiều doanh nghiệp thỏa thuận mua chung để hạ giá thành.

TRẦN ĐẮC LUÂN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202212/chay-dua-san-xuat-hydrogen-xanh-tai-chau-a-3933616/