Châu Âu có quyết tâm thoát Mỹ?

Đại diện của châu Âu tuyên bố, các biện pháp trừng phạt của Mỹ là trái luật lệ quốc tế, là vô ích và sẽ phản tác dụng.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của châu Âu là ông Josep Borrell mới đây bày tỏ sự lo ngại về việc Mỹ ngày càng áp dụng biện pháp trừng phạt hoặc đe dọa đối với các công ty châu Âu tiến hành hoạt động hợp pháp. Ông gọi chính sách đó là phản tác dụng.

Lấy ví dụ, ông chỉ ra việc Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt vô lý đối với Iran, Cuba, Tòa án Hình sự Quốc tế và gần đây hơn là đưa ra những lệnh cấm vận không thể hiểu nổi đối với dự án Dòng chảy phương Bắc-2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - tờ Le Figaro viết.

“Tôi rất quan ngại rằng Mỹ đang ngày càng phải dùng đến các biện pháp trừng phạt hoặc đe dọa trừng phạt đối với các doanh nghiệp và lợi ích của châu Âu” - ông Josep Borrell nói.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của châu Âu lưu ý rằng, xu hướng này liên quan đến Iran, Cuba, Tòa án Hình sự Quốc tế và gần đây là Dòng chảy phương Bắc-2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Tác giả bài báo nhớ lại, khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đe dọa sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn việc vận hành đường ống dẫn dầu “Dòng chảy Phương Bắc” (Nord Stream 2) giữa Nga và Đức, chính quyền Berlin đã kịch liệt lên án động thái này.

Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt các nước châu Âu vì các dự án với Nga

Giới lãnh đạo Đức cho biết, dự án này cung cấp nguồn khí đốt giá rẻ cho Đức và các nước Bắc Âu, Đông Âu. Nó là một thỏa thuận có lợi cho cả Nga, Đức và Liên minh châu Âu. Dự án này đơn thuần là vì lợi ích kinh tế không hề mang động cơ chính trị như những cáo buộc của Mỹ.

Một vấn đề khác là dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” cung cấp khí đốt của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Dự án này được khai trương hồi tháng 1 năm nay bởi hai vị Tổng thống Putin và Erdogan.

Turkstream đã cung cấp khí đốt giá rẻ cho Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và các nước Nam Âu, Trung Âu, giúp giải bài toán an ninh năng lượng cho các nước này. Thế nhưng, dự án này cũng bị áp đặt lệnh trừng phạt nặng nề.

Le Figaro dẫn lời nhà ngoại giao cho biết, về nguyên tắc, Liên minh châu Âu phản đối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt của các nước thứ ba đối với các doanh nghiệp châu Âu đang thực hiện các hoạt động hợp pháp.

Ngoài ra, EU coi việc áp dụng các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ là trái với luật pháp quốc tế.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, Liên minh châu Âu là cộng đồng chung có tính độc lập tự chủ, chính sách của châu Âu phải được xác định bởi châu Âu, chứ không phải ở các quốc gia khác. Mỹ không thể áp đặt những nguyên tắc của mình cho châu Âu, đặc biệt là nó lại trái với luật pháp quốc tế.

Ông cũng khẳng định rằng, mặc dù có những khác biệt về chính sách đối với Mỹ, nhưng Liên minh châu Âu luôn sẵn sàng đối thoại. Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra dưới sự đe dọa trừng phạt. Châu Âu sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chau-au-co-quyet-tam-thoat-my-3414828/