Châu Á sẽ 'kiên cường' trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai

Theo các chiến lược gia, mặc dù các khu vực trên thế giới phải hứng chịu làn sóng thứ hai của Covid-19, nhưng tác động tiêu cực đến kinh tế châu Á có thể được 'hạn chế' vì khu vực này vẫn phục hồi.

“Tôi nghĩ rõ ràng châu Á sẽ có khả năng phục hồi khi đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai tại các thị trường phát triển ở phương Tây”, theo Dan Fineman, đồng trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu khu vực châu Á Thái Bình Dương tại ngân hàng Thụy Sĩ cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC hôm thứ Ba (27/10).

Mỹ đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trong những ngày gần đây, trong khi một số quốc gia ở châu Âu cũng đang chứng kiến một đợt gia tăng đột biến khác.

“Chúng ta cần xem xét sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng đã xảy ra ở phương Tây kể từ khi đại dịch Covid bắt đầu. Mặc dù chi tiêu cho dịch vụ đã giảm ở một số quốc gia khi đại dịch tấn công, nhưng chúng tôi đã thấy sự thay đổi của mô hình tiêu dùng từ dịch vụ sang hàng hóa và điều đó đã giúp xuất khẩu của châu Á cải thiện trong những tháng gần đây”, Dan Fineman cho biết.

“Cho đến khi sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng ở phương Tây tiếp tục dịch chuyển từ dịch vụ sang hàng hóa, thì thiệt hại thực sự đối với châu Á từ làn sóng lây nhiễm thứ hai ở phương Tây có thể khá hạn chế”, ông cho biết thêm.

Fineman cũng nói rằng, có một số quốc gia đáng đầu tư vào do cách họ quản lý tốt đại dịch và đã chọn Hàn Quốc là “lựa chọn hàng đầu”.

“Họ đã xử lý đại dịch khá tốt và họ không thực sự gặp nhiều vấn đề trong nước về đại dịch, đồng thời triển vọng cho lĩnh vực xuất khẩu của nước này cũng đã được cải thiện”, ông nói.

Fineman cũng khuyến nghị các quốc gia khác như Úc và Singapore, những quốc gia mà ông nói có “nguy cơ tương đối thấp về đại dịch”.

“Chúng tôi sẽ tìm cách xoay trục sang các nền kinh tế có nguy cơ cao hơn, bị ảnh hưởng nặng nề hơn như Hồng Kông hoặc Thái Lan, những nơi đã phải hứng chịu nhiều hơn từ đại dịch nếu chúng tôi nhận được tin tốt về các thử nghiệm vắc xin giai đoạn ba”, ông nói.

“Nhưng sẽ có rủi ro đối với nợ doanh nghiệp nếu không có một gói kích thích nào khác ở Mỹ”, Tai Hui, Chiến lược gia thị trường châu Á tại JPMorgan Asset Management cảnh báo.

Sự không chắc chắn vẫn bao trùm Nhà Trắng và không rõ liệu đảng Cộng hòa có thể đạt được thỏa thuận kích thích với đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử hay không.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với CNBC hôm thứ Hai (26/10) rằng, các cuộc đàm phán đã chậm lại, nhưng lưu ý rằng chúng vẫn đang tiếp diễn.

Ông Tai cho biết, nếu nền kinh tế toàn cầu dần dần phục hồi vào năm tới, nó sẽ có lợi cho các tài sản của thị trường mới nổi cũng như nợ của các công ty Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực lợi suất cao.

“Nếu nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi vào năm 2021, 2022, điều đó có nghĩa khả năng hoạt động tốt hơn của các thị trường mới nổi. Bạn có khả năng nhận được một đồng USD yếu hơn, đây thường là tin tốt cho các tài sản của thị trường mới nổi, cho dù đó là trái phiếu hay cổ phiếu”, ông Tai cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chau-a-se-kien-cuong-trong-lan-song-lay-nhiem-covid-19-thu-hai-post253685.html