Chấp nhận mất hơn 300 tỷ đồng, một ngân hàng vẫn khó thanh lý nợ xấu

Thị trường bất động sản 'đóng băng', nhiều ngân hàng khó khăn trong việc thu hồi nợ bằng bán tài sản đảm bảo, thậm chí một ngân hàng chấp nhận mất hơn 300 tỷ đồng để thanh lý nợ xấu.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục có thông báo bán đấu giá lần thứ 17 khoản nợ của CTCP Thép Việt Nhật. Theo BIDV, tổng dư nợ của Thép Việt Nhật tính đến ngày 23/5/2022 là 447 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 194 tỷ đồng, dư nợ lãi là 253 tỷ đồng.

Trong lần thứ 17 rao bán đấu giá của doanh nghiệp thép này, BIDV đưa ra mức giá khởi điểm chỉ hơn 114,6 tỷ đồng, không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có). Mức giá này giảm 26 tỷ đồng so với con số đưa ra hồi tháng 1/2023 và thấp hơn rất nhiều so với dư nợ gốc.

Ngân hàng BIDV vẫn đang mắc kẹt với khoản nợ 447 tỷ đồng của CTCP Thép Việt Nhật

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là 2 bất động sản tại Hải Phòng, gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại thửa số 187 có địa chỉ số 159 Bạch Đằng và toàn bộ tài sản gắn liền với đất tại Nhà máy cán Km 9 quốc lộ 5 tại Quán Toan, Hồng Bàng, Hải Phòng.

Ngoài ra, tài sản thế chấp cho khoản vay này còn bao gồm nhiều ôtô như xe Toyota Camry GLI, xe Mercedes E240, Toyota Hiace và hàng loạt thiết bị chuyên dụng phục vụ công trình.

Trong đợt đấu giá đầu tiên vào cuối tháng 4/2022, BIDV đưa ra mức khởi điểm cho khoản vay này lên tới hơn 440 tỷ đồng. Như vậy, sau khoảng 9 tháng, giá khởi điểm của khoản nợ đã giảm hơn 325 tỷ đồng.

Tương tự, Vietinbank vừa thông báo lần thứ 13 bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Phương Nam Nhi. Tài sản gồm quyền sử dụng đất tại thửa đất tại thôn Ái Mộ, xã Bồ Đề (Gia Lâm, TP Hà Nội).

Lần đấu giá này, VietinBank đưa ra giá khởi điểm là 20,3 tỷ đồng, chỉ bằng 22% giá trị khoản nợ (đến ngày 14/5/2023 là 93,5 tỷ đồng). Thậm chí giá khởi điểm còn thấp hơn cả dư nợ gốc (24,7 tỷ đồng).

Đại diện VietinBank cho hay, nếu như năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất… thì năm 2023, rủi ro lớn nhất của các ngân hàng là rủi ro tín dụng, rủi ro nợ xấu, buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023 tại nhiều ngân hàng, nợ xấu tăng mạnh. Điển hình là tại BIDV, trong 3 tháng đầu năm, nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng hơn 40% lên 24.730 tỷ đồng. Trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 127%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 59% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 13%.Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 1,19% lên 1,59%.

Trong khi đó, nợ xấu Vietcombank tính đến thời điểm ngày 31/3/2023 cũng tăng mạnh hơn 27% so với hồi cuối năm 2022, lên 9.942 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%.

Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tính tới cuối tháng 2 năm nay, nợ xấu toàn hệ thống đã ngấp nghé mức 3%, cao gấp đôi cuối năm 2021. Nợ xấu gộp toàn hệ thống đã lên tới mức 5%.

Nguyên nhân nợ xấu gia tăng được các chuyên gia Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lý giải do sự "đóng băng" của thị trường bất động sản và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và người vay tiền có xu hướng yếu đi trong môi trường lãi suất cao, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.

Nhóm phân tích cho rằng các ngân hàng có thể ghi nhận các khoản nợ xấu tăng nhanh trong năm nay, áp lực trích lập dự phòng cao dần về nửa cuối năm.

"Nhóm các ngân hàng có rủi ro ở thời điểm hiện tại các đơn vị có tỉ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao cũng như có tỉ lệ bao phủ nợ xấu thấp", báo cáo của VCBS nêu.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/chap-nhan-mat-hon-300-ty-dong-mot-ngan-hang-van-kho-thanh-ly-no-xau-1092793.html