Cha mẹ hãy đối xử công bằng với con cái

Xin cha mẹ đừng để sau lưng mình là những đứa con phải sống trong tổn thương, ngờ vực hay bất hòa vì đất cát, mà hãy để lại một gia tài khác, gia tài của sự công bằng, của niềm tin và sự thấu hiểu.

Sinh được hai người con trai, gia đình ông Ba và bà Hà, ở một khu dân cư ven thành phố, bấy lâu vẫn được hàng xóm xem là mẫu gia đình văn hóa, hạnh phúc với kinh tế ổn định, con cái học hành thành tài, mặc dù hai ông bà đều có xuất phát điểm từ thuần nông với mấy sào ruộng quanh năm canh tác cây lúa, củ khoai, bắp ngô.

Suốt bao năm, hàng xóm, dân làng đều học tập tấm gương của gia đình ông bà, noi theo trong việc phát triển kinh tế gia đình cũng như nuôi dạy con cái.

Các con của ông bà không học hành sao được, khi chỉ với mấy sào ruộng khoán, kết hợp với chăn nuôi, vậy mà ông bà đã đưa kinh tế gia đình từ chỗ thiếu đói, tới đủ ăn, rồi khấm khá, có bát ăn bát để. Khi các con đến tuổi cắp sách tới trường thì cũng là lúc kinh tế đã vững vàng nên được ông bà chu cấp đủ đầy, nên hai đứa học rất khá. Hai cậu con trai của ông bà đều tốt nghiệp đại học và ra trường xin đi làm, đều có thu nhập cao.

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Thế nhưng, khuôn mẫu gia đình được xem là “thần tượng” trong mắt bàn dân thiên hạ bỗng sụp đổ từ khi hai người con trai xây đựng gia đình và ra ở riêng trên cùng một mảnh đất mà ông bà chia cho họ. Gia đình nhà bà Hà, ông Ba cứ dăm hôm, ba ngày lại cãi vã om xòm khiến hàng xóm điếc tai, nhức óc. Nhiều hôm các cuộc “kịch chiến” diễn ra vào ban đêm đã làm hàng xóm mất ngủ… Chuyện gia đình vang xa ra cả xóm, ai cũng biết nguyên nhân của những mâu thuẫn dẫn tới bùng phát cãi vã đó chính là đất đai, tiền bạc mà “thủ phạm” chính gây ra là do ông bà mà ra!

Vâng, chẳng là mảnh đất nhà ông bà nằm sát đường quốc lộ sẽ mở trong tương lai gần, mà quy hoạch đã cắm mốc chỉ giới, lên giá rất nhanh, người mua từ bên nội thành sang khảo sát hỏi mua khá nhiều! Mảnh đất rất rộng, gần ngàn mét vuông, vì thế nếu bán tất sẽ được nhiều chục tỷ đồng. Vì có hai con, ông bà tính chia cho mỗi đứa một mảnh để xây nhà dựng cửa, phần còn lại ông bà sẽ bán đi để dưỡng già. Khi chia đất cho các con, hai ông bà đều thống nhất chia cho thằng cả 400 mét vuông, thằng út được 300 mét vuông, còn khoảng hơn 200 mét vuông còn lại là phần của ông bà. Khi nhận được sự phân chia như vậy, con trai cả của ông bà thì không có ý kiến gì, thế nhưng con út và vợ thì nhất mực ra mặt phản đối, cãi lại, phàn nàn ông bà không công bằng, nhất bên trọng, nhất bên khinh… và không chịu. Khi thấy cậu út phản đối, cả ông Ba và bà Hà giải thích:

- Anh mày là trưởng, phải lo toan cúng giỗ, phải lo nhiều công to việc lớn khi cái gì cũng “đổ” lên đầu thằng trưởng, vì thế bố mẹ chia cho nó phần hơn là ý đó…

Nghe bố mẹ nói vậy, anh út vặc lại ngay:

- Không thể như thế được! Con nào chẳng là con, trưởng-thứ như nhau…

Nghe thấy em mình tị nạnh và có những lời xấc láo xúc phạm tới bố mẹ và mình, cậu trưởng đã lớn tiếng, quát:

- Mày láo vừa thôi, bố mẹ là người có quyền trong chuyện này. Mày không có quyền đòi hỏi và tị nạnh với tao…

Sau bao cuộc cãi vã, rồi dàn xếp của họ hàng…, qua việc chia đất đai ấy, dẫu vợ chồng con út của ông bà phải miễn cưỡng chấp nhận, thế nhưng từ đó tình cảm anh em, con cái giữa ông bà, đã không còn gì, khi cậu út tuyên bố cắt đứt hết quan hệ với cả bố mẹ và anh trai. Thi thoảng, do vẫn uất ức vì phải chịu phần thua thiệt, cậu út đã gây gổ với chính ông bà, không chỉ hỗn láo gọi ông bà bằng mày, tao, mà còn vác mồm chửi lại chính những người đã đẻ ra mình. Với ông anh trai, thì có bữa còn vác dao sang tận nhà để lùa đuổi đòi chém, may mà có hàng xóm can ngăn không thì đã có án mạng xẩy ra.

Câu chuyện gia đình mất đoàn kết dẫn đến từ nhau, coi nhau như kẻ thù chỉ vì tiền bạc, đất đai của gia đình bà Hà, ông Ba trên đây cũng không phải là hiếm trong xã hội ngày nay; mà khá nhiều gia đình cũng bị rơi vào hoàn cảnh như vậy, khi chỉ vì bố mẹ chia tài sản cho các con không công bằng. Giá như mà bà Hà và ông Ba nói riêng, cũng như nhiều các bậc làm cha làm mẹ khác, có cách chia công bằng cho các con, rồi giữ số gia sản còn lại trước khi khuất bóng mới di chúc lại cho con nào tùy ý mình, thì đâu đến nỗi rơi vào thảm cảnh cha mẹ, con cái, anh em “cắt đứt” từ mặt nhau…(?!)

Trong giáo lý nhà Phật, sự công bằng không chỉ là vấn đề vật chất, mà còn là tâm bình đẳng, ý nguyện không thiên lệch và tình thương có trí tuệ.

Khi cha mẹ sống với tâm ngay thẳng, biết đặt mình vào vị trí của mỗi người con, thì lời nói và hành động đều sẽ nuôi lớn niềm tin và sự hài hòa trong gia đình. Ngược lại, nếu để tình thương thiên lệch, vật chất chia không đều, thì dù có nhiều của cải cũng không giữ được cái quý nhất - tình thân ruột thịt.

Xin cha mẹ đừng để sau lưng mình là những đứa con phải sống trong tổn thương, ngờ vực hay bất hòa vì đất cát, mà hãy để lại một gia tài khác, gia tài của sự công bằng, của niềm tin và sự thấu hiểu.

Của cải rồi sẽ hết, nhưng nghĩa tình được giữ lại bằng tâm công chính sẽ mãi mãi là phúc đức lớn nhất mà cha mẹ để lại cho con.

Tác giả: Lê Thị Kết

Địa chỉ: Ngõ 15, đường Đa Lộc, thôn Bầu, xã Thiên Lộc, Tp.Hà Nội

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/cha-me-hay-doi-xu-cong-bang-voi-con-cai.html