Câu trả lời của Mỹ cho máy bay ném bom tàng hình H-20 Trung Quốc

Nếu máy bay ném bom tàng hình H-20 của Trung Quốc có thể làm thay đổi chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc; thì Mỹ cũng có chiến lược đáp trả bằng cách bố trí các căn cứ và hạm đội của Mỹ trên khắp Thái Bình Dương.

Vào tháng 10/2018, truyền thông Trung Quốc thông báo rằng, Lực lượng Không quân Trung Quốc (PLAAF) sẽ công khai máy bay ném bom chiến lược tàng hình H-20 mới của họ (mô hình), trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng không quân vào năm 2019.

Hiện nay chỉ có ba quốc gia có đủ điều kiện cần thiết và nguồn lực, để phát triển các máy bay ném bom chiến lược khổng lồ, có thể tấn công các mục tiêu trên toàn cầu, đó là Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Máy bay ném bom chiến lược có ý nghĩa lớn đối với Trung Quốc, vì Bắc Kinh coi việc thống trị nửa phía tây của Thái Bình Dương, là điều cần thiết cho an ninh của nước này, do lịch sử xâm lược hàng hải và thách thức mà Mỹ đặt ra nói riêng.

Hiện hai siêu cường Mỹ-Trung được ngăn cách bởi Thái Bình Dương; trong thế kỷ trước, Mỹ đã phát triển mạng lưới căn cứ quân sự trên các đảo như Guam, Hawaii, các căn cứ ở nhiều quốc gia Đông Á và các siêu tàu sân bay; giúp Mỹ xóa nhòa yếu tố về khoảng cách.

Trung Quốc hiện chỉ có duy nhất loại máy bay ném bom H-6, đây là phiên bản sao chép của máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô, được phát triển từ những năm 1950; gần đây H-6 đã được nâng cấp với hệ thống điện tử hàng không hiện đại, khả năng tiếp nhiên liệu trên không và sử dụng tên lửa hành trình.

Nhưng dù có là phiên bản H-6K hay H-6J, đây vẫn chỉ là một chiếc máy bay ném bom tầm trung, khả năng mang tải cũng như tầm bay hạn chế, không thể tiếp cận đến lãnh thổ Mỹ.

Trung Quốc đã cân nhắc phát triển một máy bay ném bom siêu thanh, giống như B-1 của Mỹ hoặc Tu-160 của Nga, được gọi là JH-XX, có thể mang theo khối lượng bom lớn, bay ở tốc độ cao và độ cao thấp, đồng thời có tính năng tàng hình một phần, để cải thiện một chút khả năng sống sót.

Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy đã được coi là quá dễ bị tổn thương, đối với các máy bay chiến đấu hiện đại và hệ thống phòng không vào cuối thế kỷ XX. Một trang bìa tạp chí Trung Quốc đã đưa ra một hình ảnh khái niệm của JH-XX vào năm 2013, nhưng dự án dường như đã bị gác lại cho đến nay.

Khi nền kinh tế phát triển và tham vọng của Trung Quốc bước qua thời kỳ "náu mình chờ thời", PLAAF thay đổi cách tiếp cận, một cách tham vọng hơn, đó là phát triển một cánh bay tàng hình, có tốc độ cận âm, nhưng có tầm bay xa như B-2 của Mỹ và sắp tới là B-21 Raider.

Việc Trung Quốc phát triển công nghệ máy bay tàng hình như J-20 và J-31, là tiền đề rõ ràng cho dự án H-20. Một số thông tin về H-20 được tiết lộ, đó là thiết kế kiểu "cánh bay", sử dụng bốn động cơ tuốc bin trục WS-10A Taihang không đốt sau.

H-20 dự kiến sẽ có bán kính chiến đấu tối đa, mà không cần phải tiếp nhiên liệu, vượt quá 5.000 hải lý và trọng tải vũ khí tương đương máy bay ném bom B-2 của Mỹ (khoảng 23 tấn).

Với tầm bay như vậy, H-20 đủ sức để tấn công các mục tiêu ngoài "chuỗi đảo thứ hai", bao gồm các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, Guam, Philippines, và các mục tiêu ở "chuỗi đảo thứ ba", kéo dài đến Hawaii và ven biển Australia, từ các căn cứ trên đất liền Trung Quốc.

Phương pháp tốt nhất để Trung Quốc có thể vô hiệu hóa sức mạnh không quân của Mỹ, là tiêu diệt máy bay Mỹ trên mặt đất (hoặc boong tàu sân bay), đặc biệt là trong những giờ đầu của cuộc chiến.

Mặc dù tên lửa đạn đạo chống hạm và máy bay ném bom H-6, có thể góp phần vào việc tiến công trên với các tên lửa tầm xa, nhưng chúng rất dễ bị phát hiện và đánh chặn. Nhưng nhờ khả năng tàng hình, H-20 có thể tiếp cận gần hơn các tàu sân bay cũng như các căn cứ không quân và phóng tên lửa, khiến lực lượng phòng thủ có quá ít thời gian để phản ứng.

H-20 cũng sẽ có khả năng mang vũ khí hạt nhân, hoàn thiện miếng ghép cuối cùng bộ ba răn đe chiến lược là tàu ngầm, tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược, có khả năng mang vũ khí hạt nhân cho Trung Quốc.

Việc bổ sung máy bay ném bom tàng hình, cũng sẽ góp phần nâng cao khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc, bằng cách bổ sung một phương thức tấn công hạt nhân mới, khó ngăn chặn, mà hệ thống phòng thủ của Mỹ chưa được thiết kế để chống lại.

Các nhà phân tích dự báo, chuyến bay đầu tiên của H-20 sẽ diễn ra vào đầu những năm 2020, với việc sản xuất có thể bắt đầu vào khoảng năm 2025. Nhưng đến lúc này, H-20 chỉ là những video được dựng trên máy tính; các nhà phân tích tự hỏi, đây có phải là chương trình "thực sự nghiêm túc" của Trung Quốc?

Tham vọng của Bắc Kinh, về một chiếc máy bay ném bom chiến lược tàng hình như phân tích ở trên, là điều không phải bàn cãi, vì H-20 sẽ đóng vai trò như một biện pháp răn đe chiến lược, đối với các đối thủ; nhưng tất cả vẫn ở trong vòng bí mật.

Nếu H-20 được đánh giá là có thiết kế đáng tin cậy, Lầu Năm Góc sẽ phải tính đến ý nghĩa chiến lược về khả năng vũ khí tàng hình của Trung Quốc, và triển khai các công nghệ chống tàng hình, mà trước đây, hầu hết chỉ được Nga và Trung Quốc triển khai.

Và Mỹ đã có chiến lược nào để "vượt trên ngăn chặn", đối với máy bay ném bom tàng hình H-20 của Trung Quốc, trong một cuộc xung đột Mỹ-Trung? Chiến lược đáp trả tốt nhất, là bố trí các căn cứ và hạm đội của Mỹ trên khắp Thái Bình Dương, để tổ chức tấn công bất ngờ vào các địa điểm chứa máy bay tàng hình của Trung Quốc. Nguồn ảnh: Pinterest.

Máy bay ném bom H-6 - loại máy bay ném bom chiến lược duy nhất và già cỗi nhất Không quân Trung Quốc. Nguồn: Sina.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/cau-tra-loi-cua-my-cho-may-bay-nem-bom-tang-hinh-h-20-trung-quoc-1554792.html