Câu chuyện nhỏ trong Hành trình Đỏ (Bài 3): 'Nguồn sống' từ những người xa lạ

Không ồn ào, không rực rỡ, hành trình hiến máu của hàng ngàn người vẫn âm thầm như suối nguồn chảy giữa cuộc đời. Ở đó, mỗi giọt máu là một sự sẻ chia, mỗi lần cho đi là một nghĩa cử vị nhân sinh và đằng sau đó là vô số câu chuyện nhỏ mà ấm áp đến vô cùng. Những câu chuyện như thế - dung dị nhưng chan chứa tình người đã và đang góp phần viết nên hành trình nhân ái mang tên 'hiến máu cứu người', làm sáng lên những giá trị sống đẹp trong cộng đồng.

Bị bệnh tan máu bẩm sinh, chị Hoàng Thị Toản vẫn sống khỏe mạnh, vui tươi nhờ nguồn máu hiến của những người giàu lòng nhân ái. (Ảnh: NVCC).

Bị bệnh tan máu bẩm sinh, chị Hoàng Thị Toản vẫn sống khỏe mạnh, vui tươi nhờ nguồn máu hiến của những người giàu lòng nhân ái. (Ảnh: NVCC).

Năm nay 40 tuổi, cũng là bằng đó thời gian chị Hoàng Thị Toản ở xã Triệu Sơn sống bằng những giọt máu hồng mà mọi người chia sẻ. Khi mới sinh ra, chị Hoàng Thị Toản cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến khi được 3 tuổi, chị có biểu hiện thường xuyên mệt mỏi, da xanh xao, vàng vọt kéo theo những cơn đau và cơ thể chậm phát triển. Gia đình đưa đi khám, bác sĩ kết luận bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia - một căn bệnh di truyền về máu). Khi được các bác sĩ tư vấn điều trị, cả gia đình đã rất sốc, không nghĩ con có cơ hội sống sót bởi quá trình điều trị là cả đời, gắn với loại “thuốc” đặc biệt không được bán ở bất kỳ quầy thuốc nào mà chỉ cơ thể con người mới sản sinh ra được - máu. Dù gia đình lúc đó hoàn toàn suy sụp trước tin dữ, nhưng với tình yêu của bố mẹ dành cho, chị đã chọn cách không từ bỏ.

Thời gian đầu, để đủ số máu điều trị, người thân trong gia đình đã lần lượt xếp hàng để “quay vòng” hiến máu cho Toản. Cơ thể cô bé Toản lúc ấy, nếu không được truyền máu và thải sắt định kỳ sẽ nguy hiểm đến tính mạng và có nguy cơ sưng to các nội tạng, biến dạng cơ thể... Cũng từ đó, cuộc sống của Toản gắn liền với bệnh viện, với những đợt truyền máu, thải sắt dài ngày.

Từ ấu thơ đến nay, khi đã là một phụ nữ trung niên, thời gian chị Toản sống trong bệnh viện cũng bằng với thời gian ở nhà bởi thường xuyên phải truyền máu. Trung bình mỗi đợt, chị Toản phải nằm viện từ 12 đến 13 ngày, mỗi lần phải truyền từ 4 đến 5 đơn vị máu. Số lần được truyền máu không thể đếm hết, đồng nghĩa với không thể thống kê số lần chị được hồi sinh nhờ nguồn máu hiến chạy trong cơ thể. Để sau 4 thập kỷ, mọi sinh hoạt hàng ngày của chị vẫn diễn ra như một người bình thường.

Những bệnh nhân đang điều trị bệnh Thalassemia cùng chị Toản. (Ảnh: NVCC).

Những bệnh nhân đang điều trị bệnh Thalassemia cùng chị Toản. (Ảnh: NVCC).

Chị Toản xúc động cho biết: “Đến giờ, chính bản thân tôi và gia đình nhiều khi vẫn ngỡ đang mơ, không tin vào “kỳ tích” của bản thân, tôi sống được bằng ấy năm hoàn toàn nhờ vào nguồn máu hiến của những con người giàu lòng nhân ái, sẻ chia những giọt máu hồng của mình vì người bệnh. Tôi đã sống được nhờ những giọt máu nghĩa tình đó. Sâu thẳm trong trái tim, tôi luôn ghi ơn những người thân trong gia đình, bạn bè và đặc biệt là những người chưa một lần biết mặt, biết tên nhưng đã chia sẻ những giọt máu hồng để những người bệnh như chúng tôi có cơ hội sống, có được cuộc sống tốt đẹp hôm nay. Mỗi giọt máu trao đến cho người bệnh chính là trao sự sống và cả niềm hy vọng”.

Sâu thẳm trong trái tim, tôi luôn ghi ơn những người thân trong gia đình, bạn bè và đặc biệt là những người chưa một lần biết mặt, biết tên nhưng đã chia sẻ những giọt máu hồng để những người bệnh như chúng tôi có cơ hội sống, có được cuộc sống tốt đẹp hôm nay. Mỗi giọt máu trao đến cho người bệnh chính là trao sự sống và cả niềm hy vọng...

Hơn 40 năm sống chung cùng bệnh tật, cùng những biến chứng như tiểu đường, suy tim, áp xe gan, viêm đa khớp,... chị Toản đã học cách thích nghi, và hơn thế nữa, học cách sống lạc quan, yêu thương và không ngừng hy vọng. Bệnh tật dạy chị biết trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống, dù là nhỏ nhất. Và nếu ai hỏi chị có ước mơ gì, Chị Toản nói rằng: “Tôi ước có một cuộc đời khỏe mạnh và tự lập - được mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, có một công việc để tự lo viện phí, và bớt gánh nặng cho mẹ già gần 80 tuổi”. Nghe thì giản dị, nhưng đó là cả một bầu trời khát vọng, chị Toản luôn tin rằng: một cuộc sống khỏe mạnh là nền tảng cho mọi điều tốt đẹp. Khi ta khỏe mạnh, ta có thể yêu thương, cho đi và cống hiến nhiều hơn - không phải điều gì to lớn, mà chỉ là những điều tử tế nhỏ bé, cũng đủ để sưởi ấm lòng người.

Những đơn vị máu hiến tặng không chỉ duy trì sự sống của một người, mà còn tạo ra một sinh mệnh mới, một hy vọng mới. Song, không phải lúc nào việc truyền máu cũng thuận lợi với tất cả những người bệnh, trong hàng trăm đợt truyền máu đó, không ít lần chị Toản hoặc nhiều người bệnh khác phải chờ máu. Việc phải chờ máu, truyền máu cầm chừng khiến người bệnh cùng mệt mỏi, không còn sức sống, nguy hiểm tính mạng. Vì thế, không có cách nào khác, bệnh viện phải “tiết kiệm” điều trị.

Cháu Lê Đăng Khôi (8 tuổi), quê ở xã Giao An mặt xanh như tàu lá, tay dính chặt vào chiếc kim truyền máu. Đôi tay gầy nhỏ của Khôi đã phải dính vào cái kim tiêm to tướng ấy từ lúc 2 tuổi.

Khôi bị thiếu máu do mắc bệnh tan máu bẩm sinh: Hồng cầu sẽ vỡ theo thời gian do đột biến gen. Căn bệnh quái ác này sẽ không bao giờ chữa khỏi và cách điều trị duy nhất là phải truyền máu, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi tháng một lần, hai mẹ con Khôi lại lặn lội hơn 100 cây số từ xã Giao Thiện (huyện Lang Chánh cũ, nay sáp nhập vào xã Giao An) xuống Bện viện Nhi Thanh Hóa để tiếp máu 10 ngày.

Gia đình tôi luôn coi những tình nguyện viên hiến máu là ân nhân dù có người chúng tôi có dịp gặp gỡ để nói lời cảm ơn, có người chúng tôi chưa một lần được biết mặt. Họ đã lặng lẽ trao đi sự sống mà không cần hồi đáp.

Nhưng xuống viện vẫn phải chờ, vì nguồn máu khan hiếm. Mẹ Khôi phải đăng thông tin lên mạng xã hội xin các tình nguyện viên hiến máu cho con. Bởi nếu không được hiến máu kịp thời, các xương mặt, xương hàm và hộp sọ của Khôi sẽ có nguy cơ bị đứt gãy và trở nên biến dạng.

Chị Phạm Liên, mẹ cháu Đăng Khôi, xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi luôn coi những tình nguyện viên hiến máu là ân nhân dù có người chúng tôi có dịp gặp gỡ để nói lời cảm ơn, có người chúng tôi chưa một lần được biết mặt. Họ đã lặng lẽ trao đi sự sống mà không cần hồi đáp”.

Chị Hoàng Thị Toản và một người bạn cùng hoàn cảnh nhận giải thưởng một cuộc thi viết về bệnh tan máu bẩm sinh, truyền cảm hứng cho những người bệnh khác. (Ảnh: NVCC).

Chị Hoàng Thị Toản và một người bạn cùng hoàn cảnh nhận giải thưởng một cuộc thi viết về bệnh tan máu bẩm sinh, truyền cảm hứng cho những người bệnh khác. (Ảnh: NVCC).

Xã hội hiện đại với nhịp sống bộn bề nhưng không vì thế mà nhạt phai tình người. Trong sự trao - nhận đó, một sợi dây thâm tình đã được hình thành tạo nên những mối nhân duyên tốt đẹp, góp phần làm cho cuộc sống thêm thắm tươi, ý nghĩa.

Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền. Mỗi thể bệnh là do bất thường tổng hợp một loại chuỗi globin. Có hai thể bệnh chính là alpha thalassemia và beta thalassemia; ngoài ra có các thể phối hợp khác như thalassemia và bệnh huyết sắc tố.

Các bác sỹ khuyến cáo: Để phòng bệnh tan máu bẩm sinh, sinh ra thế hệ trẻ khỏe mạnh, các bạn trẻ và những người trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động xét nghiệm, tầm soát gen bệnh càng sớm càng tốt.

Minh Hà

Bài 4: Nơi tình yêu bắt đầu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cau-chuyen-nho-trong-hanh-trinh-do-bai-3-nguon-song-tu-nhung-nguoi-xa-la-254097.htm