Cảnh buồn mẹ già nông thôn: Con dâu không chào một tiếng!

Bà Thi tâm sự, dù có bị con dâu coi thường nhưng ông bà vẫn phải chịu đựng, bỏ qua để gia đình được ấm êm.

Nhiều gia đình mẹ chồng, con dâu như nước với lửa nhưng cũng có rất nhiều mẹ chồng vô cùng tâm lý với con dâu. Đáng tiếc, đôi khi những ứng xử chưa khéo léo của con dâu đã khiến không khí gia đình thêm nặng nề.

Ngày 15/10, phóng viên báo Đất Việt có buổi tìm hiểu suy nghĩ của người già về mối quan hệ với con dâu.

Bà Nguyễn Thị Vệ (83 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) kể, do chồng bà mất sớm nên bà chỉ sinh được 2 người con, 1 trai 1 gái. Tuy nhiên, từ khi người con trai lấy vợ rồi đến lúc có con, cuộc sống của bà không có ngày nào được thanh thản, nhẹ lòng.

"Tưởng rằng, thời buổi bây giờ, con cái được học hành tử tế sẽ có thái độ chừng mực và biết đối nhân xử thế với mẹ, thế mà thực tế lại hoàn toàn khác. Càng trẻ, càng có học thì lại càng giở thói. Hễ mẹ có nói câu nào không đúng là bắt bẻ từng câu, từng chữ, vặn vẹo đủ kiểu. Người già chúng tôi thấy gì nói đấy, không được văn hay chữ tốt như tuổi trẻ bây giờ nên không biết nói khéo đâu", bà Vệ tâm sự.

Theo bà Vệ, kinh tế gia đình bà thuộc diện khó khăn ở thôn, xóm nên từng bữa ăn hàng ngày cũng phải tính toán sao cho hợp lý. Ngoài vườn bà trồng được rau gì thì ăn rau đó, còn thịt, cá hôm nào vợ chồng con trai bà mua gì thì bà ăn nấy.

"Ở cái tuổi này răng yếu nên buổi sáng tôi muốn được ăn bát cháo cho dễ nuốt nhưng không phải sáng nào con dâu cũng dậy sớm đi mua cho tôi được. Cứ sáng ra là tôi phải ăn tạm cái gì để uống thuốc thấp khớp nên chẳng mấy khi được ăn quà sáng.

Có lần tôi nói với con dâu về việc này nhưng con dâu tôi trách mẹ không thương các con, các cháu. Chúng nó đi làm, đi học cả ngày mệt nên cần phải ngủ để có sức khỏe tiếp tục ngày mới. Từ đấy tôi cũng không dám ý kiến gì nữa, đành ngậm ngùi ăn cơm hoặc pha bát mỳ tôm ăn tạm bữa sáng", bà Vệ tâm sự thêm.

Khi bị con cái coi thường, bà Thi chỉ mong muốn có nhiều tiền vào trung tâm chăm sóc người cao tuổi để được dưỡng già ở đó.

Cũng giống hoàn cảnh của bà Vệ, bà Nguyễn Thị Thi (75 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, mặc dù đã ở tuổi mắt mờ, chân chậm nhưng ngày nào ông bà cũng phải trông cháu nội hơn 1 tuổi để vợ chồng con trai út đi làm.

Điều khiến bà Thi phải suy nghĩ là thái độ của con dâu với bố mẹ và anh chị em nhà chồng. Bà Thi kể: "Nhiều hôm tôi và ông nhà ngồi ăn cơm trong bếp nhưng con dâu đi làm về chỉ gọi con, đón con, không hề hỏi bố mẹ 1 tiếng.

Chúng tôi thấy chạnh lòng lắm chứ. Hàng ngày trông con cháu cho các con đi làm mà nhận lại là sự thờ ơ, vô tâm của con. Có khi nào con dâu không thích tôi ở điểm gì nên mới thái độ thế không nhỉ? Không chỉ với tôi mà với các con gái của tôi mỗi lần về quê thăm nhà là con dâu cũng tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với chị em lắm".

Bà Thi cho biết thêm, từ ngày có con dâu, giữa bà và con dâu rất ít khi tâm sự với nhau. Nhiều hôm thấy con dâu làm việc, bà bế cháu ra đó kể lể chuyện cháu ở nhà thế nào nhưng con dâu bà cũng không muốn đáp lại hoặc hỏi thêm câu nào về con. Cứ thế, càng ngày mối quan hệ của ông bà với con dâu càng trở nên xa lạ.

"Có hôm vợ chồng chúng nó cãi nhau, con dâu là người rất ngang bướng và sai lè lè nhưng vẫn gân cổ để cãi tay bo với chồng nó. Là người ở giữa, tôi chẳng còn cách nào khác là phải can con trai bớt nóng giận để cho êm cửa êm nhà. Nói thật, những lúc như thế, nếu không có vợ chồng tôi ở nhà thì vợ chồng chúng nó đánh nhau to. Con trai tôi là người nóng tính nhưng cũng chiều vợ lắm, chỉ khi nào con dâu quá quắt quá nó mới quát mắng vợ con", bà Thi kể thêm.

Nói về niềm mơ ước của mình, bà Thi cho biết, lắm lúc bà chỉ mong có nhiều tiền để ông bà tìm đến một viện dưỡng lão hay trung tâm chăm sóc người cao tuổi nào đó để dưỡng già. Chỉ có ở những nơi đó, ông bà mới có thời gian chăm sóc và tận hưởng tuổi già.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/canh-buon-me-gia-nong-thon-con-dau-khong-chao-mot-tieng-3367448/