Cảnh báo tai biến sản khoa

Với trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng được nâng cao, Bệnh viện Sản - Nhi (BVSN) tỉnh đã điều trị thành công nhiều ca tai biến sản khoa nguy hiểm.Tai biến sản khoa ngày càng nhiều

Giữa tháng 3/2024, BVSN tỉnh tiếp nhận thai phụ Lê Thị Yến Nhi (32 tuổi), ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) mang song thai hơn 35 tuần, nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, nôn ói, huyết áp tăng cao, đau đầu, hai chân phù nề nặng. Sau khi hội chẩn, các y, bác sĩ Khoa Sản xác định, bệnh nhân bị tiền sản giật nặng, đe dọa sản giật dẫn đến biến chứng HELLP.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Minh thăm, khám, kiểm tra sức khỏe sản phụ Lê Thị Yến Nhi sau mổ.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Minh - Trưởng khoa Sản (BVSN tỉnh) cho biết, HELLP là bệnh lý gây rối loạn về chức năng gan và tán huyết, giảm tiểu cầu, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Vỡ gan, suy thận, băng huyết trong khi sinh, nhau bong non, phù phổi cấp, suy hô hấp nguy cơ tử vong thai nhi. Vì vậy, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định mổ lấy thai đối với trường hợp của thai phụ Lê Thị Yến Nhi. Sau mổ, sức khỏe của mẹ và 2 bé song sinh đều ổn định.

Ngày 19/3/2024, sản phụ Đinh Thị Nú (25 tuổi), mang thai gần 39 tuần, ở xã Sơn Cao (Sơn Hà), sau khi sinh thường tại BVSN tỉnh khoảng 2 giờ thì có dấu hiệu choáng, mệt và bị băng huyết. Các y, bác sĩ Khoa Sản đã can thiệp kịp thời, nhờ vậy tình trạng băng huyết của sản phụ được cải thiện nhanh chóng, sức khỏe ổn định.

Sản phụ Lê Thị Yến Nhi, ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) dần ổn định sức khỏe sau ca sinh mổ.

Theo thống kê của BVSN tỉnh, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận ngày càng nhiều các ca tai biến sản khoa. Trong đó, phổ biến nhất là tiền sản giật, sản giật và băng huyết sau sinh. Đây là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé. Năm 2022, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 13 ca băng huyết sau sinh, thì năm 2023 tăng lên 74 ca. Năm 2022, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 31 ca tiền sản giật và sản giật, thì năm 2023 tăng lên 52 ca.

Không chủ quan

Bác sĩ Nguyễn Xuân Minh khuyến cáo, trong số 5 tai biến sản khoa thường gặp nhất là băng huyết, uốn ván rốn, nhiễm trùng sau sinh, sản giật và vỡ tử cung, thì tai biến sản khoa băng huyết và sản giật đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Tai biến sản khoa có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào của thai kỳ, là biến chứng trầm trọng với sản phụ và trẻ sơ sinh. Tình trạng này có thể xảy ra trong lúc mang thai, trong lúc chuyển dạ, thậm chí trong thời gian hậu sản (6 tuần sau sinh).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tai biến sản khoa, song nguyên nhân thường gặp nhất là sản phụ có các bệnh lý nền như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp; sản phụ mang thai khi đã lớn tuổi, hoặc từng phẫu thuật lấy thai, từng sẩy thai, nạo phá thai; sản phụ đã sinh đẻ nhiều lần... Cùng với đó, việc sản phụ ít thăm khám khi mang thai cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc phát hiện nguy cơ tai biến sản khoa không kịp thời.

Tất cả các tai biến sản khoa đều nguy hiểm, nên tuyệt đối không chủ quan. Để đề phòng tai biến sản khoa, trong quá trình mang thai, phụ nữ mang thai cần thường xuyên thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ cao và được bác sĩ tư vấn kỹ để chuẩn bị cho hành trình “vượt cạn” diễn ra mẹ tròn con vuông. Đồng thời, khi có một trong các dấu hiệu như mệt mỏi, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, ra máu âm đạo, đau bên sườn hoặc khó thở, hai chân phù nề... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/suc-khoe/202403/canh-bao-tai-bien-san-khoa-d831250/