Cẩn trọng với không gian hồ Tây

Hồ Tây sắp tới có thể trở nên sôi động hơn khi TP Hà Nội cho phép nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí, trong đó có kinh doanh sân tập golf trên mặt nước.

Những loại hình kinh doanh dịch vụ trên nằm trong quy định quản lý và khai thác hồ Tây vừa được UBND TP Hà Nội ban hành. Theo đó, thành phố cho phép 10 loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí trên khu vực hồ Tây. Cụ thể là, dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy như thuyền, ca-nô, mô tô nước, xe đạp nước… (không lưu trú qua đêm); dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; sân tập golf trên mặt nước; hoạt động bơi thuyền, ca-nô, xe đạp nước, lướt ván, ván buồm; tổ chức các lễ hội truyền thống, giải đua thuyền; hoạt động bơi, lặn; xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh Hồ Tây; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu và bay dù lượn.

Việc có thêm nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí được phép tổ chức ở khu vực hồ Tây giúp người dân và du khách có thêm những trải nghiệm thú vị là một điều được ghi nhận, có thể tạo điểm nhấn du lịch, giúp thu hút thêm du khách tới thắng cảnh nổi tiếng ở thủ đô này nói riêng, TP Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, kinh doanh, tổ chức dịch vụ sao cho không làm cho hồ Tây bị ô nhiễm, cảnh quan được giữ gìn lại là điều vẫn còn những băn khoăn, lo lắng.

Hồ Tây, với diện tích gần 530 ha và chu vi khoảng 15 km, không chỉ là hồ tự nhiên lớn nhất mà còn chứa đựng nhiều giá trị lớn của Hà Nội. Nghiên cứu trước đây cho thấy hệ thủy sinh vật tại hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài, với 72 thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc, giun...).

Hồ Tây trước đây có một số dịch vụ kinh doanh như: nhà nổi, du thuyền, đạp vịt... Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dịch vụ này nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết về môi trường, cảnh quan. Tới năm 2017, TP Hà Nội đã yêu cầu chấm dứt kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản của các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý hồ Tây, trong đó có tàu du lịch. Tuy nhiên, đến năm 2023, việc di dời toàn bộ tàu du lịch khỏi hồ Tây mới hoàn tất.

Thế nên, việc nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ có thể xuất hiện ở khu vực hồ Tây đã làm trỗi dậy những lo lắng trước đây. Việc phát triển du lịch, dịch vụ ở hồ Tây có thể thu hút thêm du khách và mang lại nguồn thu, nhưng cũng bảo đảm không gây ô nhiễm cũng như ảnh hưởng tới không gian hồ và mỹ quan của thắng cảnh này.

Trong quy định quản lý và khai thác hồ Tây, TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan phải bảo đảm phục vụ lợi ích cộng đồng, giữ gìn cảnh quan khu vực, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự... Vấn đề là những yêu cầu phải được thực thi mới có thể gìn giữ không gian danh thắng hồ Tây.

Phạm Dương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/can-trong-voi-khong-gian-ho-tay-196240307213144197.htm