Cần thêm thiết chế phục vụ người lao động

Hiện lực lượng lao động tại Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu người, trong đó có đến 60% lao động nhập cư. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp Công đoàn, sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp (DN), đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động (NLĐ) đã được cải thiện đáng kể so với trước đây.

Con công nhân lao động được tạo điều kiện học tập ở Trường mầm non Những Bông Hoa Nhỏ do Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) xây dựng

Dù vậy, thực tế cho thấy, đến nay, mức thu nhập bình quân của NLĐ bao gồm cả tiền lương tối thiểu cùng với thu nhập làm thêm giờ, tiền lương khoán sản phẩm, tiền phụ cấp… nhìn chung vẫn còn thấp so với mặt bằng sinh hoạt chung. Kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở cũng như các thiết chế phục vụ đời sống của NLĐ tại các khu công nghiệp (KCN) đặt ra ngày càng bức thiết. Tỉnh, các cấp Công đoàn, DN đang nỗ lực tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp, đề xuất cách làm nhằm hỗ trợ NLĐ.

* Nhu cầu bức thiết

Chị Lê Thị Lưu, công nhân tại KCN Amata chia sẻ: “Vợ chồng tôi từ Nghệ An vào Đồng Nai mưu sinh. Tôi làm công nhân may, còn chồng tôi làm thợ hồ, thu nhập thấp, không được ổn định lại phải nuôi 3 con nhỏ. Cuộc sống sinh hoạt thường ngày hầu như đều khó khăn, chật vật, nay lại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên lại càng khó khăn. Mong ước lớn nhất của vợ chồng tôi là các cấp, các ngành tạo điều kiện để được mua một căn nhà giá cả phải chăng; có nơi gửi con an toàn, tiết kiệm thay vì các nhóm trẻ tư nhân để cuộc sống ổn định, bớt khó khăn hơn” - chị Lưu bộc bạch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết, Đồng Nai là tỉnh có nhiều KCN và đông công nhân lao động, để phục vụ và chăm lo tốt đời sống NLĐ, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thiết chế Công đoàn sớm được triển khai. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng thiết chế Công đoàn ở H.Trảng Bom, tỉnh xúc tiến xây dựng thêm một thiết chế Công đoàn nữa tại H.Nhơn Trạch để phục vụ người lao động.

Chị Lưu cho biết thêm, cũng vì thu nhập thấp nên hầu hết NLĐ xa quê đang sống trong các khu nhà trọ điều kiện không được đảm bảo lại tốn kém chi phí. Vì vậy, với mong muốn có căn nhà rộng rãi, sạch sẽ và tiết kiệm được tiền thuê trọ nên hiện nay có rất nhiều công nhân đành liều mua đất giá rẻ để làm nhà. Nhưng từ khi bắt đầu xây dựng đến khi vào ở đều lo lắng, bởi đất giá rẻ chủ yếu là đất phân lô bán nền trái phép trên đất nông nghiệp hoặc đất quy hoạch… có thể bị cưỡng chế dỡ bỏ bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, chị Đỗ Thị Vân, công nhân làm việc tại KCN Long Bình bộc bạch: “Tôi từ Thái Bình vào Đồng Nai làm công nhân đến nay đã được hơn 2 năm. Ngoài những giờ làm việc ở công ty, tôi hầu như chỉ ở phòng trọ rồi lại đi làm. Một phần vì thời gian không có nhiều, một phần cũng không có nhiều địa điểm vui chơi, giải trí gần KCN để chúng tôi dễ dàng lui tới”.

Có thể thấy rằng, nhu cầu về nhà ở xã hội, trường mầm non, các công trình phục vụ đời sống văn hóa tinh thần… của công nhân là rất lớn, trong khi đó, hiện nay, các dự án nhà ở xã hội, các thiết chế phục vụ công nhân lại chưa nhiều, mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu.

Đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn, nhu cầu về nhà ở xã hội và các công trình phục vụ đời sống văn hóa tinh thần đang đặt ra bức thiết. Trong ảnh: Công nhân sinh hoạt trong một căn nhà trọ ở P.Long Bình, TP.Biên Hòa

Nói riêng về thiết chế Công đoàn, hiện toàn tỉnh chỉ có một thiết chế Công đoàn là Nhà sinh hoạt văn hóa thể thao và tổ chức sự kiện tại trụ sở Công đoàn KCN Biên Hòa, được hoàn thành vào cuối năm 2018. Đây là công trình được Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phê duyệt kinh phí từ nguồn kết dư của Công đoàn KCN Biên Hòa, với khoảng hơn 9 tỷ đồng. Công trình được xem là thiết chế Công đoàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ nên thời gian qua, công trình này mới chỉ phục vụ được một số hoạt động như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của một bộ phận NLĐ trên địa bàn các KCN Biên Hòa.

Trong khi đó, thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCN, khu chế xuất, thời gian qua, tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nỗ lực triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn tại H.Trảng Bom. Đây là tổ hợp công trình phục vụ NLĐ, trong đó có nhà ở và có các công trình dịch vụ phúc lợi Công đoàn như: siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa đa năng, công trình văn hóa, thể thao ngoài trời để phục vụ công nhân lao động. Tuy nhiên, theo LĐLĐ tỉnh, đến nay, việc xây dựng thiết chế Công đoàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách nên tiến độ xây dựng chậm hơn so với kế hoạch đề ra.

* Kiến nghị cơ chế linh hoạt

Thời gian qua, xác định nhu cầu về nhà ở xã hội, trong đó phần lớn là đối tượng NLĐ nhập cư tăng cao. Để góp phần ổn định đời sống NLĐ, hiện tỉnh đang tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Theo đó, trong năm 2020, tỉnh dự tính kêu gọi đầu tư 7 dự án nhà ở xã hội tại các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Các dự án trên có tổng diện tích hơn 22ha và số căn nhà sẽ xây dựng khoảng 5,5 ngàn căn.

Trong khi đó, LĐLĐ tỉnh cho biết, các cấp Công đoàn cũng tiếp tục đề xuất nhiều biện pháp để từng bước giải quyết vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, thiết chế văn hóa, đặc biệt là tại các KCN tập trung…

Chia sẻ tại một hội nghị gần đây, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, trăn trở trước tình trạng thiếu thiết chế Công đoàn phục vụ NLĐ, cùng với thiết chế Công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư đang được triển khai tại H.Trảng Bom, với đặc thù là tỉnh có số lượng công nhân lao động rất lớn tập trung tại nhiều KCN, cụm công nghiệp ở nhiều địa phương, LĐLĐ tỉnh đã và đang kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tạo điều kiện cho LĐLĐ tỉnh cơ chế linh hoạt trong xây dựng các thiết chế Công đoàn để có thể xây dựng thêm nhiều công trình nhỏ thiết thực ở nhiều địa phương phục vụ công nhân lao động.

Về phía các DN, thời gian gầy đây, nhận thức được việc xây dựng các công trình như: trường mầm non, ký túc xá… phục vụ công nhân góp phần giúp tình hình lao động tại DN ổn định, ngoài những công trình đang có, nhiều DN đang tiếp tục xây dựng thêm nhiều công trình ý nghĩa. Có thể kể đến như, ngoài trường mầm non tại xã Hiệp Phước trị giá 5 tỷ đồng, Công ty TNHH Hwaseung Vina (H.Nhơn Trạch) đang tiếp tục đầu tư thêm một trường mầm non khác tại xã Long Thọ trị giá 3 tỷ đồng. Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (H.Nhơn Trạch) cũng đang có chủ trương đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trường mầm non cho con công nhân tại xã Hiệp Phước. Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) đang có dự định sẽ xây dựng trường mầm non phục vụ con công nhân trong thời gian tới…

Thảo Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202007/can-them-thiet-che-phuc-vu-nguoi-lao-dong-3014272/