Cần thay đổi cách thức làm luật (Tiếp theo và hết)

LTS: Từ ngày 22 đến 25-5, Báo Quân đội nhân dân đăng vệt 4 bài 'Nâng cao chất lượng lập pháp' của nhóm tác giả Phú Thọ-Chiến Thắng. Vệt bài đã khái quát thực trạng công tác lập pháp hiện nay; những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong công tác lập pháp, nêu rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục trong từng giai đoạn của quy trình lập pháp. Sau khi vệt bài được đăng, Báo Quân đội nhân dân nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia pháp luật và bạn đọc. Chúng tôi trân trọng trích đăng một số ý kiến.

*Ông NGUYỄN VĂN PHA, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:

Cơ quan thẩm tra có vai trò quan trọng nhất

Vệt bài "Nâng cao chất lượng lập pháp" của Báo Quân đội nhân dân bao quát tất cả giai đoạn của quá trình xây dựng luật, từ khi dự kiến xây dựng luật cho đến khi thông qua, đi vào cuộc sống.

Theo tôi, cái cần thiết nhất hiện nay, dư luận cũng rất mong muốn và trong vệt bài cũng đã nêu, đó là làm sao nâng cao tính khả thi của luật. Đây cũng là vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm. Tôi thấy, vai trò cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra dự án luật là quan trọng số 1. Thẩm định của Bộ Tư pháp chủ yếu là về tính hợp hiến, hợp pháp. Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra có tính định hướng rất cao, nhiều đại biểu chủ yếu dựa vào báo cáo thẩm tra để phát biểu ý kiến. Nếu cơ quan thẩm tra làm việc không tốt, đưa ra những khuyến nghị không chuẩn sẽ dễ dẫn dắt đại biểu đưa ra quyết định có thể ảnh hưởng đến chất lượng của luật sau này. Trong khi ĐBQH ở ta có tính đại diện rất cao, rất đa dạng, hội tụ đủ đại diện của các ngành, giới, dân tộc, độ tuổi, không phải ai cũng có chuyên môn về luật pháp. Vì vậy, nhiều ĐBQH không có điều kiện nghiên cứu sâu, nhất là ở những lĩnh vực đặc thù. Cho nên tôi nhấn mạnh vai trò của cơ quan thẩm tra là quan trọng nhất.

Luật phải đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Mà thực tiễn thì luôn luôn có thay đổi. Đây cũng là lý luận của các nhà nghiên cứu mang tính kinh điển. Cho nên đòi hỏi luật ổn định lâu dài, theo tôi là không có. Quốc hội phải mạnh dạn, thấy luật ban hành không phù hợp là phải sửa. Hiện nay có một số đại biểu nói ý là luật vừa ban hành xong lại sửa. Nhưng sửa mà tốt cho xã hội thì cứ sửa, kể cả sửa 1, 2 điều vẫn cứ sửa, không ngại gì cả. Điều đó là bình thường, luật phải đáp ứng được sự thay đổi của thực tiễn.

*Luật sư TRẦN VĂN ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật Trường Sa:

Cần có bộ phận soạn thảo luật chuyên trách

Tôi rất đồng tình với quan điểm của các tác giả trong vệt bài “Nâng cao chất lượng lập pháp” đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Có thể thẳng thắn nhìn nhận rằng, khi đất nước ta hội nhập, một số quan hệ xã hội mới nảy sinh, mà luật của Việt Nam chưa dự liệu trước được các tình huống sắp xảy ra và sẽ xảy ra để điều chỉnh, luôn phải chạy theo sau để sửa đổi nên không đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Nguyên nhân là ở nước ta hiện chưa có bộ phận soạn thảo luật chuyên trách theo đúng nghĩa. Trên thực tế có không ít luật vừa được thông qua đã phải sửa đổi vì không phù hợp thực tế, thậm chí có luật phải sửa trước khi có hiệu lực thi hành. Điều bất cập nữa là nhiều trường hợp cơ quan tố tụng áp dụng luật chưa nghiêm dẫn đến oan sai, gây bức xúc trong dư luận, đòi hỏi cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những người thực thi pháp luật làm sai hoặc không đáp ứng được nhiệm vụ.

Để nâng cao chất lượng lập pháp, theo tôi cần thành lập một bộ phận soạn thảo luật chuyên trách có trình độ chuyên môn cao, am hiểu nhiều lĩnh vực, có khả năng dự liệu trước các mối quan hệ nảy sinh trong cuộc sống khi soạn thảo luật. Đồng thời, cần giao nhiệm vụ và quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu bộ phận này. Trong trường hợp, bộ phận này làm tốt nhiệm vụ cần có các hình thức khen thưởng, biểu dương; còn nếu không làm tốt, xảy ra sai sót cần có chế tài xử phạt. Tôi cũng mong rằng các cơ quan báo chí có thêm nhiều bài viết sâu về vấn đề này để các cơ quan thẩm quyền có thể dựa vào đó nhìn nhận được những điểm yếu để khắc phục, thế mạnh để phát huy.

*Luật sư TẠ ĐỨC NHẬT (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Để luật ban hành đi vào cuộc sống

Sau khi đọc vệt bài “Nâng cao chất lượng lập pháp” đăng trên Báo Quân đội nhân dân, tôi thấy các tác giả đã có những phân tích rất chính xác với những góc nhìn đa chiều. Đồng thời, những giải pháp được đề cập trong vệt bài là những tài liệu rất quý giá, có tính kịp thời giúp các nhà làm luật có những nhận định chính xác nhất trong quá trình xây dựng, nâng cao chất lượng công tác lập pháp. Qua vệt bài, có thể thấy các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn thiện theo hướng tích cực, quy trình lập pháp đã có nhiều cải tiến, đổi mới song bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn thiếu sự đồng bộ và chậm đi vào cuộc sống, thiếu sự cập nhật, luôn phải chạy theo để sửa đổi...

Với vai trò là một luật sư, tôi thường xuyên phải tiếp cận với những văn bản pháp luật để giải quyết các vụ án, thì việc áp dụng đúng, trúng và đủ các quy định của pháp luật là một điều cực kỳ quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Theo tôi, việc nâng cao chất lượng lập pháp là một điều tiên quyết phải luôn được đặt lên hàng đầu, phải đưa nguyện vọng của đông đảo cử tri vào các đạo luật, tăng cường tiếp xúc cử tri, tiếp nhận thông tin cử tri, hạn chế luật ống, luật khung, quy rõ trách nhiệm đến cùng nếu luật chậm đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng luật, không để xảy ra tình trạng sai sót khi ban hành các văn bản pháp luật. Nếu xảy ra sai sót, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể, trách nhiệm của cơ quan xem sai sót ở khâu nào để rút kinh nghiệm, khắc phục, hoàn thiện hơn nữa công tác xây dựng pháp luật, để luật ban hành là phải đi vào cuộc sống ngay.

*Bà LÊ THỊ YẾN (nhân viên kinh doanh tại Tổng công ty May 10):

Phát huy vai trò của mọi chủ thể xã hội trong xây dựng pháp luật

Tôi rất đồng tình với cách nhìn nhận, đánh giá về thực trạng, chỉ rõ hạn chế cũng như những thành tựu trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp tại Việt Nam mà 4 bài viết trên Báo Quân đội nhân dân đã đề cập. Tôi nhận thấy, công tác lập pháp của nước ta thời gian qua thường xuyên được đổi mới và ngày càng hiệu quả.

Tuy nhiên, một số luật vẫn chưa thực sự bám sát thực tế, nhu cầu của người dân. Tôi đề nghị, các dự án luật cần phải được lấy ý kiến rộng rãi với những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ và phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn của cuộc sống.

Để công tác xây dựng luật đạt hiệu quả hơn, tôi cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo luật cần phát huy vai trò của mọi chủ thể trong xã hội. Như vậy, người dân có thể góp ý, tham gia tích cực vào quá trình đề xuất xây dựng pháp luật. Từ đó, các luật mới thực sự phản ánh nhu cầu trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tôi đồng tình với giải pháp mà Báo Quân đội nhân dân đưa ra, đó là tăng cường vai trò của ĐBQH và đoàn ĐBQH trong công tác lập pháp; nâng cao chất lượng của ĐBQH thông qua tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật… Đồng thời, tạo điều kiện để các ĐBQH tự bổ túc kiến thức chuyên ngành, kiến thức pháp luật.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/can-thay-doi-cach-thuc-lam-luat-tiep-theo-va-het-576339