Cần quy hoạch cho cây hồ tiêu ở Lâm Đồng

Từ đầu năm 2018 tới nay, giá hồ tiêu trên thị trường xuống thấp nhất trong vòng tám năm qua khiến người trồng tiêu tại Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng gặp nhiều khó khăn. Tại Lâm Đồng, hiện nhiều hộ dân đã quyết định dừng mở rộng diện tích, chỉ tập trung thâm canh trên diện tích tiêu hiện hữu để phát triển cây tiêu theo hướng bền vững và hiệu quả.

Thu hoạch hồ tiêu tại xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Trong những năm gần đây, giá hạt tiêu trên thị trường luôn ở mức cao và ổn định nên người dân một số vùng ở Lâm Đồng ồ ạt trồng tự phát, mở rộng diện tích. Cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn Lâm Đồng, gia đình ông Nguyễn Văn Chu ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, hiện có ba ha, trong đó 2,5 ha trồng tiêu xen cà-phê và năm sào tiêu trồng thuần. Ông Chu cho biết, do có thời điểm giá tiêu đạt cao nên gia đình đổ vốn trồng tiêu. Mặc dù hiện nay, giá tiêu xuống thấp nhưng cây tiêu trồng xen cà-phê cho thu hoạch ổn định so với cây cà-phê, nên gia đình ông vẫn duy trì cây tiêu mà không mở rộng diện tích.

Còn ông Trần Công Phương, thôn Hiệp Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng có một ha trồng hồ tiêu nói: “Với giá tiêu hiện tại dao động ở mức 62.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí vẫn có lời gấp hai lần so với trồng cà-phê. Hiện các gia đình trồng nhiều tiêu đều chọn không mở rộng diện tích mà tập trung chăm sóc số lượng tiêu hiện có và chờ giá tăng trở lại”.

Là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất của tỉnh với gần 700ha, trong đó, hai xã Tam Bố và Tân Nghĩa, huyện Di Linh có diện tích trồng tiêu lớn nhất huyện và thời gian trồng đã hơn mười năm nay. Hầu hết diện tích tiêu được trồng xen với cây cà-phê là chính, diện tích trồng thuần chiếm khá ít.

Ông Đặng Văn Khá, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, cho biết, mặc dù trên địa bàn huyện, thổ nhưỡng đất đai, khí hậu chưa thật thuận lợi để trồng cây hồ tiêu nhưng các năm trước giá cao nên người dân trồng tự phát nhiều trong khi địa phương chưa có quy hoạch cho cây tiêu. Hiện địa phương đang khuyến cáo người dân phải cân nhắc trong việc chuyển đổi sang trồng tiêu để bảo đảm thu nhập một cách bền vững, đồng thời không mở rộng thêm diện tích, tập trung đi vào thâm canh, tăng năng suất trên diện tích hiện có.

Theo thống kê, diện tích hồ tiêu tại Lâm Đồng khoảng 2.043ha, tăng 13% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 700ha, diện tích trồng mới, chuyển đổi khoảng 433ha, năng suất bình quân hồ tiêu ước đạt 2,75 tấn/ha và sản lượng gần 2.000 tấn/năm.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng nhận định: “Lâm Đồng không khuyến khích người dân trồng thuần cây hồ tiêu, chỉ phát triển trồng xen cây tiêu ở những vùng có những điều kiện về cảnh quan bền vững để bảo đảm diện tích trồng tiêu đem lại hiệu quả. Thứ nhất, lượng mưa ở Lâm Đồng khá lớn so với các tỉnh có điều kiện trồng tiêu phù hợp. Thứ hai, nhiệt độ ở Lâm Đồng thấp, do vậy, nguy cơ chết nhanh, chết chậm sẽ tác động lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây tiêu. Bên cạnh đó, việc canh tác ở điều kiện đất đai không phù hợp có thể dẫn tới thiệt hại kinh tế nghiêm trọng”.

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng không quy hoạch phát triển riêng cho cây hồ tiêu. Chính vì vậy, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích hồ tiêu, tập trung chăm sóc diện tích hồ tiêu hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng cây tiêu. Đồng thời, nên lồng ghép với các chương trình phát triển cây trồng khác theo hướng sản xuất bền vững và hiệu quả.

LÊ GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/36341702-can-quy-hoach-cho-cay-ho-tieu-o-lam-dong.html