Cần làm gì nếu bị đứt dây phanh khi đổ đèo bằng xe máy?

Việc chinh phục các cung đường đèo bằng xe máy là điều mà rất nhiều phượt thủ ao ước. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận với hệ thống phanh, nguy cơ rơi xuống vực rất cao...

Hiện tượng này được hiểu là khi xe của bạn bị mất tác dụng của hệ thống phanh, bóp phanh nhưng lại không giảm tốc độ. Từ đó dẫn đến việc mất kiểm soát chiếc xe khi đang vận hành với tốc độ cao.

Thực tế chỉ ra rằng, khá nhiều vụ tai nạn liên quan đến vấn đề này đã xảy ra. Đâm vào xe đối diện, va vào các lan can chắn ở mép đường ngăn cách với vực sâu hay phi thẳng vào vệ đường gây ra thương tích khá nặng. Nguyên nhân chủ yếu cũng xuất phát từ việc bị đứt phanh.

Tuyệt đối không rà phanh liên tục

Khi bạn đổ đèo, trọng lượng xe và cơ thể người ngồi trên khiến cho xe nặng và có quán tính rất lớn. Tốc độ lao xuống dốc càng ngày càng nhanh. Nhiều người không có kinh nghiệm thường hoảng loạn và bóp phanh chặt nhằm giảm tốc độ. Tuy nhiên cách làm này lại đưa bản thân vào tình thế nguy hiểm, rất dễ gặp tai nạn.

Đổ đèo dưới thời tiết xấu rất là nguy hiểm và nếu chẳng may đứt dây phanh thì hậu quả sẽ khó lường. Ảnh: ST

Tránh rà phanh liên tục vì sẽ khiến phanh bị nóng, má phanh mòn dần rồi dẫn đến mất phanh. Đối với xe số, hãy về số thấp để kết hợp với động cơ giúp giảm tốc độ của xe lại, kèm theo việc nhấp nhả chân phanh hợp lý.

Đối với xe tay ga, bạn không thể thực hiện được điều trên về do cấu tạo của nó. Cách tốt nhất đó là giảm ga xuống mức thấp nhất và bóp phanh liên tục. Tất nhiên cũng tuyệt đối không nên rà phanh liên tục khi đang chạy.

Kết hợp phanh với động cơ xe

Sức hãm của động cơ được xem là "lá bùa hộ mệnh" mà tài xế nên biết cách tận dụng. Để thực hiện điều này, đơn giản chỉ cần giữ tốc độ xe vừa phải, tầm 15-20 km/h, rồi bóp nhẹ phanh và mồi ga.

Cần tận dụng những kỹ năng mà bạn có để bảo vệ tính mạng của mình khi đi phượt. Ảnh: ST

Ngoài ra, hãy nhớ đừng bao giờ tắt máy xe khi đổ đèo. Nhiều người tưởng chừng việc này sẽ giúp họ tiết kiệm kha khá nhiên liệu. Thực tế, nó có thể khiến bạn phải trả giá đắt bởi vì lúc này xe chỉ hoạt động trên 2 bánh. Sức hãm của động cơ không có. Riêng những chiếc tay ga, khả năng mất phanh rất lớn do mất đi trợ lực.

Kiểm tra thật kỹ xe trước chuyến đi

Hãy bỏ ra ít phút để kiểm tra chiếc xe của mình trước mỗi chuyến đi. Xem thử hệ thống phanh thế nào, có mòn hay hư hỏng không. Rồi lốp xe, dầu nhớt, hộp số…tất tần tật về hệ truyền động. Nếu không tự mình làm được, bạn có thể mang ra các tiệm sửa xe để thợ kiểm tra.

An toàn là trên hết, việc kiểm tra kỹ lưỡng xe trước khi đi không phải là thừa. Ảnh: ST

Nếu các bộ phận đã mòn hoặc quá cũ thì tốt nhất nên thay mới. Đừng chỉ vì lười biếng, tiếc rẻ tiền bạc để cố sử dụng thêm mà đánh đổi tính mạng của mình.

Bình tĩnh xử lý tình huống

Hãy cố gắng bổ sung cho mình những kỹ năng cực kỳ quan trọng như lái xe đúng làn, đi theo nhóm, chú ý quan sát tình hình thông qua các biển báo, gương trên đường. Tận dụng tối đa hệ thống còi và đèn xe khi đổ đèo. Tránh ôm cua quá sát mép ngoài, dễ bị lực ly tâm làm té ngã hay vướng do dạt ra ngoài.

Với những phượt thủ chuyên nghiệp, họ luôn được trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân. Ảnh: ST

Nếu là một phượt thủ ưa thích mạo hiểm thì bạn phải có cái đầu lạnh. Cần bình tĩnh khi mất phanh. Tập trung quan sát tình hình phía trước để đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo Long Du/ laodong.vn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-lam-gi-neu-bi-dut-day-phanh-khi-do-deo-bang-xe-may-95503.html