Cận cảnh hàng loạt danh lam, thắng cảnh được 'trình diễn' trên con đường gốm sứ Hà Nội

Con đường gốm sứ Hà Nội vừa được tu sửa sau khi xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nặng gây mất mỹ quan đô thị. Đây là lần tu sửa thứ 3 sau hai lần tu sửa vào năm 2015 và 2017.

Trước đó, tuyến đường này đã gây nhiều tranh cãi với nhiều người dân vì vấn đề xuống cấp cũng như đổi tên gọi vào đầu tháng 6 vừa qua. Theo đại diện đơn vị thi công, hiện nay, công trình tu sửa đã hoàn thiện được 60% đến 70%. Diện mạo mới của công trình cơ bản vẫn theo thiết kế cũ nhưng có thêm nhiều họa tiết mới mang đậm dấu ấn vùng miền và văn hóa Việt Nam.

Con đường gốm sứ là công trình đặc biệt chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Con đường này đã được tổ chức Guiness thế giới công nhận là "bức tranh gốm dài nhất thế giới". Để mở rộng tuyến đường đoạn Âu Cơ-Lạc Long Quân, 600m đường phủ gốm đã được phá dỡ. Tuy nhiên, diện mạo mới khiến nhiều người dân hài lòng. Các địa danh đặc biệt và các công trình kiến trúc văn hóa nổi bật của Việt Nam như nhã nhạc cung đình Huế, áo dài Việt Nam, cầu Thê Húc,… cũng đã được thể hiện bằng chất liệu gốm sứ tạo thành dấu ấn đặc trưng trong nét đẹp đường phố của Việt Nam.

Toàn cảnh con đường gốm sứ vừa được chỉnh sửa. Khác với vẻ nhếch nhác, bong tróc trước đây, con đường gốm sứ mang diện mạo mới mẻ, sáng sủa.

Biểu tượng 1000 năm Thăng Long vẫn được giữ nguyên trên ở trung tâm của tuyến đường cùng các họa tiết trống đồng Đông Sơn được đan cài khéo léo.

Những làng quê Bắc Bộ yên bình được tái hiện khéo léo, sinh động, giàu chất hội họa khiến nhiều người không khỏi "bồi hồi" khi đi qua đoạn đường này.

Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản văn hóa thế giới được tái hiện trang trọng và khéo léo tại một góc của cung đường.

Hình ảnh cối xay gió minh họa được ghép nối từ hàng triệu viên sứ kết hợp với hình ảnh hòa chuối tạo nên sự phối ngẫu về màu sắc và hình ảnh đầy đặc điểm.

Bức tranh gốm trừu tượng với màu sắc rực rỡ gợi liên tưởng đến nhiều nét đặc trưng trong văn hóa, phong tục tự nhiên và các truyền thuyết đặc biệt của người dân Việt Nam.

Những lát cắt của con đường gốm sứ tựa như những bức tranh phong cảnh hoàn chỉnh.

Đi bộ dưới những hành lang gốm sứ khiến người dân như được du lịch khắp Việt Nam qua những bức họa từ hàng triệu mảnh gốm.

Huy Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/can-canh-hang-loat-danh-lam-thang-canh-duoc-trinh-dien-tren-con-duong-gom-su-ha-noi-20200918154259103.htm