Cam kết thuế trong các Hiệp định thương mại tự do phù hợp với năng lực sản xuất trong nước

Cam kết thuế quan trong các Hiệp định Thương mại tự do được xây dựng trên cơ sở phù hợp với năng lực của ngành sản xuất trong nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cam kết thuế quan trong các Hiệp định Thương mại tự do được xây dựng trên cơ sở phù hợp với năng lực của ngành sản xuất trong nước.

Năm 2020 Việt Nam tham gia hai Hiệp định Thương mại tự do (FTA): Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2020 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết ngày 15/11/2020. Như vậy, tính đến ngày 11/12/2020, Việt Nam có 13 FTA đang thực hiện, 01 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực, 01 FTA đã kết thúc đàm phán và 02 FTA đang đàm phán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, để nghiêm túc tuân thủ cam kết thuế quan trong các FTA, Chính phủ đã ban hành 13 Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA áp dụng cho từng giai đoạn. Hiện mức thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại các Nghị định của Chính phủ nêu trên được áp dụng đến hết ngày 31/12/2022.

Các mức thuế suất này được quy định cụ thể cho từng năm theo đúng lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam cam kết tại các FTA. Cụ thể, thuế suất trung bình cam kết trong các FTA giai đoạn 2018-2022 ở mức 3-7%, trong đó cao nhất là trong Hiệp định FTA Việt Nam - Chi - lê và thấp nhất trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.

Theo Bộ trưởng, cam kết thuế được xây dựng trên cơ sở phù hợp với năng lực của ngành sản xuất trong nước. Thuế suất được cắt giảm có lộ trình; một số nhóm mặt hàng đặc biệt có lộ trình cắt giảm thuế dài hơn. Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động tham vấn, tuyên truyền tới các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước để thực hiện hiệu quả cam kết thuế nhập khẩu. Thực tiễn về tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất nhập khẩu hiện cho thấy các doanh nghiệp đã cơ bản hoạt động có hiệu quả trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Bộ trưởng khẳng định: Bộ Tài chính cũng luôn chú trọng tới hệ thống các giải pháp đồng bộ để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, tạo môi trường chính sách thuận lợi, mang tính hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cam-ket-thue-trong-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-phu-hop-voi-nang-luc-san-xuat-trong-nuoc-d18775.html