Cải cách tiền lương đi đôi với nâng cao năng suất lao động

Vấn đề cải cách tiền lương luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tại cuộc họp với Thường trực Chính phủ ngày 28-5-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công nhấn mạnh nguyên tắc: Đi đôi với cải cách tiền lương thì phải đẩy mạnh cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng suất lao động. Báo Hànôịmới ghi nhận nhiều ý kiến xung quanh vấn đề quan trọng này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi:

Tăng lương là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động

Tôi rất tâm đắc quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là muốn thực hiện cải cách tiền lương phải đồng bộ với đẩy mạnh cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng suất lao động. Việc xác định nguyên tắc tiền lương theo giá trị sức lao động trên thị trường là rất cần thiết. Hiện nay, lương của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp nên muốn nâng cao năng suất thì không còn cách nào hiệu quả hơn là tăng lương, coi đó là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu quả công tác.

Do đó, muốn thực hiện được cải cách chính sách tiền lương thì cần phải sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, bộ máy, nhân sự, tinh giản biên chế, sắp xếp, cải cách lại bộ máy hành chính cồng kềnh. Nguồn tiền tiết kiệm được sau khi tinh giản biên chế sẽ bổ sung vào nguồn cải cách chính sách tiền lương. Chẳng hạn, trong hơn 2 năm qua, có 25.000 biên chế ngành Y tế đã được cắt giảm, tiết kiệm 2.100 tỷ đồng cho ngân sách.

Ông Đoàn Văn Oánh, 82 tuổi, 54 năm tuổi Đảng, Chi bộ 8B, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ):

Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự là "công bộc" của dân

Thực tế cho thấy, bộ máy nhà nước tinh gọn, hợp lý sẽ hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển ổn định, bền vững. Do vậy, cải cách chính sách tiền lương, cải cách bộ máy cần được thực hiện đồng bộ cùng với nâng cao nghiệp vụ, chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân.

Theo tôi, cùng với tinh gọn bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức bộ máy cũng phải rõ ràng để tránh hoạt động chồng chéo, trùng lắp giữa các cơ quan, đơn vị. Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và từng cơ quan, tổ chức phải đồng bộ để khắc phục tình trạng làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Từ cải cách tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ được cơ cấu lại, hoạt động hiệu quả hơn, thực sự là "công bộc" của dân.

Đại úy Phạm Tường Bắc, Trợ lý Tham mưu, Ban Chỉ huy quân sự quận Nam Từ Liêm:

Phát huy tối đa năng lực mỗi cá nhân

Mục tiêu của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đề ra là sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của người lao động.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, nước ta phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp về tài chính, ngân sách nhằm tạo nguồn cho cải cách tiền lương; đồng thời đẩy nhanh tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính, từ đó cơ cấu lại nguồn chi từ ngân sách. Việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại vị trí việc làm sẽ phát huy tối đa năng lực mỗi cá nhân, bảo đảm mỗi người có thể làm tốt nhiều việc cùng lúc; mỗi cơ quan, đơn vị sẽ chỉ giải quyết đúng phần việc được giao, tránh tình trạng một đầu việc nhưng có nhiều đầu mối, dẫn đến đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Ông Nguyễn Kim Cương, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy:

Tạo động lực phấn đấu cho người lao động

Tôi đánh giá cao chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp ngày 28-5 vừa qua là cải cách tiền lương phải gắn với cải cách bộ máy. Việc xây dựng bảng lương mới dựa trên vị trí việc làm. Đây là bước đột phá về chính sách tiền lương, yếu tố quan trọng để giảm đầu mối, tăng tối đa hiệu quả làm việc của từng lao động.

Theo đó, cán bộ ở vị trí công tác nào thì được hưởng lương theo đúng vị trí đó, trường hợp bị điều chuyển công tác ở vị trí thấp hơn thì lương cũng bị giảm đi. Điều này sẽ tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng”, trả lương theo bằng cấp mà không rõ hiệu quả công việc; đồng thời tạo động lực phấn đấu cho người lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/969367/cai-cach-tien-luong-di-doi-voi-nang-cao-nang-suat-lao-dong