Các tỉnh khẩn trương phòng dịch cho công nhân và khu công nghiệp

Công tác phòng chống dịch COVID-19 cho công nhân và các khu công nghiệp là nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay, được nhiều tỉnh thành triển khai quyết liệt.

Bình Dương: Tạm phong tỏa 1 công ty liên quan ca nghi nhiễm mới

Ghi nhận trường hợp bệnh nhân nghi mắc COVID-19, có địa chỉ cư trú tại TP.HCM nhưng đang làm việc tại công ty trên địa bàn tỉnh, công tác truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm đang được các lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương khẩn trương thực hiện.

Cụ thể, trường hợp nghi mắc là nữ, sinh năm 1999, làm việc tại Công ty PUKU Việt Nam, địa chỉ đường số 3, khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương. Trước đó, bệnh nhân cảm thấy sức khỏe yếu nên đã xin nghỉ và đi khám bệnh. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 11/6. Hiện người này đang được cách ly tập trung tại Cần Giờ, TP.HCM.

Qua điều tra truy vết, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã lấy mẫu xét nghiệm 52 trường hợp F1 và cách ly tập trung tại Khu cách ly CĐ nghề Việt Nam - Singapore. Tạm thời khoanh vùng, thực hiện cách ly y tế tại công ty và toàn bộ công nhân để tiếp tục truy vết các trường hợp F1, F2. Đồng thời các lực lượng chức năng cũng đã thực hiện phun khử khuẩn khu vực dịch tễ liên quan. Kết quả xét nghiệm các F1, F2 của ca nghi mắc trên đã có 85 mẫu xét nghiệm (78 mẫu đơn, 7 mẫu gộp với 113 người) âm tính với SARS-CoV-2. Ngành y tế đang tiếp tục điều tra truy vết các trường hợp F1, F2 và các điểm dịch tễ liên quan đến ca nghi mắc này.

Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân tại công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ghi nhận nhiều ca COVID-19 trong nhóm công nhân, Tiền Giang xét nghiệm khẩn

Theo thông tin từ tỉnh Tiền Giang, trong sáng ngày 12/6, Bộ Y tế đã công bố 10 trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 mới tại tỉnh này. Đây là các trường hợp tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân BN9754, BN9756.

Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu đã xác định 191 trường hợp F1 của 10 ca này và đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời các biện pháp phòng chống dịch, khoanh vùng, cách ly, truy vết... cũng đã được các lực lượng chức năng khẩn trương triển khai.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của ổ dịch trong công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang đã quyết định lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ công nhân trên công trường này, với toàn bộ hơn 1.000 mẫu dịch ngoáy mũi của các trường hợp liên quan. Các mẫu sẽ được thực hiện xét nghiệm với hình thức mẫu gộp 5 bằng phương pháp Realtime RT-PCR.

Kiểm tra giấy tờ của công nhân trước khi đón về Lạng Sơn, một trong những điều kiện quan trọng là xét nghiệm RT-PCR 3 lần âm tính.

Sơn La, Lạng Sơn đón công nhân về địa phương để giảm tải cho Bắc Giang

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, để bảo đảm an toàn cho người lao động, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đồng thời giảm bớt những khó khăn khi vừa chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm hậu cần phục vụ hàng vạn người lao động chưa trở lại làm việc đang ở trong các khu cách ly y tế, từ ngày 12 đến 15/6, UBND tỉnh Bắc Giang có kế hoạch đưa từ 30 - 35 nghìn lao động các tỉnh, thành phố tạm thời trở về địa phương nơi thường trú.

Trong đó đối tượng ưu tiên gồm: phụ nữ đang có thai, phụ nữ có con nhỏ dưới 6 tháng tuổi, người cao tuổi có bệnh lý nền, các trường hợp F0 đã khỏi bệnh, F1 đã hoàn thành cách ly tập trung, có xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện trở về cách ly tại nhà; người lao động đang ở trong các vùng cách ly, giãn cách xã hội, cách ly y tế đã được sàng lọc, xét nghiệm RT-PCR âm tính nhiều lần và có nguyện vọng trở về địa phương.

Trong trường hợp chưa giảm tải được 50% số lượng lao động ngoài tỉnh, chủ yếu tại các huyện Việt Yên, Yên Dũng thì sẽ tiếp tục ưu tiên đưa lao động thuộc các tỉnh, thành phố về địa phương như: Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Thanh Hóa, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Sơn La, Yên Bái.

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, Bắc Giang cũng đã đề nghị các địa phương chủ động bố trí phương tiện đón công nhân từ tỉnh Bắc Giang. Trường hợp các tỉnh không bố trí được phương tiện thì tỉnh Bắc Giang hỗ trợ thuê xe để đưa người lao động về.

Trước đó, để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, Bắc Giang đã “giữ chân công nhân” ở lại không trở về địa phương khi dịch bùng phát. Tuy nhiên, đến hiện tại tình hình dịch bệnh COVID-19 đã giảm nhiệt, huyện Việt Yên được coi là “rốn” dịch cũng cơ bản được kiểm soát, khoanh vùng.

Vì vậy, để góp phần giảm bớt khó khăn và thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện, UBND Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch đưa người lao động đang lưu trú tại huyện Việt Yên trở về địa phương nơi thường trú. Bởi, thực tế là trên địa bàn huyện còn hơn 60 nghìn lao động đang ở thuê trọ. Chủ trương này của Bắc Giang đã nhận được sự chia sẻ từ các tỉnh như Sơn La, Lạng Sơn,...

Được biết, để “chia lửa” cùng Bắc Giang chống dịch, tỉnh Sơn La huy động 20 xe ôtô để đón công nhân với việc bảo đảm các yêu cầu về phòng dịch gồm: phun khử khuẩn; trang bị đồ bảo hộ cho công nhân; bố trí khoảng cách ghế ngồi và yêu cầu công nhân giữ khoảng cách khi lên, xuống xe. Sau khi về địa phương, UBND các huyện, thành phố nơi công nhân cư trú bố trí tổ công tác đón tại điểm tập kết; đồng thời khám sàng lọc và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã chủ động đón 300 công nhân người Lạng Sơn đang làm việc ở Bắc Giang trở về địa phương.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, số lượng công nhân của tỉnh Lạng Sơn làm việc tại tỉnh Bắc Giang là hơn 21 nghìn người. Để bảo đảm an toàn cho người lao động, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đồng thời góp phần giúp tỉnh Bắc Giang giảm bớt những khó khăn, nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phối hợp triển khai chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương liên quan tổ chức đón người lao động của tỉnh có nhu cầu trở về địa phương khi đã bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng chống dịch COVID-19.

Phúc Võ - H.Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-tinh-khan-truong-phong-dich-cho-cong-nhan-va-khu-cong-nghiep-n194966.html