Các 'ông trùm' bán lẻ tại Mỹ chật vật để sinh tồn

Mỗi ngày, cuộc khủng hoảng COVID-19 dường như đều tạo nên một đợt 'càn quét' mới cho ngành bán lẻ của Mỹ.

Một cửa hàng của Macys ở New York. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi nền kinh tế Mỹ đang dần nối lại các hoạt động sau thời gian dài đình trệ do các lệnh phong tỏa xã hội, các trung tâm mua sắm tại nước này yêu cầu khách hàng phải đeo khẩu trang và thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, với hy vọng sẽ thuyết phục được khách hàng rằng họ có thể mua sắm an toàn trong thời kỳ dịch COVID-19 vẫn chưa được không chế hoàn toàn.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ lớn của Mỹ, từng được coi là những “ông trùm” chi phối hoạt động mua sắm tại nước này, lại đang chật vật để "sinh tồn" sau khi việc ngừng hoạt động kéo dài do ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều nhà bán lẻ phá sản và số khác không đủ khả năng trả tiền thuê của hàng.
Mỗi ngày, cuộc khủng hoảng COVID-19 dường như đều tạo nên một đợt “càn quét” mới cho ngành bán lẻ của Mỹ.

Chủ sở hữu chuỗi cửa hàng đồ lót Victoria's Secret ngày 21/5 tuyên bố sẽ đóng cửa 250 cửa hàng ở Mỹ và Canada, đồng thời cảnh báo có thể sẽ cho ngừng hoạt động thêm nhiều cửa hàng nữa trong hai năm tới.
Trong khi đó, Macys - một trong những nhà bán lẻ lớn của Mỹ - dự tính thua lỗ 1 tỷ USD trong quý I/2020, cho thấy tình hình khó khăn đối với nhà bán lẻ này, vốn phải tuyên bố đóng cửa 125 cửa hàng vào tháng 2/2020, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Ngành bán lẻ Mỹ đã đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian dài trước khi dịch COVID-19 tấn công.

Nhiều cửa hàng truyền thống vốn đang mất dần thị phần trước sự cạnh tranh của thương mại điện tử đã phải đóng cửa.

Và điều này đã dẫn đến làn sóng đóng cửa các trung tâm mua sắm cũng như sự xuất hiện của các "trung tâm zombie", nơi gần như không có cửa hàng nào mở.
Giới phân tích dự báo xu hướng trên sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Báo cáo của công ty tư vấn Green Street Advisors dự đoán rằng, hơn một nửa số cửa hàng đặt tại các trung tâm thương mại sẽ đóng cửa vào năm 2021.

Báo cáo này được công bố vào ngày 28/4, ngay trước thông báo phá sản của một loạt nhà bán lẻ gồm J. Crew, Neiman Marcus và JC Penney.
Ngoài việc chịu những tác động ngay lập tức về tài chính do các cửa hàng đóng cửa, các trung tâm thương mại còn phải đối mặt với khó khăn khác từ điều khoản thuê mặt bằng, cho phép bên thuê yêu cầu giảm tiền thuê khi trung tâm không còn thu hút khách hàng.
Nick Shields, chuyên gia phân tích cao cấp tại công ty tư vấn Third Bridge, dự đoán nhiều trung tâm thương mại cấp hai và cấp ba của Mỹ sẽ không “sống sót” qua cuộc khủng hoảng hiện tại.

Các trung tâm được đánh giá tốt hơn với các thương hiệu nổi tiếng như Apple và Nike sẽ làm tốt hơn, mặc dù “đòn đánh” giáng vào các công ty bất động sản do tiền thuê mặt bằng sụt giảm là "đáng kể".
Các nhà phân tích hy vọng rằng khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các cửa hàng sẽ được hưởng lợi phần nào từ sự bùng nổ nhu cầu tiêu dùng, vốn bị dồn nén từ thời gian phong tỏa xã hội.

Tuy vậy, việc đến một trung tâm mua sắm rộng lớn với nhiều cửa hàng đóng cửa và ngột ngạt bởi mùi thuốc tẩy trùng, kèm theo quy định phải mang khẩu trang, có thể khiến nhiều khách hàng bỏ qua./.

Minh Trang (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-ong-trum-ban-le-tai-my-chat-vat-de-sinh-ton/157653.html