Các nước bắt đầu 'nói không' với Trung Quốc

Lãnh đạo quần đảo Natuna, Indonesia đã kêu gọi các nước Phương Tây đầu tư vào khu vực có tầm chiến lược quan trọng nhưng thẳng thừng tuyên bố các khoản tiền từ Trung Quốc.

Lãnh đạo quần đảo Natuna, Indonesia, Abdul Hamid Rizal. Ảnh: SMH.

Nói “không” với nhà đầu tư Trung Quốc

Trong bài trả lời phỏng vấn với các báo The Age và The Sydney Morning Herald, người đứng đầu quần đảo Natuna Abdul Hamid Rizal bày tỏ mong muốn nhận được đầu tư từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia, đồng thời nhấn mạnh tiền từ Trung Quốc “không được chào đón”.

Ông Abdul hiện giữ chức Bupati, một chức tương tự với thống đốc tỉnh ở Indonesia. Ông bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ đầu tư xây một sân bay quốc tế mới nhằm thay thế cho sân bay quân sự ít được sử dụng trên quần đảo.

Natuna Besar là đảo chính trên quần đảo Natuna nằm ở rìa Biển Đông, cách Jakarta hơn 1.000 km về phía bắc. Hòn đảo này có hơn 80.000 dân và được xem là “khu vực chiến lược” của Indonesia nằm ở phía nam Biển Đông.

Ông Abdul từng gặp cựu Đại sứ Mỹ tại Indonesia Joseph Donovan để bàn bạc về cơ hội hợp tác đầu tư giữa 2 nước.

"Chúng tôi chào đón các khoản đầu tư từ nước ngoài nhưng nếu có thể sẽ là nhà đầu tư từ Nhật Bản, Australia, hay các nước khác. Nếu là nhà đầu tư Trung Quốc, chúng tôi không muốn đón nhận vào thời điểm này. Chúng tôi quan ngại, sẽ thế nào nếu các lao động họ mang tới đây không phải là lao động thông thường mà là quân đội thì sao?", ông nói.

Ông Rizal cho biết các khoản đầu tư từ các nước ủng hộ Biển Đông tự do và rộng mở sẽ "thuộc về phạm trù kinh doanh, không dính dáng nhiều tới chính trị". "Nhưng đối với Trung Quốc, chúng tôi lo ngại rằng có chính trị trong đó", ông nói thêm.

Lời kêu gọi đầu tư của Rizal cụ thể hơn so với những kêu gọi trước đó của chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo, vốn tuyên bố hoan nghênh mọi nguồn đầu tư nước ngoài vào quốc đảo này. Đây cũng là lần đầu tiên một quan chức Indonesia công khai nói rằng nguồn đầu tư từ Trung Quốc "không được hoan nghênh".

Đây không phải lần đầu Trung Quốc bị từ chối trong lĩnh vực kinh tế.

Cách đây một tuần, theo Times of India, một cuộc khảo sát online trên trang LocalCircles tại Ấn Độ cho thấy có tới 87% trong số 32.000 người được hỏi tuyên bố sẽ không bán và không sử dụng hàng hóa “Made in China” trong vòng ít nhất một năm. Trước đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp Ấn Độ cũng đồng loạt kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.

Liên minh Thương nhân Ấn Độ (CAIT) - đại diện hơn 60 triệu thương nhân nước này - cho biết sẽ tẩy chay 450 thương hiệu bán hơn 3.000 sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Chủ tịch đảng Cộng hòa Ấn Độ Ramdas Athawale cũng kêu gọi người dân nước này nói "không" với đồ ăn và nhà hàng Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, cơ quan hải quan tại cảng Chenai - một trong những cảng hàng hóa lớn nhất Ấn Độ - đã tạm hoãn thông quan các lô hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Quyết định này đã làm ách tắc hàng nghìn tấn hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tại cửa biên giới.

Trung Quốc gây thất vọng cho cộng đồng quốc tế

Những khó khăn trong kinh tế là hệ lụy từ chính sách ngoại giao của chính Trung Quốc.

Người dân Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc sau đụng độ mới đây tại biên giới hai nước.

Người dân Ấn Độ đập, đốt điện thoại, tivi, các sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc trong cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh. Ảnh: The Straits Times.

Hồi đầu năm, Trung Quốc đã thừa nhận rằng ngư dân của họ đánh cá ở Biển Bắc Natuna, khu vực mà Indonesia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế. Vào thời điểm đó, Indonesia đã các máy bay chiến đấu F-16, cũng như các tàu cá và tàu chiến tới khu vực quần đảo Natuna để đối phó Trung Quốc.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược quan trọng, với khoảng 1/3 lượng hàng hóa thế giới lưu thông qua đây, cũng là khu vực giàu tài nguyên biển và dầu khí. Phái đoàn thường trực Indonesia hồi tháng 5 đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách "đường 9 đoạn" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.

Bắc Kinh lúc này hung hăng trước bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí nào của Việt Nam hay Malaysia ở Biển Đông, và sẽ giữ áp lực ấy cho tới lúc ngành công nghiệp khai thác năng lượng xa bờ của đối phương sụp đổ, hoặc Việt Nam và Malaysia phải chấp nhận khai thác chung với công ty quốc doanh Trung Quốc CNOOC.

Hiện hàng chục tàu chấp pháp Trung Quốc và hàng trăm tàu dân quân biển hoạt động mỗi ngày, và nhận lệnh phải hành xử hung hăng để khẳng định quyền lợi của Trung Quốc và quấy phá những nước láng giềng.

Trên Korea Times, nhà khoa học chính trị Nehginpao Kipgen - giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) thuộc Trường Quan hệ quốc tế Jindal (Ấn Độ) - nhận xét rằng Trung Quốc đã có những biểu hiện gây thất vọng trong khi khát khao làm lãnh đạo toàn cầu.

TS Kipgen, tác giả cuốn Chính trị của tranh chấp Biển Đông, viết như sau: "Đạo đức là một công cụ quyền lực để có liên minh và trở thành bá chủ thế giới. Đây là một trong những lập luận then chốt do chuyên gia chính sách quốc tế người Trung Quốc Yan Xuetong đưa ra trong cuốn sách Lãnh đạo và sự trỗi dậy của các cường quốc."

Theo TS Kipgen, đại dịch COVID-19 càng là lúc Mỹ và Trung Quốc thể hiện vai trò. Nhưng "sự áp đặt của Trung Quốc đối với chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông, tại thời điểm này, gửi một tín hiệu báo động cho các bên tranh chấp khác, và có lẽ là một cảm giác thất vọng cho cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn".

Các nước bắt đầu nói 'không' với Trung Quốc một cách dứt khoát hơn sau khi một số nước từng lắc đầu trước những khoản đầu tư của Sáng kiến Vành đai và Con đường tiềm ẩn nhiều rủi ro bất trắc.

Hải Doan (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/cac-nuoc-bat-dau-noi-khong-voi-trung-quoc-111287.html