Các nhà khoa học phát hiện 'hố đen' phát triển nhanh nhất trong 9 tỷ năm

Các nghiên cứu ước tính, cứ mỗi giây, 'hố đen' này lại nuốt chửng một khối lượng vật chất tương đương với Trái Đất.

Theo Zing, các nhà khoa học Australia phát hiện một hố đen siêu lớn có khối lượng bằng 3 tỷ Mặt Trời. Họ tin rằng đây là hố đen phát triển nhanh nhất trong 9 tỷ năm qua.

Thời gian qua, các nhà khoa học Australia đã sử dụng kính viễn vọng SkyMapper Southern Sky Survey dài 1,3m, ở Coonabarabran, để tìm ra một chuẩn tinh cực sáng - vật thể phát sáng được cung cấp năng lượng bởi một hố đen siêu lớn.

Ngày 14/6 Guardian đưa tin, vật thể này có tên J114447.7-430859.3, gọi tắt là J1144, phát sáng gấp 7.000 lần so với tất cả ánh sáng từ Dải Ngân hà.

Nhận định về vật thể "lạ" này, tiến sĩ Christopher Onken, thuộc Đại học Quốc gia Australia và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết hố đen siêu lớn này "trải rộng xấp xỉ một nửa vũ trụ”.

“Ánh sáng mà chúng tôi nhìn thấy từ hố đen đang phát triển này đã truyền đến chúng ta khoảng 7 tỷ năm. Vụ nổ lớn xảy ra ước tính 13,8 tỷ năm trước”, ông nói.

Theo các nhà khoa học, J1144 là chuẩn tinh phát sáng nhất trong 9 tỷ năm lịch sử vũ trụ. Họ ước tính rằng hố đen siêu lớn tiêu thụ một lượng tương đương với Trái Đất mỗi giây và có khối lượng bằng 3 tỷ Mặt Trời.

Đến nay, lý do cho độ sáng bất thường của J1144 vẫn chưa rõ ràng. “Có thể hai thiên hà lớn đã va chạm và tạo ra một phễu khí hướng về phía hố đen”, ông Onken nói.

“Chúng ta đã tìm kiếm những hố đen đang phát triển này kể từ đầu những năm 1960. Nhưng việc để một vật thể có độ sáng như vậy lọt khỏi các cuộc tìm kiếm trong nhiều năm là đáng chú ý", ông nói.

Thông tin thêm trên VTV News, ước tính, cứ mỗi giây, hố đen này lại nuốt chửng một khối lượng vật chất tương đương với Trái Đất.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cac-nha-khoa-hoc-phat-hien-ho-den-phat-trien-nhanh-nhat-trong-9-ty-nam-a556777.html