Các hợp tác xã nông nghiệp cho ra đời nhiều sản phẩm mới

Dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, nhưng các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tìm hướng khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động. Nhờ đó từ đầu năm đến nay, nhiều HTX nông nghiệp đã cho ra đời các sản phẩm mới, góp phần phát triển thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư vào chế biến

HTX Nông nghiệp Tiến Thành, xã Cư K’nia (Cư Jút), thành lập năm 2018, có 16 thành viên và thành viên liên kết. HTX hiện có hơn 50 ha cà phê và hồ tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Những năm trước đây, HTX chủ yếu bán sản phẩm thô cho các đối tác. Thế nhưng, mới đây, HTX đã ra mắt sản phẩm cà phê bột robusta được sản xuất theo quy trình hữu cơ.

HTX Dược liệu An Phúc Khang giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông lần thứ I năm 2020

Theo ông Bùi Xuân Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Thành, sau một thời gian tìm hiểu thị trường, đơn vị quyết định đầu tư hơn 600 triệu đồng để mua máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất cà phê bột robusta. Tháng 1 năm nay, sản phẩm cà phê bột robusta được HTX sản xuất từ nguồn nguyên liệu hữu cơ đã có mặt trên thị trường. HTX đang trong giai đoạn chào hàng, giới thiệu bán lẻ sản phẩm cho các quán cà phê trong, ngoài tỉnh và được thị trường đón nhận. Trong 9 tháng qua, trung bình mỗi tháng HTX bán trên 1 tạ cà phê bột robusta.

"Hướng phát triển của HTX đó là sản xuất khép kín để nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên. Hiện nay, chúng tôi đã có những đơn đặt hàng với số lượng khá lớn, đây là tín hiệu vui cho HTX”, ông Nghĩa chia sẻ.

Vườn sâm bố chính của HTX Dược liệu An Phúc Khang ở xã Đắk Ha (Đắk Glong)

HTX Dược liệu An Phúc Khang ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) tuy mới thành lập, nhưng cũng đã bắt tay vào chế biến. Hiện nay, HTX thu hút 14 thành viên trồng hơn 50 ha cây dược liệu các loại. Trong đó, các cây dược liệu chủ yếu gồm nghệ bọ cạp, sâm bố chính, sâm đương quy, dổi, nhàu...

Bà Nguyễn Thị Băng, Phó Giám đốc HTX Dược liệu An Phúc Khang chia sẻ: Đơn vị chọn phát triển dược liệu bởi trong những năm qua giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, trong khi đó trồng cây dược liệu cho thu nhập cao hơn. Sau khi đến nhiều nơi tham khảo, tìm hiểu và thấy trồng cây dược liệu có tính khả thi trong phát triển kinh tế, nên HTX quyết định chọn để phát triển.

Sản phẩm cà phê bột robusta được HTX Nông nghiệp Tiến Thành sản xuất từ nguồn nguyên liệu cà phê hữu cơ

Hơn 1 năm qua, HTX chủ yếu thu mua sản phẩm tươi và bán tươi cho 8 công ty, HTX và các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, về lâu về dài, HTX xác định cần thiết phải đầu tư để chế biến sản phẩm. Do đó, HTX đang đầu tư máy móc, thiết bị để sấy, sơ chế, chế biến thô các sản phẩm dược liệu để cung ứng cho các đối tác thay vì bán tươi. Điều này giúp HTX vừa chủ động trong sản xuất, kinh doanh, vừa nâng cao giá trị kinh tế.

Đa dạng hóa các sản phẩm

Cùng với sự ra đời các sản phẩm mới, các HTX có thâm niên đã mạnh dạn hướng tới sự đa dạng hóa sản phẩm. Chẳng hạn, HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút), đang liên kết với các thành viên và nông dân trồng hơn 200 ha gấc. Nhiều năm qua, HTX có các sản phẩm như gấc sấy khô, tinh dầu gấc, cồn xoa bóp từ hạt gấc... Các sản phẩm này đều phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2020, HTX đã cho ra đời thêm 2 sản phẩm mới là dầu gấc và bún gấc.

HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông lần thứ I năm 2020

Theo ông Trần Văn Tăng, phụ trách kinh doanh của HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà, hai sản phẩm mới này được HTX xác định là sản phẩm chính phục vụ thị trường trong nước. HTX đầu tư công nghệ khép kín và thí điểm sản xuất sản phẩm tinh dầu gấc và bún gấc từ cuối năm 2019. Các sản phẩm mới hoàn thiện cách đây 3 tháng. Đến nay, HTX đã cung cấp hơn 1 tấn tinh dầu và 5 tấn bún gấc ra thị trường.

Hiện nay, toàn tỉnh có 127 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với số vốn điều lệ trên 92 tỷ đồng. Các HTX nông nghiệp thu hút trên 1.800 lao động. Hoạt động của các HTX nông nghiệp chủ yếu là thu mua nông sản; cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm; vật tư nông nghiệp; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; giống cây trồng, vật nuôi; dịch vụ thủy nông; hướng dẫn kỹ thuật...

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX nông nghiệp đã từng bước đổi mới mô hình hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên và các hộ nông dân. HTX nông nghiệp góp phần đắc lực trong việc giúp hộ thành viên tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bài, ảnh: Thanh Nga

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/hop-tac-xa/cac-hop-tac-xa-nong-nghiep-cho-ra-doi-nhieu-san-pham-moi-82000.html