Các Bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri Đắk Nông (lĩnh vực Y tế)

Cử tri Đắk Nông đã có nhiều kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, liên quan đến nhiều nhóm vấn đề, lĩnh vực. Trên cơ sở trả lời cử tri của các Bộ, ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tổng hợp; Báo Đắk Nông trích đăng để cử tri tìm hiểu, nắm bắt.

1. Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chính phủ cần thận trọng, cân nhắc kỹ trong việc mở cửa lại đường biên giới, nối lại đường bay quốc tế để vừa đảm bảo cả mục tiêu phục hồi kinh tế lẫn phòng chống dịch có hiệu quả, không để bùng phát dịch trở lại.

Liên quan đến nội dung này, Bộ Y tế có trả lời theo nội dung Công văn số 5252/BYT-VPB1 ngày 01/10/2020 như sau:

Ngày 29/8/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận số 313/TB-VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, ngày 27/8/2020, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo:

“8. Giao Đồng chỉ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì với các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải... giải quyết các việc sau:

a. Tổ chức điều phối các chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước và tạo thuận lợi đưa các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh. Mỗi chuyến bay đều phải có phương án cụ thể bảo đảm an toàn kể cả phương án cách ly phù hợp đối với từng đối tượng nhập cảnh.

b. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, chặt chẽ, giảm các khâu trung gian không cần thiết, giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục (kể cả các giấy tờ liên quan đến chuyến bay và giấy tờ xác nhận tình trạng bệnh tật...).

c. Bộ Y tế ban hành ngay hướng dẫn quy trình, thủ tục kiểm tra, theo dõi y tế tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh thời gian ngắn (dưới 14 ngày), ban hành trước ngày 31 tháng 8 năm 2020.”

“10. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối họp với các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý ngay vấn đề mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 8 năm 2020; trước hết, chỉ đạo thực hiện chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngày 08/9/2020, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về việc nối lại một số đường bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam và một số đối tác và đã thống nhất một số nội dung như:

Đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác (Từ ngày 15/9/2020 đối với các đường bay: Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam - Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam - Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei); từ ngày 22/9/2020 đối với các đường bay Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam - Lào (Vientiane)).

Quy định về đối tượng, điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại từ 6 địa bàn trên (không bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba).

Quy định về đối tượng quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại (Thông báo kết luận số 330/TB-VPCP ngày 15/9/2020 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh).

2. Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị cần có quy định các điều kiện thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế nhất là việc chuyển viện và thanh toán chi phí khám chữa bệnh trái tuyến. Đồng thời, đề nghị mở rộng danh mục thuốc, vật tư, dịch vụ được thanh toán bằng bảo hiểm y tế mới khuyến khích được người dân tham gia Bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, nhiều cử tri đánh giá hiện nay Nhà nước đang rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, nhất là việc chống rác thải nhựa. Tuy nhiên hiện nay các cơ sở y tế vẫn đang sử dụng và thải ra rất nhiều rác thải nhựa. Vì vậy, đề nghị ngành y tế sớm có giải pháp xử lý vấn đề này.

Về nội dung này, Bộ Y tế trả lời cử tri theo nội dung Công văn số 5250/BYT-VPB1 ngày 01/10/2020 như sau:

Nội dung về khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, theo quy định về các điều kiện thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế nhất là việc chuyển viện và thanh toán chi phí khám chữa bệnh trái tuyến.

Cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh cũng như thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là các nội dung chính trong các văn bản chính sách bảo hiểm y tế mà Bộ Y tế xây dựng; luật Bảo hiểm y tế 2014, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Thông tư số 09/2019/TT-BYT đã kịp thời bổ sung các hướng dẫn về khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Về mở rộng danh mục thuốc, vật tư, dịch vụ được thanh toán bằng bảo hiểm y tế mới khuyến khích được người dân tham gia bảo hiểm y tế:

Hiện nay, Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế được quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2019 ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế và Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/3/2015 ban hành và hướng dẫn danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế. Như vậy, danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế hiện nay đã bao phủ các thuốc điều trị đầy đủ ở các chuyên khoa trong lĩnh vực tân dược và thuốc y học cổ truyền.

Về danh mục thuốc tân dược, so với Thông tư số 40/2014/TT-BYT, Thông tư số 30/2019/TT-BYT bổ sung mới 61 thuốc thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phù hợp với sự phát triển khoa học của công nghiệp dược; bổ sung dạng dùng của 6 thuốc, mở rộng tuyến sử dụng của 69 thuốc, mở rộng điều kiện thanh toán 10 thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán 6 thuốc nhằm tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tăng cường tiếp cận thuốc.

Về danh mục thuốc y học cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/11/2015 về Danh mục vị thuốc, chế phẩm thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế hiện có 229 chế phẩm (tăng 102 chế phẩm) và 349 vị thuốc (tăng 49 vị thuốc) so với Thông tư số 12/2010/TT-BYT ngày 29/4/2010, được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện có khoa Y học cổ truyền, kể cả trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.

Quỹ Bảo hiểm y tế xã hội có thể chi trả cho toàn bộ các thuốc có mặt trên thị trường. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có Danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp. Trong những trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng được thuốc để điều trị của người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần chuyển người bệnh đến các cơ sở cung ứng đầy đủ thuốc và điều kiện để điều trị cho người bệnh, nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.

Hiện nay, với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, theo định kỳ, Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung Danh mục; đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế.

Nội dung về giải pháp xử lý rác thải nhựa trong Ngành Y tế vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:

Chất thải nhựa đang là vấn đề ưu tiên giải quyết của mỗi quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia đã cam kết giảm thiểu chất thải nhựa và Bộ Y tế là một trong những Bộ, ngành đi đầu trong việc hưởng ứng và triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động của ngành. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư kêu gọi cả nước hành động giải quyết vấn đề chất thải nhựa vào ngày 25/4/2019, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số: 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, trong đó yêu cầu các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế; từ sinh hoạt thường ngày của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong đơn vị.

Đối với việc giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế, nhiều cơ sở y tế đang thực hiện các biện pháp giảm thiểu như: Giảm sử dụng các vật dụng, vật tư y tế làm từ nhựa, thay thế bằng các sản phẩm làm từ các vật liệu thân thiện môi trường như sử dụng găng tay cao su, khẩu trang, mũ trùm đầu, bọc giầy, túi đựng thuốc bằng giấy; ứng dụng công nghệ số trong chụp X quang, cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ để hạn chế in phim làm bằng nhựa; phân loại triệt để chất thải nhựa để tái chế và sử dụng túi thân thiện môi trường để cấp phát thuốc, đựng chất thải y tế. Tuy nhiên, do đặc thù ngành Y tế, một số trang thiết bị y tế bằng nhựa hiện nay ngay cả trên thế giới cũng chưa có sản phẩm thay thế phù họp và an toàn. Vì vậy để giảm thiểu chất thải nhựa từ những trang thiết bị y tế này, Bộ Y tế đề nghị các sơ sở y tế phải sử dụng đúng theo chỉ định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, không được lạm dụng.

Đối với việc giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động sinh hoạt thường ngày, các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế đều đã xây dựng kế hoạch và thực hiện hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, thay thế chai nhựa đựng nước dung tích nhỏ dùng một lần các sản phẩm thân thiện môi trường hoặc có thể sử dụng lại. Tuy nhiên, tại các cơ sở y tế, phần lớn chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động sinh hoạt thường ngày của người bệnh, người nhà người bệnh. Do đó, mặc dù các cơ sở y tế đã tăng cường truyền thông, nhắc nhở người bệnh, người nhà người bệnh nhưng việc thực hiện còn hạn chế. Người dân vẫn còn sử dụng túi ni lông khó phân hủy dùng 1 lần để đựng các vật dụng, đồ ăn, thức uống mua từ ngoài mang vào cơ sở y tế do sự tiện dụng và sẵn có trên thị trường, trong khi các sản phẩm thân thiện môi trường chưa sẵn có để đáp ứng nhu cầu và giá thành lại khá cao.

Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tăng cường truyền thông tới người dân để cùng chung tay giảm thiểu chất thải nhựa khi đến sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế.

Đ.D

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/tra-loi-cu-tri/cac-bo-nganh-trung-uong-tra-loi-y-kien-kien-nghi-cu-tri-dak-nong-linh-vuc-y-te-82926.html