Bước phát triển vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam

Sau ngày thành lập 22-12-1944, QĐND Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng trên mọi phương diện và đã giành được nhiều chiến công xuất sắc. Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 chính là một bước tiến quan trọng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta, đặc biệt là về nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật quân sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: Tư liệu

Cuối năm 1949, đầu năm 1950, tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch với mật danh Lê Hồng Phong II (chiến dịch Biên giới Thu Đông) ở hướng Cao Bằng - Lạng Sơn, nhằm mục đích: Tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở tuyến giao thông nối liền các nước XHCN, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy.

Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm Đại đoàn 308, Trung đoàn 174, Trung đoàn 209, 3 tiểu đoàn độc lập 426, 428, 888 của Liên khu Việt Bắc và Lạng Sơn. Ngoài ra, còn có 4 đại đội sơn pháo, 5 đại đội công binh, bộ đội địa phương và hàng vạn dân công tham gia phục vụ chiến dịch. Trong khi đó, thực dân Pháp bố trí lực lượng phòng ngự mạnh tại biên giới Việt - Trung gồm 11 tiểu đoàn, 4 đại đội công binh, 4 đại đội cơ giới, 27 khẩu pháo và 8 máy bay, ngoài ra còn các cứ điểm phòng ngự của địch đều được xây dựng kiên cố.

Ban đầu, Bộ Chỉ huy chiến dịch chọn thị xã Cao Bằng làm nơi trận đánh mở màn, nhằm kéo viện binh của Pháp lên đánh, sau đó, chuyển lực lượng xuống tiêu diệt địch ở Đông Khê, Thất Khê. Tuy nhiên, sau khi trinh sát thực địa, nhận thấy nơi đó lực lượng địch mạnh, có hệ thống phòng thủ kiên cố. Vì vậy, phía ta quyết định chuyển sang đánh cứ điểm Đông Khê trước, là nơi quân địch yếu nhưng là trọng điểm trong hệ thống phòng thủ biên giới của địch, từ đó, cô lập được Cao Bằng, đồng thời, tạo điều kiện cho quân ta đón đánh viện binh địch.

Sáng 16-9-1950, sau loạt pháo kích mở màn vào trận địa, Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 mở cuộc tiến công vào các vị trí bên ngoài Đông Khê và chiếm được 5 đồn, quân địch đã chống trả rất quyết liệt, chúng dùng pháo binh và không quân bắn phá dữ dội vào đội hình của ta. Với quyết tâm đánh thắng trận đầu, chiều tối 17-9, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái hạ lệnh tổng tấn công các vị trí còn lại ở Đông Khê.

Trận chiến đấu ác liệt kéo dài suốt đêm, với sức tấn công mãnh liệt của bộ đội ta, đến sáng 18-9, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đông Khê, buộc số quân địch còn lại xin hàng. Việc để mất Đông Khê làm cho hệ thống phòng ngự của Pháp tại khu vực biên giới Việt - Trung bị lung lay, Cao Bằng bị cô lập, Thất Khê bị uy hiếp.

Sau đó, thực dân Pháp đã nhanh chóng điều động hai cánh quân tiếp viện, cánh đầu tiên do Trung tá Le Page chỉ huy, hành quân từ Lạng Sơn qua Thất Khê lên nhằm mục đích tái chiếm lại Đông Khê, mở lại đường số 4, đồng thời, thu hút chủ lực của quân ta. Cánh còn lại do Trung tá Charton chỉ huy, từ Cao Bằng tấn công xuống, hội quân với cánh của Trung tá Le Page ở Đông Khê.

Nắm bắt được ý đồ của địch, quân ta đã bố trí lực lượng bao vây, chặn đánh. Trung đoàn 209 hành quân lên Quang Liệt, phía Bắc Đông Khê để chặn đánh cánh quân của Trung tá Charton chỉ huy. Ngày 6-10, cánh quân của Trung tá Charton cũng đến được Cốc Xá và bắt liên lạc được với cánh quân của Trung tá Le Page. Đại đoàn 308 lập tức bao vây chặt Cốc Xá và điểm cao 477. Trung đoàn 209 chặn ở phía Bắc. Phía Nam, Trung đoàn 174 chốt chặn đường rút ở Cốc Tồn - Khau Pia.

Sáng 6-10, quân ta bắt đầu tấn công Cốc Xá, đến buổi trưa, gần như toàn bộ cánh quân của Le Page đã bị xóa sổ, chỉ còn 650 tên sống sót, chúng cố chạy sang điểm cao 477. Nhưng tại đó, 5 tiểu đoàn của Đại đoàn 308 và của Trung đoàn 209 đã vây chặt cánh quân của Charton, hai bên giành nhau quyết liệt tại các điểm cao ở đây. Đến chiều 6-10, cánh quân của Charton trở nên rối loạn khi biết tin binh đoàn của Le Page đã bị xóa sổ.

Charton đã tập hợp những tên còn sống mở đường máu rút khỏi điểm cao 477 về Nà Cao, nhưng đến chiều thì bị bắt làm tù binh, cùng với toàn bộ ban tham mưu. Le Page và tàn quân địch sau khi mất liên lạc với Charton, chúng tìm cách rút theo đường rừng để về Thất Khê, nhưng đến sáng 8-10, Le Page cùng đám tàn quân cũng bị quân ta bắt được và buộc phải đầu hàng.

Trước nguy cơ Thất Khê sẽ lại bị tiêu diệt như Đông Khê, thực dân Pháp hạ lệnh rút khỏi Thất Khê trong rối loạn. Ngày 11-10, quân địch tháo chạy, chúng bỏ lại nguyên vẹn súng ống, đạn dược... Địch phải chịu tổn thất nặng khi bị Đại đoàn 308 cùng Trung đoàn 174 truy kích. Đến ngày 22-10, quân Pháp phải rút bỏ hoàn toàn khỏi các cứ điểm như Thất Khê, Na Sầm, Đồng Lập, Lạng Sơn.

Kết thúc chiến dịch Lê Hồng Phong II, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, thu hơn 3.000 khí tài chiến tranh, hơn 1.200 tấn lương thực, 8 tấn thuốc men. Chiến dịch kết thúc thắng lợi đã giúp ta phá vòng vây căn cứ địa Việt Bắc của địch, mở rộng địa bàn kiểm soát lên đến 4.000km² và 35 vạn dân, đồng thời, khai thông tuyến biên giới Việt - Trung, làm thất bại âm mưu cô lập Việt Nam với quốc tế của thực dân Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát trận địa cứ điểm Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: Tư liệu

Chiến dịch Biên giới Thu Đông là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. hiệp đồng một số binh chủng, tiến công vào hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến biên giới dài gần 100km. Trong chỉ đạo, ta đã đề ra phương châm tác chiến chiến dịch đúng, lựa chọn chính xác hướng tiến công chủ yếu, kiên quyết và khéo léo tập trung ưu thế binh, hỏa lực, tạo thế trận đánh hiểm, có cách đánh sáng tạo và có hiệu quả. Chiến thắng này đánh dấu bước ngoặt cơ bản, xoay chuyển cục diện chiến tranh của ta, chuyển từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.

Thành công của chiến dịch đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của QĐND Việt Nam, chứng tỏ trình độ chỉ huy, kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội ta có sự tiến bộ vượt bậc so với trước. Từ đó, quân ta đã chủ động tấn công địch, giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc bộ. Quân Pháp thất bại lớn cả về quân sự và chính trị, bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động. Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, tạo bước ngoặt để Quân đội ta giành thắng lợi trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thành Chung

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/buoc-phat-trien-vuot-bac-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam/