Bước nhảy vọt trong quan hệ Mỹ - Hàn - Nhật

Giới quan sát đánh giá Hội nghị Thượng đỉnh tại Trại David ở bang Maryland - Mỹ có ý nghĩa quan trọng, vì đây là bước đầu tiên để Mỹ - Hàn - Nhật thiết lập khuôn khổ an ninh chung.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hôm 18-8 nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế và quân sự, đồng thời lên án mạnh mẽ "hành vi nguy hiểm" của Trung Quốc ở biển Đông.

Trong tuyên bố chung, 3 nước cam kết nhanh chóng tham vấn cùng nhau trong các cuộc khủng hoảng và phối hợp ứng phó với thách thức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Reuters, cả ba nước cũng đồng ý tổ chức các cuộc tập trận hằng năm và chia sẻ thông tin thời gian thực về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào cuối năm 2023.

Theo kênh Channel NewsAsia, TS Patrick Cronin, Chủ tịch về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ), cho rằng hợp tác 3 bên hiện nay chưa phải là một liên minh chính thức hay an ninh tập thể nhưng đang tiến gần đến điều đó.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Joe Biden tại Trại David, bang Maryland - Mỹ hôm 18-8. Ảnh: REUTERS

Phản ứng về cuộc gặp trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 18-8 cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ tự đánh giá về việc ai đang gây ra mâu thuẫn và làm leo thang căng thẳng.

Theo người phát ngôn này, nỗ lực thành lập và đưa các nhóm đối đầu vào châu Á - Thái Bình Dương sẽ chỉ vấp phải sự cảnh giác cũng như phản đối từ các nước trong khu vực.

Giới phân tích cho biết những lo ngại chung về an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là sự phô trương lực lượng ngày càng tăng của Trung Quốc và Triều Tiên, đã thúc đẩy quan hệ giữa các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc.

TS Takuya Matsuda, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Yokosuka về nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, nhận định việc quan hệ giữa 2 nước này ấm lên trong thời gian ngắn gây ngạc nhiên cho hầu hết giới quan sát châu Á.

Các chuyên gia cũng cho rằng cuộc gặp 3 bên có tầm quan trọng đặc biệt nhằm vạch ra những ưu tiên chiến lược của 3 nước trong khu vực, đồng thời tạo tiền đề cho sự phối hợp về chính sách và phản ứng quốc phòng.

Theo báo The New York Times, khả năng Bắc Kinh trả đũa kinh tế là mối lo ngại nghiêm trọng đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất với cả 2 nước.

Tuy nhiên, theo ông Daniel Sneider, giảng viên về chính sách quốc tế tại Trường ĐH Stanford (Mỹ), Seoul và Tokyo sẽ phải linh hoạt trong nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa việc hợp tác, cạnh tranh và đối đầu.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/buoc-nhay-vot-trong-quan-he-my-han-nhat-20230819214907095.htm